Kéo dài thời gian tuyển sinh: Các trường NCL vẫn “khát” thí sinh

kimngan |

Năm nay, nhiều trường NCL chỉ đạt 40 – 50% chỉ tiêu tuyển sinh mặc dù Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian xét tuyển.

Các trường công lập “vét” thí sinh

Năm nay, Bộ GD&ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép kéo dài thời gian xét tuyển đến hết ngày 30/11 và gia hạn nhiều đợt để tạo điều kiện “mở rào” cho các trường ngoài công lập (NCL) tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, kết quả nhiều trường chỉ tuyển sinh đạt 40 – 50%. Vì sao lại thế?

Kéo dài thời gian tuyển sinh: Các trường NCL vẫn “khát” thí sinh 1
Các trường ĐH ngoài công lập đang điêu đứng khi chỉ đạt 40 - 50% chỉ tiêu tuyển sinh được giao (ảnh minh họa).

Lý giải về điều này, TS.KH. Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long đưa ra hai nguyên nhân chính: "Trước hết, năm nay trường đại học công mở ra nhiều quá, mới mở ra nên họ chỉ lấy bằng điểm sàn, thu hút hết thí sinh. Nhiều trường khổ lắm, trường lớp mở ra nhưng người học không đến thì làm sao mà dạy được. Và nguyên nhân thứ 2 là do khó khăn về nền kinh tế."

Đánh giá về giải pháp kéo dài tuyển sinh, xét tuyển của Bộ GD&ĐT, TS.KH Hoàng Xuân Sính cho rằng việc đó làm cho sinh viên thi nhau rút hồ sơ chuyển sang trường công khi hạ điểm bằng điểm sàn. Như mọi năm, đóng cửa sớm, không có tình trạng như vậy.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Dân lập Đông Đô bày tỏ: “Năm nay, Bộ đưa ra quy chế để tạo điều kiện cho chủ yếu các trường NCL tuyển sinh thuận lợi hơn như kéo dài thời gian, quy định nộp xét tuyển đơn giản hơn… Về hình thức kéo dài gần 3 tháng so với trường công nhưng kết quả thì ngược lại, có trường chỉ tuyển được 20 – 30% chỉ tiêu (so với các năm là 70 – 80%). Họ đang điêu đứng, có trường chỉ tiêu là 1000 nhưng chỉ tuyển được 180 thí sinh hoặc 30 - 40 người học. Vậy vì sao cơ chế mở mà tuyển được ít?”

Theo ông Thanh Tĩnh, có 3 nguyên nhân chính là:

Thứ nhất, hiện nay các trường công lập hạ điểm thậm chí bằng điểm sàn, nguồn tuyển NCL bị thu hẹp.

Thứ hai, thời gian gần đây một số địa phương tuyên bố không nhận bằng tại chức nên ảnh hưởng đến tâm lý của người học, họ xác định lâu dài, tính toán đầu ra…nên họ sẽ chọn các trường công lập có điểm tuyển sinh không cao hơn là các trường ngoài công lập.

Thứ ba, nhận thức về học lên cao của học sinh phổ thông thay đổi. Số lượng theo học nghề tăng lên.

Nâng cao chất lượng: Yếu tố sống còn của cả trường công và tư

Trả lời trên báo SGGP Online, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng con đường đúng đắn nhất hiện nay là các trường NCL phải chăm lo đến chất lượng đào tạo để lấy lại uy tín đối với người học.

Ông Ngô Xuân Hà – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thành Đô cũng đồng ý rằng, nâng cao chất lượng là một trong những vấn đề cốt yếu để trường ngoài công lập tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề thay đổi chất lượng không phải dễ đối với các trường NCL. Bàn về vấn đề này, ông Thanh Tĩnh cho rằng, đó không chỉ việc làm “một sớm một chiều”, mà cần phải có sự giúp đỡ của các ban ngành khác.

Còn lãnh đạo Trường ĐH Thăng Long, bà Hoàng Xuân Sính lại bi quan cho rằng: “Không ăn thua khi đầu tư chất lượng. Nếu có thay đổi thì kéo theo học phí nhiều hơn và như vậy không đua được với trường công lập”.

Trên quan điểm vĩ mô, nhiều nhà giáo kỳ cựu đều cho rằng việc phát triển hệ thống các trường ngoài công lập là tất yếu. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần phân định rõ ràng mục tiêu và nhiệm vụ của hai hệ thống công lập và ngoài công lập.

Theo nhiều nhà giáo, Bộ GD&ĐT nên giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập, chuyển sang đào tạo tinh lọc được hưởng chế độ ưu đãi cao chứ không theo kiểu phổ cập đại học như hiện nay vừa lãng phí ngân sách Nhà nước, vừa làm giảm chất lượng đào tạo.

Những sinh viên không đủ năng lực chen chân vào trường công thì phải chuyển sang hệ thống ngoài công lập cho phù hợp với tính chất xã hội hóa giáo dục. Chỉ có như vậy, chất lượng đào tạo mới được cải thiện rõ rệt, các trường ngoài công lập sẽ không còn phải lo thiếu học sinh mỗi kỳ tuyển sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại