Hy hữu: Cứu sống cụ bà 78 tuổi có khối u hơn 2 kg

Kim Ngân |

Cụ bà 78 tuổi với khối u hơn 2 kg trong bụng từ nhiều năm đã được mổ thành công tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Hà Nội.

Đó là một trong những ca bệnh đặc biệt mà bác sỹ Đào Tuấn, Chuyên khoa cấp 2 ngoại tiêu hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì (Nguyên trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) vừa trực tiếp mổ thành công cách đây không lâu.

Bác sỹ Đào Tuấn (giữa) tham gia ca mổ.
Bác sỹ Đào Tuấn (giữa) tham gia ca mổ.

Cụ bà Nguyễn Thị V. (78 tuổi) ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì,TP.Hà Nội bị đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp và u nang buồng trứng nhiều năm nay. Cụ quyết định sống chung với nó cho đến khi “hai năm mươi”.

Bác sỹ Tuấn kể, khi khám cho bà V., hình ảnh siêu âm ổ bụng của bà cụ mô tả tổ chức trong nang mật độ không đồng nhất, có vách ngăn, kích thước lớn không đo được trên máy.

Sau khi thăm khám, bác sỹ nhận thấy khối u của bà to trên rốn, đau tức nhẹ, ít di động, mật độ căng, ranh giới rõ, có khả năng mổ được. Nhưng khi đề nghị mổ, cụ bà không đồng ý và nói: “Tôi lớn tuổi rồi lại có nhiều bệnh. Khối u đã có mấy chục năm nay nên tôi sẽ để nó xuống Văn Điển cùng”.

Thấy thế, bác sỹ Đào Tuấn thuyết phục cụ và người thân rằng nếu để khối u lại sớm muộn gì cũng sẽ có hậu quả nghiêm trọng vì u có thể vỡ ra. Lúc đó phải mổ cấp cứu sẽ quá muộn hoặc thoái hóa ác tính thành ung thư sẽ gây tử vong. Cuối cùng, nhờ sự động viên của bác sỹ và gia đình, bà cụ đồng ý mổ.

Là người trực tiếp mổ cho bà cụ, bác sỹ Tuấn cho biết: “Ruột, mạc nối lớn xung quanh bám chặt vào khối u, người mổ phải bóc tách tỉ mỉ, đúng lớp để không bị chảy máu hay tổn thương các tổ chức xung quanh, không để vỡ u và lấy toàn bộ khối u khỏi bụng bệnh nhân. Sau khi mổ xong khối u mang ra cân nặng hơn 2 kg. Ca mổ kéo dài khoảng 40-50 phút. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì lo cho sức khỏe của bà cụ”.

Nhìn hình ảnh khối u cả gia đình và bà V. mừng rỡ cảm ơn, bà nói: “Nếu không có bác sỹ thì còn sống được bao lâu tôi phải chịu đựng, chung sống với nó trong sự lo âu, khó chịu hàng ngày”.

Khối u hơn 2 kg của bà cụ 78 tuổi trong câu chuyện của bác sỹ Đào Tuấn.
Khối u hơn 2 kg của bà cụ 78 tuổi trong câu chuyện của bác sỹ Đào Tuấn.

Trường hợp thứ 2 mà bác sỹ Tuấn kể còn kỳ diệu, đáng kinh ngạc hơn khi ông còn làm ở Bệnh viện Xanh Pôn. Một bệnh nhân tên Nguyễn Văn D.(22 tuổi) là công an, nhà ở phường Xã Đàn, Quận Đống Đa, bị xoắn toàn bộ ruột non và hoại tử.

Bác sỹ Tuấn kể: Bệnh nhân này vào viện từ đêm hôm trước nhưng chưa phát hiện rõ bệnh. Đến sáng hôm sau nhận ca trực, ông khám thấy người bệnh có dấu hiệu tắc ruột kiểu nghẹt ruột và dấu hiệu bụng ngoại khoa. Vì vậy, ông chỉ định mổ ngay với chẩn đoán tắc ruột.

Triệu chứng của tắc ruột non và cách xử lý

Bác sỹ Đào Tuấn chia sẻ có nhiều nguyên nhân và triệu chứng nhưng dễ nhận biết nhất là khi người bệnh cảm thấy đau bụng thành cơn, dữ dội bắt đầu ở vùng rốn hoặc mạng sườn và nhanh chóng lan toả khắp ổ bụng; có dấu hiệu nôn và bí trung, đại tiện, bụng trướng thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Có hai loại tắc ruột non là tắc do dính, ruột bị gấp khúc, hẹp lòng. Thứ 2 là trường hợp tắc do nghẹt có dây chẳng, xoắn ruột, nếu để kéo dài không mổ kịp thời trong vòng khoảng 36 tiếng thì có thể dẫn đến hoại tử và thủng ruột. Vi khuẩn từ ruột đi vào thành ruột bị thương tổn, tăng sinh và xâm nhập vào phúc mạc gây nên viêm phúc mạc dẫn đến tử vong cao.

Vừa mở bụng ra đã thấy toàn bộ ruột non tím đen, xoắn 2 vòng và bị hoại tử. Chỉ còn đoạn trên 20cm tính từ tá tràng xuống và khoảng 5-7 cm đoạn cuối hồi tràng nằm ngoài chỗ xoắn là còn hồng.

“Tôi quyết định cắt hết phần ruột non bị hoại tử, đầu trên chỉ còn khoảng 20 centimet, đầu dưới còn 5 centimet. Điều đặc biệt, mặc dù bị mất gần như hết phần ruột non – nơi hấp thụ thức ăn nhưng bệnh nhân này vẫn còn sống.

Sau 6 tháng tình cờ gặp, anh D. vui mừng chào. Lạ là, tôi thấy anh rất khỏe mạnh. Bệnh nhân kể hiện nay khẩu phần ăn ít, ăn thức ăn tinh nhiều chất và chia thành nhiều bữa trong ngày như tôi đã dặn khi ra viện. Đó là điều đặc biệt, kỳ diệu của cơ thể con người mà tôi cảm thấy ấn tượng”, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì kể lại.

Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông đã từng gặp nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo, ca mổ căng thẳng, phải thật khẩn trương mới cứu sống được người bệnh như chảy máu trong ổ bụng do vỡ gan, vỡ lách, sốc do nhiễm trùng đường mật,...hoặc những người bệnh 85-95 tuổi, khả năng sống rất thấp, thậm chí nhiều ca cấp cứu người nhà bệnh nhân “xin về nhà để chết” vì còn ít hy vọng. Nhưng sau khi ông mổ cấp cứu, bệnh nhân khỏi và ra viện.

Ông tâm sự :“Đó là điều hạnh phúc nhất của mình, và là phần thưởng vô giá sau mỗi ca mổ căng thẳng, mệt mỏi, nhất là vào 2-4 giờ sáng”.

Ngoài áp lực từ người bệnh, xã hội, bác sỹ còn có nguy cơ lây nhiễm cao những bệnh lý như HIV/AIDS, viêm gan C khi tiếp xúc, mổ cho người bệnh…Ông kể, có nhiều phẫu thuật viên mổ cấp cứu cho bệnh nhân HIV dương tính bị tai nạn, bác sỹ bị chiếc kim mổ đâm chảy máu, máu của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối bắn vào mắt… Hoàn thành ca mổ, bác sỹ ra ngoài khóc rưng rức. Sau đó nhanh chóng làm xét nghiệm, biện pháp tránh phôi nhiễm, dùng thuốc kháng vi rút và đợi 3- 6 tháng bác sỹ mới thở phào nhẹ nhõm mình không bị nhiễm.

Là sinh viên ĐH Y khoa Hà Nội khóa 1975-1981, bác sỹ Đào Tuấn tốt nghiệp làm giáo viên Trường Trung học Y tế Hà nội và tham gia làm việc tại khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Tháng 1/1991 ông được cử đi học Chuyên gia Y tế tại CHDCND Algérie đến năm 1995.  Năm 1998-2000 ông thi đỗ và học bác sỹ nội trú bệnh viện tại ĐH Rangueil, TP.Toulouse, CH Pháp.

Từ năm 2011 -2013 ông là Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của BVĐK Xanh Pôn và là người đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật mới trong phẫu thuật tiêu hóa tại đây như Phẫu thuật nội soi, cắt nối ruột bằng máy, Phẫu thuật Longo,..

Còn nữa...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại