Học sinh xé đề cương môn Sử: Góc nhìn của những chuyên gia

Hoàng Sơn - Kim Ngân |

(Soha.vn) - Hàng trăm học sinh xé đề cương môn Lịch sử vì môn này không có trong danh sách môn thi tốt nghiệp là thông tin gây ‘sốc’ đối với dư luận.

“Chưa bao giờ môn Lịch sử lại bị rẻ rúng đến thế"

Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII, thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, việc dạy và học môn Sử trong nhà trường phổ thông còn có quá nhiều hạn chế. Không chỉ thế, việc biên tập nội dung sách giáo khoa Lịch sử để sử dụng cho việc dạy và học cũng chưa thực sự hợp lý”.

Ông Quốc ‘bắt bệnh’: “Hành động hàng trăm học sinh xé đề cương môn Lịch sử vì môn này không có trong danh sách thi tốt nghiệp phổ thông năm nay là một điều đáng buồn. Nó thể hiện rõ thực trạng của việc dạy và học sử trong nhà trường hiện nay. Chưa bao giờ môn Lịch sử lại bị rẻ rúng đến thế".

"Tuy nhiên, tôi cũng không quá ngạc nhiên với hành động này, bởi nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn là do giáo dục, cụ thể là do áp lực thi cử mà ra. 

Do cơ chế thi cử nặng nề, thay vì học thực chất, học theo đúng nghĩa để lấy kiến thức thì học sinh chỉ học để đối phó với thi cử: Học để thi, không thi thì không học. Mà tôi nghĩ không chỉ môn Lịch sử mà môn nào cũng vậy, ngoại trừ một số môn bắt buộc phải học để thi đại học, cao đẳng sau này”.


	Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho rằng: “Cũng không thể trách học sinh hay đổ hết trách nhiệm cho các thầy cô giáo dạy Sử bởi nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do áp lực cơ chế thi cử mà ra - hạn chế vẫn đang tồn tại hàng mấy chục năm qua của ngành giáo dục, chưa được giải quyết dứt điểm”.

Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đây sẽ là một trong những vấn đề mà ông sẽ đưa ra thảo luận trong kì họp Quốc hội sắp tới.

“Đó chỉ là trạng thái dễ hiểu của tâm lý học trò”

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lại cho rằng, đây chỉ là hành động bột phát của tuổi trẻ, học sinh mừng quá, vui quá, hò reo. Đó là trạng thái dễ hiểu của tâm lý học trò chứ không nên quy kết như thế là vô ơn, coi thường môn Sử.

PGS bày tỏ quan điểm: “Nếu tôi là một giáo viên dạy Sử, tôi cũng buồn nhưng tôi nhìn nhận đây là tâm lý bốc đồng, bầy đàn, hò hét của học sinh. Tôi nghĩ không gì đáng cáu giận hay quá đáng. Và mình không nên đánh giá đây là chứng cớ để thấy môn Sử bị coi nhẹ, không được tôn trọng… Tôi không cho đó là thảm kịch như nhiều người nói”.

“Đó chỉ là hiện tượng 1 trường, không phải tất cả, tôi không đánh giá cao ý kiến đó là hành động chứng tỏ thêm về thực trạng dạy và học môn Sử ở nước ta. Hơn nữa, theo trần tình của thầy hiệu trưởng thì không phải là toàn bộ tài liệu môn Sử và đó chỉ là đề cương của nhà trường, thầy cô chứ không phải SGK Sử hay tài liệu ôn tập của Bộ Giáo dục. Mình chỉ đáng trách hành động ý thức kém của học trò khi ném giấy ra sân trường chứ không nên nghiêm trọng hóa vấn đề”, thầy Cương thẳng thắn nói.


	PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Thầy Cương dẫn chứng, cách đây 10 năm, một trường phổ thông ở Hà đông, vài em còn ném bàn ghế từ tầng 3 xuống sân trường nhân ngày tốt nghiệp ra trường. Thầy cho rằng, đó là hành động đáng phê phán nhưng không nên quy kết rằng học sinh đó ghét trường, ghét thầy cô hay vấn đề khác.

Về vấn đề này, thầy Văn Như Cương cho biết, nhà trường nên ngăn chặn để không xảy ra hiện tượng này nữa. Nhưng mình chỉ nên cảnh cáo mức nhẹ, khuyên nhủ chứ không nên kỷ luật để tránh ảnh hưởng đến việc ôn thi của các em gây ảnh hưởng tâm lý.

Không hoàn toàn lỗi của học sinh

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì: “Việc học sinh xé đề cương ôn thi môn Sử là đáng trách bởi đó là hành động thiếu tôn trọng môn học nhưng đó không hoàn toàn là lỗi và quy toàn bộ trách nhiệm cho học sinh”.

Mở rộng vấn đề, theo ông Nhĩ thì lý do không thể trách học sinh chính là bởi nền giáo dục hiện nay dạy học sinh thi môn nào mới học môn ấy. Đây là lỗi căn bản của cả hệ thống.

“Việc chúng ta cần phải làm là nhìn nhận lại cách đánh giá học sinh từ trước đến nay của nền giáo dục. Cần kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá thời điểm, nghĩa là đánh giá kết quả học tập cả 3 năm học phổ thông và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Nếu đánh giá cả quá trình thì học sinh phải tạo cho mình thói quen học tập và trau dồi không nghỉ, không đánh giá môn phụ, môn chính, những học sinh lười nhác thì phải chăm chỉ hơn, cố gắng hơn”, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

Không thi tốt nghiệp môn Sử là sai lầm

Nhà sử học Lê Văn Lan: “Theo tôi, việc bỏ môn Sử ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là một sai lầm. Lẽ ra một môn học cần thiết như môn Sử cần phải được Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa, đằng này bỏ môn Sử ra khỏi kì thi tốt nghiệp thì việc học sinh xé đề cương môn Sử cũng không khiến tôi quá lạ”.

Buồn rầu khi xem clip này, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy chuyên Sử hơn 20 năm Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu  (Nghệ An) bày tỏ: “Là một người dạy Sử, tôi thấy đau lòng về ý thức thiếu tôn trọng của học sinh đối với môn Sử, với lịch sử và với thầy cô dạy Sử”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại