Học sinh lớp 7 phang ghế vào đầu bạn, cư xử giống... "xã hội đen"

Thiên Di |

PGS.TS Văn Như Cương không thể tưởng tượng tại sao trẻ con lại có thể cư xử nhẫn tâm, hung hăng như thế và cho rằng cách quản lý của nhà trường hết sức đáng trách.

Cách quản lý của nhà trường đáng trách!

Clip một nữ sinh cấp 2 ở miền Tây bị đánh dã man ngay trong lớp học gây chấn động và bức xúc trong dư luận.

Nữ sinh này bị nhóm bạn cả nam và nữ túm tóc, tát, đánh vào mặt, thậm chí bị ném ghế nhựa vào mặt mà không thể phản kháng cũng như không có bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Học sinh nữ bị ném ghế, đánh đập bởi chính bạn trong lớp.

Học sinh nữ bị ném ghế, đánh đập bởi chính bạn trong lớp. Ảnh cắt từ clip.

Trao đổi xung quanh vụ việc này, PGS.TS Văn Như Cương nói: “Tôi đã xem rất rõ clip và không thể tưởng tượng được trẻ con lại có thể nhẫn tâm, hung hăng và tàn ác với bạn cùng lớp như vậy.

Cách cư xử hung bạo như thế ngay trong lớp học là không thể chấp nhận được. Các em được dạy kính thầy, yêu bạn nhưng lại sử dụng nắm đấm, bạo lực như vậy quả là nguy hiểm”.

PGS.TS Văn Như Cương ngạc nhiên trước cách quản lý của Trường THCS Lý Tự Trọng.
PGS.TS Văn Như Cương ngạc nhiên trước cách quản lý của Trường THCS Lý Tự Trọng.

Tuy nhiên, điều mà khiến ông giận hơn chính là cách quản lý của trường THCS Lý Tự Trọng. Bởi em học sinh này bị xây xát, bầm tím như vậy, thậm chí còn phải đi bệnh viện khám mà giáo viên chủ nhiệm không hề biết và không tìm hiểu.

“Sự việc rất đáng ngạc nhiên! Tôi cho rằng cách quản lý của nhà trường hết sức đáng trách! Sau hai tháng sự việc xảy ra, nhà trường mới biết và nói rằng do học sinh giấu kín”- PGS.TS Văn Như Cương nói.

Ngoài ra, ông chia sẻ thêm rằng, không thể hiểu được khi rất nhiều học sinh có mặt ở đó không can ngăn, giúp đỡ mà lại reo hò, cổ vũ hay tỏ ra phấn khích. Những học sinh đi qua đó thấy sự việc như vậy cũng không hề báo lên nhà trường.

Ông đánh giá, đây là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm nếu không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Nêu ý kiến về sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: “Ai cũng cảm thấy xót xa khi thấy những hình ảnh trong clip.

Bạo lực học đường vẫn xảy ra đặc biệt với các em gái trong môi trường giáo dục mà không giải quyết được là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm ngành giáo dục, tâm lý. Thật đau lòng!

Cách cư xử của các em giống “xã hội đen” quá, mặc dù lứa tuổi vị thành niên này có nhiều biến đổi về mặt tâm sinh lý nhưng hành động như vậy thì không thể tin được.

Các em đánh hội đồng dã man, hành động này lại xảy ra ngang nhiên trong lớp học. Tôi thấy rất nguy hiểm!”.

TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ quan điểm về phương pháp giáo dục.

TS Tâm lý Nguyễn Tùng Lâm.

Vậy, trách nhiệm nhà trường ở đâu? Thầy Tùng Lâm cho rằng, trường nào cũng dạy học sinh điều hay lẽ phải chứ không ai ủng hộ hành vi phản giáo dục cả. Nhưng rõ ràng, việc giáo dục ở đây không đến nơi đến chốn, quản lý trong nhà trường hết sức lỏng lẻo.

"Giáo viên chủ nhiệm đâu? Các tổ chức đoàn thể, bảo vệ trong trường đâu mà để các em khóa cửa đánh một học sinh như vậy?" - vị này nhấn mạnh.

Có nên đuổi học 1 năm học sinh đánh bạn?

Hiện nay, nhà trường đang xem xét để đưa ra hình thức kỷ luật những học sinh liên quan. Lãnh đạo nhà trường nói rằng, dựa vào kết quả xác minh của cơ quan công an sau đó sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật.

Theo đó, có thể lớp trưởng Trương Thúy V., nam sinh Lâm Trần Bình T. phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học một năm theo thông tư của Bộ GD&ĐT.

Về vấn đề này, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ: “Tạm đình chỉ một năm là hơi quá ,vì nếu các em bị đuổi khỏi trường sẽ không học hành gì cả. Lãnh đạo trường phải xem xét thận trọng, bởi gần đây nhiều trường hợp kỷ luật đuổi học sốt sắng quá.

Với quan điểm của tôi, kỷ luật không phải là trừng phạt mà là một hình thức giáo dục, không chỉ giáo dục cho học sinh ấy mà những em khác nữa. Còn, nếu không kỷ luật sẽ làm học sinh “nhờn” và tái phạm”.

Ông cũng cho biết, ở nhiều nước có một trường đặc biệt chuyên tiếp quản các em trong thời gian bị buộc thôi học 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng hoặc hơn. Học sinh đó sẽ được học tập, ăn uống như bình thường và có sự theo dõi của chuyên gia tư vấn tâm lý.

Nếu một thời gian các em “cải tạo” tốt thì sẽ quay trở lại trường cũ học bình thường.

Theo PGS Văn Như Cương, hình thức đó rất tốt và có thể Việt Nam nên có.

"Chủ tịch tỉnh Trà Vinh đã chủ trì buổi họp báo cáo sự việc nữ sinh lớp 7 đánh nhau và chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Có nhất thiết Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc để giải quyết sự việc trẻ con đánh nhau không? Tôi thấy buồn cười. Vậy Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục của tỉnh này ở đâu?” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng đưa ra biện pháp giải quyết: “Mình nên ngăn chặn trước, nhà trường hãy làm tốt công tác giáo dục chứ không phải xảy ra mới thực hiện.

Theo tôi, nên tổ chức trường thành hệ thống quản trị để có phản ứng nhạy bén giải quyết những sự việc tương tự. Chứ trong trường hợp này, hai tháng sau nhà trường mới biết thì quả là vô lý và nguy hiểm!”.

Như thông tin đã đưa, clip ghi lại nhóm học sinh ném, phang ghế và đánh hội đồng không thương tiếc một nữ sinh trong lớp tại lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh).

Nữ sinh này có tên Nguyễn Thị Hồng P. (là học sinh học lực khá, ngoan ngoãn trong lớp). Tham gia đánh, dùng ghế đập vào đầu em P. ngày 13/1 gồm 7 học sinh cả nam và nữ, trong đó có cả lớp trưởng.

Nguyên nhân của vụ việc là do P. không nghe lời của lớp trưởng nên đã bị đánh hội đồng.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại