Hiệu trưởng trường có nhiều tỷ phú, MC nổi tiếng được học trò gọi là… “xe ôm”

Thiên Di |

Là hiệu trưởng của ngôi trường giàu truyền thống, có hàng loạt cựu học sinh trở thành “nhà khoa học, tỷ phú, người nổi tiếng…”, thầy Nguyễn Thiết Sơn được học trò gọi thân mật “daddy”, “ma xó”, “xe ôm”.

Trong cuốn kỷ yếu của Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập nhà trường có bức thư rất "thân thương" của người học trò cũ gửi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thiết Sơn. Theo lời kể của thầy Sơn tác giả của bức thư: “Bức thư thứ 2- Daddy kính yêu của chúng con” được viết từ một cô học trò khóa 22 (1995 – 1998) mà thầy chủ nhiệm. Và hiện nay, em này đang là giáo viên công tác trong TP.HCM.

Thầy Sơn nói: “Bức thư thứ 1 em đó gửi tôi viết trong cuốn nhật ký của lớp ngày ra trường năm 1998. Tôi rất bất ngờ khi em gửi bức thư thứ 2 này sau 16 năm ra trường". Trong bức thư thứ 1 viết ở góc nhỏ cuốn sổ nhật ký năm ấy, học trò này cũng gọi tôi là "Daddy"".

Bức thư của một học trò thầy Sơn sau khi rời trường 16 năm.
Bức thư của một học trò thầy Sơn sau khi rời trường 16 năm.

Ngồi lật giở những ký ức về học trò, ngày còn đứng bục giảng, thầy Sơn xúc động khi nhớ lại những biệt danh “ma xó”, “xe ôm”, “bố” đầy trìu mến, tinh nghịch mà học trò đặt cho.

Tốt nghiệp khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Nguyễn Thiết Sơn được cử ra ngoài đảo Cát Bà (Hải Phòng) dạy học. Đến năm 1990 thầy được chuyển công tác về ngôi trường mà mình từng học THPT Kim Liên. Đến năm 2007 thầy giữ vị trí hiệu trưởng nhà trường đến nay.

Thầy Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng nhà trường từng được học trò gọi là ma xó, xe ôm.
Thầy Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng nhà trường từng được học trò gọi là "ma xó", "xe ôm".

Ngày còn đứng lớp dạy Toán, thầy quan điểm đối với lứa tuổi học trò tinh nghịch, thì mình “vừa nghiêm khắc, vừa tâm tình gần gũi”. Chính vì thế, để “trị” những học trò “cứng đầu” chưa ngoan, thầy đều có phương pháp đặc biệt.

Thầy kể, một lần cô học trò nổi tiếng nghịch ngợm trong trường nhất định không chịu mặc đồng phục, giáo viên nhắc nhở nhiều lần nhưng không nghe, càng cấm càng “chống chế” mặc đồ tự do đến lớp.

Thấy vậy, thầy Sơn xuống gặp. Thầy hỏi chuyện tâm tình rồi nói với cô học trò này: “Bộ quần áo này em mặc rất đẹp nhưng theo thầy bộ này mặc khi đi dạ hội sẽ tôn vinh em nhiều hơn. Còn ở đây nếu mặc như vậy thầy cảm thấy bất tiện cho em. Vì em mặc đẹp quá, các bạn con trai nhìn không học được và rồi em cũng không tập trung việc học. Thầy nói vậy, còn tùy quyết định của em. Sau hôm đó, em này không mặc những bộ đồ như vậy nữa mà thay vào đó là đồng phục của trường”.

Những biệt danh thân thương học trò đặt cho đã đi theo năm tháng cuộc đời gắn bó với nghề giáo của vị hiệu trưởng này. Mỗi lần gặp trò cũ được nghe gọi vô tư “daddy”, “Bố ơi”, “Thầy ơi”…, thầy Sơn cảm thấy xúc động, tự hào. 

Giải thích về những biệt danh này, thầy Sơn tâm sự, “má xó” là từ các em muốn nói thầy chủ nhiệm cái gì cũng biết, học trò làm gì, ở đâu thầy cũng biết. Những lúc học trò trốn mình, giấu mình nghịch ngợm, làm việc chưa đúng bên ngoài nhà trường thầy cũng biết được và “lôi” về lớp xử tội.

“Tôi có cô học trò nhà khó khăn phải đi bán hàng thêm có tiền học nhưng giấu tôi và bạn bè không cho biết. Nhưng quan sát biểu hiện hàng ngày, tôi gặng hỏi mới biết và động viên em. Một lần, tôi đọc được một bài thơ của CLB Văn học được viết bởi học trò lớp mình và qua lời thơ ấy tôi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của em cũng như hoàn cảnh gia đình em như thế nào”, thầy Sơn cho biết.

Còn đối với biệt danh “xe ôm”, người hiệu trưởng này tâm sự rằng, ngày xưa học trò đi muộn nói địa chỉ nhà xa để lấy lý do được thầy “tha”. Khi các em nói địa chỉ, tôi “bắt ngọn” hỏi kỹ hơn về địa chỉ ấy và đo được khoảng cách vị trí đó đến trường. Sau vài lần, các em không thể nói dối được vì bị “thầy là xe ôm” rồi.

Ngôi trường có nhiều người nổi tiếng, thành công trong các lĩnh vực.
Ngôi trường có nhiều người nổi tiếng, thành công trong các lĩnh vực.

Trong những câu chuyện về học trò mình từng giảng dạy, thầy Sơn kể cho tôi nghe về cậu học trò “đen nhẻm” Đỗ Đức Hoàng - hiện nay là Phó trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam. Anh Hoàng là học sinh khóa 20 (1993 -1996) của trường THPT Kim Liên, khi đó thầy Sơn dạy Toán của lớp.

Mới đây, website của trường công bố bảng danh sách "Một số gương mặt cựu học sinh tiêu biểu trong công tác của trường THPT Kim Liên" khiến người xem không khỏi bất ngờ. Bởi sau 40 năm kể từ ngày thành lập (năm 1974), đến nay ngôi trường này đã đào tạo những người thành đạt nổi tiếng. Trong đó có:

Ông Phạm Nhật Vượng – Học sinh khóa 9 (1982 – 1985) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup

Ông Phạm Nhật Vũ - Học sinh khóa 12 (1985 – 1988) –  Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AVG

Ông Nguyễn Chí Linh – học sinh khóa 4 (1977-1980), hiện là tổng giám đốc công ty TNHH Nhật Linh – LiOA.

Lục lại ký ức, thầy nhớ: “Đỗ Đức Hoàng không phải là một học sinh nổi trội nhất trong lớp về thành tích học tập. Cậu tương đối hoạt náo, năng động và hiếu động chứ không nghịch ngợm lắm. Sau này, Hoàng làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, khi lên sóng đầu tiên với vai trò người dẫn chương trình, tôi bất ngờ khi nhận ra học trò của mình. Tôi có gọi cho Hoàng nói đùa rằng, trông em “make up” thì sáng sủa ra đấy nhưng nói hơi lập bập”. Từ lần đó Hoàng tiến bộ rất nhanh.

Rồi có lần, tôi bất ngờ khi nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ, đầu số từ Mỹ. Tôi nghe, đầu dây bên kia nói: “Có phải số thầy Sơn không ạ? Em là Hoàng đây”. Hoàng có nói đang ở Washington D.C là phóng viên thường trú bên đó. Hoàng có khoe rằng, 7 người đang ngồi đây có đến 5 người là cựu học sinh Kim Liên nên gọi cho thầy. Lúc đó tôi cảm thấy tự hào, vui lắm vì học trò của trường vẫn nhớ về thầy, cô, mái trường”.

Còn MC Long Vũ - học sinh khóa 15 (1988 – 1991) hiện nay là Trưởng ban Biên tập Truyền hình cáp - Đài Truyền hình Việt Nam mặc dù thầy Sơn không trực tiếp dạy nhưng câu chuyện về MC Long Vũ rất đặc biệt.

Thầy kể lại, những năm trước làm chương trình Kỷ niệm thành lập trường gọi cho MC Long Vũ mời trở về trường với vai trò làm người dẫn chương trình, anh vui vẻ đồng ý. “Trước ngày diễn ra 2 ngày, Long Vũ có điện lại cho tôi nói có việc trong TP.HCM nhưng cố gắng sẽ về đúng giờ. Đến ngày hôm đó chương trình tổ chức lúc 2 giờ chiều nhưng 10 giờ 30 Long Vũ báo vẫn đang ở trong đó. 14 giờ kém 5 phút chiều tôi không thấy hồi âm, tôi gọi và Long Vũ nhấc máy nói: “Em đang ngồi trên lớp tầng 3 rồi thầy ạ!””, thầy Sơn nhớ lại.

Qua câu chuyện mình kể, thầy Sơn bộc bạch rằng, học sinh trường Kim Liên có thành công, nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau trong xã hội nhưng luôn hướng và tự hào về ngôi trường giàu truyền thống này. Đó là điều mà vị hiệu trưởng này tự hào về học sinh mình sau khi rời khỏi mái trường này.

Nhiều học sinh gọi thầy Sơn bằng “bố”, đặc biệt trong bức thư xúc động học trò cũ gửi với tiêu đề: “Bức thư số 2: Thầy – Daddy kính yêu của chúng con”!

Vậy là mười sáu năm kể từ ngày chúng con rời xa “căn hộ tầng 3” của mình. Mười sáu năm – quãng thời gian đủ dài để chúng con thấm thía một điều rằng: mình hạnh phúc biết bao khi được làm trò của Thầy, được làm con trong đàn con đông đúc của Daddy!

Trước kia, khi còn ở “nhà mình” những đứa con trong “căn hộ tầng 3” ấy đều sợ Daddy lắm! Người đâu mà khó tính: Đứa nào làm gì, ở đâu trong thời gian học cũng biết hết, lôi về lớp xử đến nơi đến chốn. Từng sợ đến mất ăn mất ngủ khi phải đối diện với Thầy (mỗi khi có lỗi) mà sao đến giờ chúng con vẫn muốn, vẫn ước ao là trò của Thầy thêm lần nữa. Điều ấy thật dễ hiểu: Vì mỗi giờ của thầy đối với chúng con là một chuyến du lịch thú vị, mở ra cho chúng con một chân trời mới với những con số, những phép hình…Và còn biết bao nhiêu bài học làm người mà Thầy đã kiên nhẫn chỉ dạy để chúng con có được thành công như ngày hôm nay! Công ơn ấy của Thầy chúng con biết, mình không bao giờ có thể đền đáp hết được…

Thầy kính yêu của con!

Với riêng con khi nối nghề thầy, con đã đối diện với không ít khó khăn trong những năm đầu đứng lớp. Thậm chí có lúc con định bỏ nghề. Những lúc ấy, con thường tự hỏi: “Thầy sẽ giải quyết tình huống này thế nào nhỉ?”. Và con đã tìm được cách giải quyết vấn đề khi lần theo những dòng hồi tưởng về những tình huống ngày xưa…Suốt mười mấy năm con đứng bục giảng, Thầy luôn là tấm gương để con soi mình, phấn đấu và noi theo. Và sau này chắc chắn vẫn mãi như thế, Thầy ạ!

Daddy kính yêu của chúng con!

Bức thư đầu tiên con gửi cho thầy là vào mùa hè của 16 năm trước, khi chúng con chuẩn bị ra trường. Bức thư ấy gọn gàng một góc trong lưu bút của lớp gửi tới Thầy. Để rồi hôm nay, khi sắp đến ngày kỷ niệm 40 năm thành lập trường, hai chữ Kim Liên lại xốn xao trong con. Con nhớ Thầy và mạnh dạn thay mặt các anh chị em 12M gửi bức thư thứ 2 đến Thầy – Daddy Nguyễn Thiết Sơn kính yêu của chúng con! Chúng con muốn nói rằng thời gian dẫu vẫn trôi, chúng con ngày càng trưởng thành, nhưng dù ở đâu và ở vào lúc nào chúng con vẫn luôn nhớ những lời Thầy dạy, luôn kính yêu và tự hào về người thầy của mình.

Mỗi lần về thăm Thầy, thấy màu sương điểm trên tóc Thầy, vết chân chim hằn in nơi khóe mắt Thầy… chúng con sợ lắm, sợ lắm Thầy ơi!

Chúng con xin thầy hãy luôn khỏe mạnh, Thầy nhé! Để mỗi lần chúng con trở về lại được quây quần bên Thầy như ngày xưa. Nơi tôi sinh Hà Nội…Ngõ nhỏ, phố nhỏ Trường tôi ở đó…Trong giấc mơ tôi vẫn thường mơ.

Kính thư,

Học trò cũ của Thầy – con gái cứng đầu của Daddy!

Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Cựu học sinh khóa 22 (1995 – 1998)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại