Hành khách hào hứng với chiếc phà "lạ" nhất miền Tây

Hoàng Lê |

Đó là chuyến phà qua con sông quê ở xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), không động cơ, không nhiên liệu nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân.

Không biết tự bao giờ, người dân ở xã Thanh Bình đã quen với chuyến phà không nhiên liệu trên đoạn đường về trung tâm xã. Chiếc phà này được thiết kế rất đặc biệt; không động cơ, không nhiên liệu nhưng vẫn âm thầm làm nhiệm vụ đưa khách sang sông. Trên con sông dài tầm 20m tấp nập người qua lại, vậy thì bằng cách nào mà phà có thể chuyển động và đưa khách qua sông?

Chị Nguyễn Thị Ngà (32 tuổi, hiện ở quận Củ Chi) cho biết: “ Quê nội tôi ở miền Tây phải đi qua nhiều chuyến phà mới tới, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy có một chiếc phà độc đáo như thế. Chỉ cần một người dùng tay kéo dây để di chuyển chiếc phà, tuyệt nhiên không dùng động cơ, máy nổ, thật thú vị”.

“Thích chiếc phà này, thích cả miền Tây sông nước. Có lẽ, tôi sẽ về quê thăm ông bà thường xuyên hơn nữa” – chị Ngà hào hứng.

Chiếc phà đặc biệt đưa khách qua sông tại miền sông nước.

Còn chị Nguyễn Thị Kim Thơ (25 tuổi, phường 2 – Thành phố Vĩnh Long), nói: “ Tôi có người chị làm dâu ở xứ Thanh Bình này; mỗi lần về thăm chị ấy, tôi rất thích đi trên chiếc phà này. Vì nó không ồn ào, chát chúa như những chuyến phà dùng máy nổ; tôi thường dẫn bạn bè đến xứ cù lao này chơi. Cũng giống như tôi, bạn bè tôi rất thích đi trên chiếc phà này, vì có thể thoải  mái chuyện trò và chụp ảnh. Tôi thường nhờ anh chủ phà dừng lại ở giữa sông để tận hưởng cảm giác miền Tây sông nước, dễ chịu vô cùng”.

Cũng theo lời của chị Thơ, khi đi qua con sông này lần đầu tiên, chị rất bất ngờ vì chiếc phà ấy nên đã chụp lại rất nhiều hình ảnh để chia sẻ với bạn bè, ai nấy cũng tò mò và mong muốn được đi qua để tận mắt chứng kiến.  Nếu nói như chị Thơ, chị Ngà thì chiếc phà này không chỉ dừng lại ở sự “đặc biệt” vốn có của nó mà chiếc phà như nhịp cầu nối vô hình đưa mọi người xích lại gần nhau hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Nỗi niềm chàng “lái phà”  trên chuyến phà “độc nhất vô nhị” miền Tây

Ai đã từng đi trên chuyến phà này cũng đều chung một thắc mắc về đặc điểm cũng như về cấu tạo đặc biệt của nó.

Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Văn Tiền (25 tuổi, chủ nhân của chiếc phà) nói: “Ngày trước không có phà, mọi người phải đi vòng một đoạn khá xa mới đến được trung tâm xã. Thấy các em học sinh liền lấm lem sình đất chạy lòng vòng đi học rất khó khăn nên tôi đã cùng gia đình làm chiếc phà này để phục vụ cho bà con trong xã. Vì không có tiền mua động cơ, nên tôi đã nghĩ ra cách kéo dây để di chuyển chiếc phà”.

Anh Nguyễn Văn Tiền đang dùng tay để kéo phà

Để có được chiếc phà độc đáo này, anh Tiền cùng gia đình đã có một thời gian dài ấp ủ trước khi đưa vào sử dụng như ngày hôm nay. Cũng theo lời anh Tiền, vì dùng tay kéo dây suốt ngày nên tay của anh bị bỏng rát, chai sần; nhưng khi nghĩ đến mục đích của công việc mình làm là để phục vụ bà con nên anh không bỏ cuộc, lấy công việc làm niềm vui cho cuộc sống của mình.

Khi chúng tôi thắc mắc về phí qua lại của phà, anh cho biết: “Người đi xe máy qua lại tôi chỉ lấy 2.000 đồng, giáo viên và học sinh tôi không lấy, chủ yếu giúp bà con đi lại là vui rồi”. Được biết, số tiền thu nhập ít ỏi ấy, anh Tiền dùng để thay dây kéo và sửa chữa lại chiếc phà khi nó bị hư hỏng. Theo những người dân sống ở đây, những người quen qua lại trên phà, anh Tiền cũng không nhận tiền “thù lao” gì cả.

Chia sẻ thêm về công việc hằng ngày của mình, anh Tiền cho biết: “ Những ngày đầu kéo phà, tay tôi bị bỏng rát nhưng giờ đã chai sần hết, nên không còn cảm thấy đau nữa. Có hôm, người ta còn kêu kéo phà khi tôi đang ngủ nhưng cũng phải ráng dậy để giúp khách sang sông”. Cũng theo anh Tiền, di chuyển chiếc phà “dị” này là một công việc cực nhọc mà thu nhập thì không được bao nhiêu, thậm chí không đủ trang trải chi phí cuộc sống cho gia đình; dầm mưa dãi nắng là chuyện mà anh đang hằng ngày phải phải đối mặt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại