Ngay khi thông tin về việc người được cho là quản lý trẻ mồ côi chùa Bồ Đề - Nguyễn Thị Thanh Trang đã bị Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt khẩn cấp với tội danh “mua bán trẻ em” vào tối ngày 2/8 khiến dư luận dậy sóng, nhóm phóng viên đã tiếp xúc với các hộ dân xung quanh chùa Bồ Đề để tìm hiểu thêm về cuộc sống của các cháu bé trong chùa.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Vinh, chủ quán nước ngay trước cổng chùa cho biết: “Khi có thông tin cô quản lý nhà mở bị bắt, chúng tôi không hề ngạc nhiên. Chùa này ngày trước chúng tôi thi thoảng vẫn vào thắp hương rằm, mùng một, nhưng nay thì bỏ hẳn. Vì nó quá phức tạp, lắm vấn đề”.
Theo lời ông Vinh, với công việc bán hàng nước lâu năm ở ngay trước cổng chùa, ông đã được mắt thấy tai nghe nhiều cảnh trái tai gai mắt. Trước tiên là việc thường xuyên chứng kiến những cô gái trẻ ôm bụng bầu đến ở nhờ nhà chùa, tá túc đến khi bụng lớn đủ chín tháng mười ngày rồi đi đâu mất.
“Việc này diễn ra thường xuyên, một tháng lại có vài người như thế đến và ở lại. Họ đi qua đi lại trước mặt chúng tôi, đi chợ, đi mua sắm, bụng thì từ be bé đến lùm lùm rồi đến tụt cả xuống như sắp đẻ. Ngày nào tôi chẳng ngồi ở đây, người lạ hay người quen đến tôi chả biết.”
Trong khi đó, ông Vinh cũng hay phải chứng kiến những người cơ nhỡ neo đơn, tàn tật hay có hoàn cảnh đặc biệt nào đó muốn gặp nhà chùa để tá túc trong nhà mở thì luôn luôn bị từ chối không rõ nguyên nhân.
“Người ta vào đó năn nỉ được ở nhờ nhưng bị đuổi ra, họ đói khát mới vào quán tôi xin cốc nước, miếng bánh thừa. Xong rồi họ kể lể, nào là khổ như thế nào, đường cùng mới phải đến đây ra sao. Nhưng đến nơi bị xua đuổi từ chối thế nào… Thương lắm!”.
Xác nhận những lời ông Vinh là có thật, ông Đinh Khắc Minh, nhà ngay sát cổng chùa, đồng thời là Trưởng ban mặt trận tổ dân phố số 2, phường Bồ Đề cho hay, dân cư xung quanh đây rất bức xúc trước những cảnh lộn xộn trong nhà mở của chùa. Lẽ ra nhà mở cửa Phật là nơi cưu mang không bao giờ phân biệt đối xử mọi người, nhưng không hiểu vì lí do gì mà các cụ già neo đơn tìm đến thì nhà chùa không đón nhận, còn các cô gái lầm lỡ có bầu đến đây ở nhờ không bao giờ bị từ chối.
“Tôi là cán bộ tổ dân phố ở đây, thường xuyên nghe thấy trẻ con khóc thét rất lạ lùng, Đêm khuya thanh vắng nên nghe tiếng trẻ con khóc thương xót lắm. Chịu không nổi, nhiều lần tôi phải đi cùng bà con vào tận nhà mở của chùa, gặp người ta để lên tiếng. Người ta cũng bảo tiếp thu ý kiến đấy, nhưng rồi chẳng thấy thay đổi gì cả. Đêm nào cũng nghe tiếng bọn trẻ khóc, bức xúc lắm mà góp ý nào có được đâu”.
Vợ chồng ông T.N.S, hàng xóm ông Minh (cũng ở ngay sát vách nhà mở của chùa Bồ Đề) bức xúc xác nhận lời hàng xóm: “Tôi làm nội trợ ở nhà, ngày nào chả nghe tiếng tiếng trẻ con gào khóc. Chúng tôi nghe trẻ con khóc mà rát cả ruột. Từ đầu năm nay tới giờ, chồng tôi phải sang đó 3-4 lần để góp ý rồi. Bọn trẻ con nó cứ kêu gào lên, rồi khóc, cả cái khu này sốt ruột lên phải sang lên tiếng”.
Ông S. trực tiếp dẫn chúng tôi lên ban công tầng 2 nhà ông, chỉ tay từ chỗ ban công cửa sổ phòng ngủ nhìn xuống căn phòng cuối dãy, sát tường của khu nhà mở.
Đứng từ ban công tầng 2 nhà ông S. có thể nhìn thấy diễn biến phía trong một phần khu nhà mở chùa Bồ Đề
“Lần gần nhất là cách đây vài tuần, một hôm tầm cuối giờ chiều, tôi thấy một bà đánh mắng xối xả một thằng bé tầm 4,5 tuổi ở chỗ này. Đánh liên tục, cả tiếng đồng hồ. Thằng bé thì khóc ngằn ngặt rung cả người mà bà ấy vẫn lồng lộn lên mắng chửi. Tôi xót xa quá mới khoác áo vào đi sang bên đó. Bà kia bà ấy bảo đây là cháu bà, bà thích đánh thì bà đánh, hư thì bà đánh chứ liên quan gì đến tôi. Tôi mới bảo bà ấy làm thế không được, kể cả đấy là con bà đi chăng nữa thì bà cũng không được đánh nó dã man như thế. Thằng bé thì khóc lả cả người đi, trẻ con 4,5 tuổi nó bé như cái kẹo, đánh nó lắm nó chết đi thì sao, bà ấy mới thôi không cãi”, ông S kể lại.
Những đứa trẻ trong chùa Bồ Đề
Dạo một vòng khu dân cư xung quanh chùa Bồ Đề, nhiều người dân ở đây xác nhận với chúng tôi lời kể của những ông bà nói trên. Đa số họ cho biết từ lâu lắm rồi, họ đã không lui tới cửa chùa vì không có thiện cảm với nhà chùa như trước.