Có thể bị xử lý hình sự (?)
Sáng 4/7, hai đối tượng bị bắt quả tang trong một quán cà phê ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi đang dùng thiết bị di động đọc bài giải môn Lịch sử vào phòng thi.
Hai đối tượng được xác định là là L.T.T.L. và C. (đều ở xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Người nhận lời giải là P.D.L (quê ở Vĩnh Phúc), thí sinh tại cụm thi số 3, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng VP Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, đề thi tuyển sinh Quốc gia thuộc vào tài liệu tối mật nên nếu có bất kỳ hành vi gì làm lộ đề thi sẽ bị xử lí nghiêm trước pháp luật.
"Với hành vi của các đối tượng, nếu cơ quan công an chứng minh hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Khoản 1, Điều 263 BLHS với tội danh "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước", luật sưThảo nói.
Đối tượng C. Ảnh: Skcd.com.vn
Theo LS Thảo, với quy định tại điều này, người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm tù.
"Nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt theo Khoản 2 có khung hình phạt từ 5 - 10 năm tù.
Nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một 1 - 5 năm.
Nếu hành vi trên chưa đủ xử lí hình sự thì các đối tượng có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo Điểm 5, Điều 13, mục 4 của Nghị định 138/2013/ NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi làm lộ bí mật hoặc mất đề thi", luật sư Thảo nhấn mạnh.
Khó xử lý hình sự?
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp (Đoàn Luật sư HN) lại cho rằng, đề thi Quốc gia mà các đối tượng trên làm lộ ra bên ngoài phòng thi không phải là tài liệu mật.
Cụ thể, nó không thuộc Điều 1, QĐ số 160/2005/QĐ-BCA (A11) ngày 23/2/2005 của Bộ Công an quy định về danh mục bí mật Nhà nước độ mật trong ngành giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm B, mục 2, Thông tư số 12/2002/TT-BCA, ngày 13/9/2002 của Bộ công an, thì những tài liệu bí mật Nhà nước phải thể hiện bằng các dấu mật, cụ thể là:
"Trách nhiệm xác định độ mật:
Căn cứ vào các quy định trên, khi soạn thảo tài liệu có nội dung bí mật Nhà nước, người soạn thảo tài liệu phải đề xuất độ mật của từng tài liệu.
Người duyệt ký tài liệu có trách niệm quyết định việc đóng dấu độ mật (tuyệt mật, tối mật, mật) và phạm vi lưu hành tài liệu mang bí mật Nhà nước".
Thế nhưng, vị luật sư này cho rằng, đề thi THPT Quốc gia không được thể hiện bằng các yếu tố trên.
"Căn cứ vào các quy định pháp luật trên thì đề thi Quốc gia mà các đối tượng trên làm lộ ra bên ngoài phòng thi không phải là tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật theo danh mục mà Nhà nước quy định về bí mật Nhà nước.
Tại Chương XX của Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm quy định về quản lý hành chính có Điều 263 và Điều 264 quy định về tội cố ý và tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Ngoài ra, không còn tội danh nào khác quy định về xử lý hình sự đối với hành vi gian lận thi cử, làm lộ để thi.
Do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý các đối tượng này về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước theo quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự", Luật sư Cường khẳng định.
Luật sư Cường cũng phân tích thêm, nếu đề thi là tài liệu mật theo quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, có đóng dấu "mật, tối mật" hoặc "tuyệt mật" mà làm lộ thì mời bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Những thông tin, tài liệu khác không thuộc danh mục bí mật Nhà nước thì hành vi cố ý, vô ý làm lộ đều không bị xử lý bằng chế tài hình sự, mà chỉ bị xử lý theo Quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo về vi phạm quy chế thi.
"Theo quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo thì sinh viên thi hộ sẽ bị đuổi học và bị cấm thi 2 năm liên tục", luật sư Cường nhấn mạnh.