Hà Tĩnh: Hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế bằng... lợn bệnh

Phi Long - Đức Thuận |

Nhiều hộ nghèo ở xã Hương Giang (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang rất bức xúc trước việc lợn giống cấp để hỗ trợ phát triển sản xuất cho họ có dấu hiệu của “lợn đểu”. Từ niềm vui khi được cấp lợn chăn nuôi đã trở thành nỗi bức xúc khi họ nhận được “cái kết đắng” - đó là lợn chết đồng loạt.

Cấp “lợn đểu” cho người nghèo?

Nhận được phản ánh của người dân, PV Báo Xây dựng đã về địa phương này để tìm hiểu sự việc. Là một xã nghèo của huyện Hương Khê (xã thuộc diện 135), Hương Giang là xã đang có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Để hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, xã Hương Giang đã trình các cơ quan chức năng huyện Hương Khê dự án hỗ trợ lợn giống cho người nghèo.

Theo đó, mỗi hộ nghèo của xã sẽ được cấp một con lợn giống để sản xuất, phát triển kinh tế.

Ngay sau khi dự án được triển khai, những hộ nghèo trong xã đã hết sức vui mừng thế nhưng niềm vui ấy “thắp” lên chưa được bao lâu thì đã “vụt tắt”.

Niềm vui khi được cấp lợn chăn nuôi nhận ngày nào giờ đã trở thành nỗi bức xúc khi họ nhận được “cái kết đắng” - lợn có chung một loại bệnh và chết hàng loạt.

Nhiều hộ nghèo xã Hương Giang nhận “cái kết đắng” từ dự án hỗ trợ lợn giống cho nông dân phát triển kinh tế.
Nhiều hộ nghèo xã Hương Giang nhận “cái kết đắng” từ dự án hỗ trợ lợn giống cho nông dân phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV, anh L.Đ.L cho biết: “Tôi có anh em nằm trong diện hộ nghèo được cấp lợn, tuy nhiên do già cả, sức khỏe yếu nên tôi được giao chăm sóc thay.

Nhận lợn về chưa được bao lâu thì lợn bắt đầu có các triệu chứng như tiêu chảy rồi dấu hiệu của bệnh phổi như: lợn khó thở, thở khò khè, thở gấp...

Gia đình tôi đã tốn rất nhiều công sức và thuốc men nhưng rồi cũng “vô phương cứu chữa”.

Tuy nhiên có một điều đáng nói là không chỉ lợn dự án cấp bị chết mà nó còn lây lan bệnh sang cả những con lợn khác của gia đình tôi khiến những con lợn của nhà đang bình thường cũng cũng bị “dính” bệnh, chúng tôi phải đem đi chôn hết…”

Một hộ nghèo có lợn chết cho biết: “Gia đình tôi thuộc loại “nghèo bền vững”, vừa qua, khi có dự án của nhà nước cấp lợn giống để phát triển sản suất tôi rất vui, cứ nghĩ đã có “báu vật” giúp thoát nghèo rồi.

Tuy nhiên sau khi đi nhận lợn về nuôi được một tuần thì lợn bắt đầu đổ bệnh.

Lợn bỏ ăn, bị tiêu chảy dài ngày rồi chết, tôi đã mời thú ý, mua thuốc về chạy chữa nhưng cũng vô vọng.

Gia đình tôi chăm sóc lợn rất tốt về chuồng trại cũng như thức ăn… Lợn chết khiến chúng tôi rất bức xúc…!”

Lợn của dự án có dấu hiệu kém chất lượng, chết hàng loạt.
Lợn của dự án có dấu hiệu kém chất lượng, chết hàng loạt.

Dù có lợn còn sống nhưng chị N.T.T cho hay: “Gia đình tôi hiện đang nuôi một con lợn của dự án. Dù lợn chưa chết nhưng vẫn đang bị bệnh chưa khỏi.

Lợn thường bỏ ăn liên tục và đặc biệt không biết bị loại bệnh gì mà cứ nằm thở khò khè liên tục. Lợn này ban đầu của một hộ nghèo khác nhận về được ít lâu thì bị bệnh chữa mãi không khỏi nên họ định đưa đi vứt.

Tôi thấy “tiếc của” nên mua lại mang về để chăm sóc, chữa bệnh. Dù hiện lợn chưa chưa chết nhưng bệnh tình như thế không biết sống có được lâu nữa không.

Điều đáng sợ hơn là nó có thể lây sang lợn bình thường. Đúng là “ngán ngẩm” với lợn dự án dành cho người nghèo…”

“Cái kết đắng”!

Những bức xúc của người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi theo tìm hiểu của PV thì dự án đã cấp 161 con lợn giống cho 161 hộ nghèo để phát triển sản xuất, đến thời điểm hiện tại đã có đến 61 con của 61 hộ đã bị chết (tỷ lệ tử vong là gần 38% - PV), một số con chưa chết nhưng vẫn đang bị ốm và con số lợn chết có thể chưa dừng laị ở đó.

Mặt khác, “lợn dự án người nghèo” cũng đã truyền bệnh khiến những con lợn bình thường của một số hộ dân cũng bị bệnh theo.

Trao đổi với báo PV, ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Giang cho biết: “Việc lợn dự án hỗ trợ cho người dân bị bệnh chết hoàng loạt là có thật, triệu chứng chính của lợn chủ yếu là bị tiêu chảy.

Đây là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất dành cho người nghèo nên người dân cũng tỏ ra bức xúc.

Dự án cấp 161 con lợn cho 161 hộ nghèo, lợn được mua ở Trạm giống chăn nuôi Đô Lương (huyện Đô Lương, Nghệ An - PV) giá 1,5 triệu đồng/con với mong muốn là hỗ trợ người nghèo nhưng kết quả lại không được như mong muốn…”

Bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách nhà nước để đổi lấy một “cái kết đắng”, đáng nói hơn điều đó lại dành cho những hộ người nghèo. Vậy trách nhiệm thuộc về ai!?

Rất mong các cơ quan chức năng Hà Tĩnh vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại