Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô?

Mai Lâm (Tổng hợp) |

Hầu hết mọi người đều nghĩ Hà Nội chỉ có 5 cửa ô như một câu hát trong bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Thế nhưng, theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Hà Nội xưa có rất nhiều cửa ô…

Thời xưa, cửa ô vốn là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn. Các cửa ô được đặt tên theo làng theo tổng. Báo Hà Nội mới viết: “Thời Nguyễn, có 16 cửa ô là Yên Hoa, Yên Tĩnh, Thạch Khối, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hoà, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, Thuỵ Chương”.

“Vào năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập “Tỉnh Hà Nội”, thì khu vực “tỉnh thành” (tức: “nội thành”) đã được vẽ bản đồ ngay. Ở tấm bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” năm 1831 ấy, thấy ghi rõ tên (chữ Hán) và vị trí của 16 cửa ô, như sau:

1. Ô Yên Hoa (sau, kiêng chữ “Hoa” (là tên mẹ vua Thiệu Trị) nên đổi gọi là “ô Yên Phụ”) ở chỗ ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên bây giờ

2. Ô Yên Tĩnh (tức Yên Định, Yên Ninh về sau) ở chỗ ngã ba đê Yên Phụ - phố Cửa Bắc

3. Ô Thụy Chương (Thụy Khuê) ở chỗ cổng Trường THPT Chu Văn An trông ra

4. Ô Thạch Khối (tức: Nghĩa Lập về sau) ở chỗ đầu dốc Hàng Bún

5. Ô Phúc Lâm (tức: Tiền Trung, nôm na gọi là “ô Hàng Đậu”) ở chỗ ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Đậu

6.Ô Đông Hà (sau đổi là Thanh Hà, quen gọi là “ô Quan Chưởng”) ở chỗ ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Chiếu)

7. Ô Trường Thanh (sau đổi gọi là “Ưu Nghĩa”, nôm na gọi là “ô Hàng Mắm”) ở chỗ đầu phố Hàng Chĩnh bây giờ

8. Ô Mỹ Lộc, ở chỗ ngã tư Hàng Thùng – Hàng Tre

9. Ô Đông Yên, ở chỗ ngã tư Lò Sũ - Nguyễn Hữu Huân

10. Ô Tây Luông (Tây Long, sau đổi gọi là Trường Long - Cựu Lâu), ở khu vực Nhà hát Lớn

11. Ô Nhân Hòa, ở gần Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông)

12. Ô Thanh Lãng (sau đổi gọi là Lãng Yên, Lương Yên, quen gọi là “ô Đống Mác”) ở đầu đường Trần Khát Chân

13. Ô Yên Thọ, (sau đổi gọi là Thịnh Yên, quen gọi là “ô Cầu Dền”, ở chỗ cuối phố Huế - đầu phố Bạch Mai)

14. Ô Kim Hoa (sau - vẫn vì kiêng chữ “Hoa” – đổi gọi là Kim Liên, tên dân gian là “ô Đồng Lầm”)

15. Ô Thịnh Quang (sau đổi là Thịnh Hào, quen gọi là “ô Chợ Dừa”, hoặc “ô Cầu Dừa”), ở chỗ ngã năm phố Khâm Thiên - Xã Đàn, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - La Thành)

16. Ô Thanh Bảo (quen gọi là “ô Cầu Giấy”) ở chỗ phố Kim Mã gặp phố Sơn Tây (trước bến xe Kim Mã)”. Thông tin trên tờ Quân đội Nhân dân.

Hàng Chiếu - Cửa ô phía đông Hà Nội Hàng Chiếu - Cửa ô phía đông Hà Nội

Phố Hàng Chiếu nằm ở cửa Đông Hà Nội, trải qua bao thập kỷ vẫn nhộn nhịp một không khí bán buôn.

Tác giả Đặng Thân trong một bài đăng trên Vietnamnet thì lại dẫn rằng: “Đời nhà Nguyễn, sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có tới 21 cửa ô”.

Qua thời gian, những cửa ô xưa đã biến thành phố xá. 5 cửa ô mà chúng ta biết đến ngày nay cũng chỉ còn là cái tên, không còn mang ý nghĩa như ban đầu: Quan Chưởng (tức Thanh Hà), Đống Mác (tức Lãng Yên), Cầu Dền (tức Thịnh Yên), Đồng Lầm (tức Kim Liên), Chợ Dừa (tức Thịnh Hào).

“Ngoài ra, còn một cửa ô nữa đã đi vào ca dao, đó là ô Hàng Đậu – tức Phúc Lâm, nhưng nay không có ai nhắc tới nữa”. Báo Vietnamnet cho hay.

Một góc Ô Quan Chưởng ngày nay (Ảnh: Dân Việt)

Một góc ô Quan Chưởng ngày nay (Ảnh: Dân Việt)

Cửa ô duy nhất gần như vẹn nguyên sót lại chính là ô Quan Chưởng (đầu Hàng Chiếu, gần chợ Đồng Xuân ngày nay). Ô Quan Chưởng được xây dựng năm 1749, thời vua Lê Hiển Tông. Quan Chưởng là tên nôm na chỉ một ông quan coi việc ở đây. Hàng trăm năm trôi qua, ô Quan Chưởng vẫn giữ được cái cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lầu, xây bằng gạch vô nâu đỏ, còn cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1882, cấm binh lính quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại vào thành.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại