GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nghiên cứu khoa học thiếu động lực phát triển”

X.Hải - T.Cao |

(Soha.vn) - “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng nguyên nhân chính là nghiên cứu khoa học thiếu động lực phát triển” - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Nghiên cứu khoa học khoa học thiếu động lực phát triển

Trao đổi với PV về thực trạng Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ nhưng ít có phát minh, sáng chế được đăng ký quốc tế, GSTS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng nguyên nhân chính là nghiên cứu khoa học thiếu động lực phát triển”.

GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn thừa nhận, số lượng sáng chế, phát minh của Việt Nam được đăng ký còn rất ít. Theo thống kê của Bộ KH&CN, trong 5 năm 2006 - 2010 cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Còn theo các tác giả Lê Văn Út và Thái Lâm Toàn thì từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây.

GS Nguyễn Minh Thuyết.

GS Nguyễn Minh Thuyết:  “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng nguyên nhân chính là nghiên cứu khoa học thiếu động lực phát triển”.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế. Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 sáng chế.

Lý giải thực trạng này, GS Thuyết cho rằng: Trước hết, người Việt Nam ta chưa có thói quen đăng ký phát minh, sáng chế. Bởi lẽ, do ảnh hưởng từ thời bao cấp, người ta chưa thấy những lợi ích hấp dẫn từ sáng tạo khoa học - công nghệ ngoài cái bằng khen và các danh hiệu thi đua. Hơn nữa, thủ tục đăng ký, chứng minh cũng khá phức tạp, không phải nhà khoa học nào cũng quen làm.

Nhưng lý do quan trọng hơn là môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam chưa tạo ra được động lực cho sáng tạo khoa học - công nghệ. Một nền kinh tế dựa vào gia công, lắp ráp, bán tài nguyên là chính sẽ không có nhu cầu bức thiết về phát minh, sáng chế.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cần phát triển công nghệ thì làm theo lối “mì ăn liền”, tức là đi mua công nghệ, trang thiết bị của nước ngoài. Mua đồ second hand còn được món lợi riêng nữa thì người ta càng không cần đến các nhà sáng chế trong nước làm gì.

Cần phải cải tiến cách giao nhiệm vụ trong nghiên cứu khoa học

Nói về những bất cập trong công tác quản lý khoa học, GS Thuyết cho rằng: “Mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở nước ta thấp (Nhà nước chi 2% ngân sách, tương đương 0,5% GDP; đầu tư từ xã hội không đáng kể) nhưng sử dụng còn lãng phí. Đó là do cơ chế giao đề tài không hợp lý, cơ quan giao đề tài thực ra cũng chẳng cần những đề tài ấy làm gì. Do vậy, đề tài có hoàn thành cũng chỉ để cho vào ngăn kéo.

Nghiên cứu

Cần phải cải tiến cách giao nhiệm vụ trong nghiên cứu khoa học, cải tiến cơ chế tài chính (ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN nặng tính bao cấp, không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Kinh phí thường xuyên cấp rất chậm so với yêu cầu về tiến độ nghiên cứu hiện đại. Các thủ tục thanh toán hình thức, cồng kềnh, không tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào công tác chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích và hiệu qua”?.

Để giải quyết thực trạng này, GS Thuyết chia sẻ, cần phải cải tiến cách giao nhiệm vụ trong nghiên cứu khoa học, cải tiến cơ chế tài chính. Nhưng quan trọng nhất là phải tạo ra được cơ chế gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, nhất là phải hình thành cho được thị trường khoa học và công nghệ. Có như vậy, Việt Nam mới hết cảnh nhiều tiến sĩ nhưng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, hàng hoá và trong chính sách lại quá ít.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại