GS Nguyễn Minh Thuyết: Bốn gợi ý cho quá trình đổi mới giáo dục

Khả Danh |

(Soha.vn) - "Nội dung các môn học, kể từ bậc học phổ thông đến đại học chưa thoát khỏi tình trạng kinh viện; phương pháp giáo dục ít quan tâm đến cá thể hoá; năng lực thực tiễn, năng lực sáng tạo của người học yếu… đó cũng là những hệ quả của đường lối dạy học mang tính chất phân phối, cào bằng”.

Điều 2 Luật Giáo dục cũng quy định: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, với mục tiêu như trên, trong hàng chục năm qua, giáo dục Việt Nam đã đào tạo và cung cấp cho xã hội đội ngũ nhân lực về cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các ngành nghề, cơ quan, đơn vị. Nhưng vì chỉ chú trọng mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khi dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực còn yếu nên nhân lực đào tạo ra không tránh khỏi tình trạng vừa thiếu vừa thừa.

"Nội dung các môn học, kể từ bậc học phổ thông đến đại học chưa thoát khỏi tình trạng kinh viện; phương pháp giáo dục ít quan tâm đến cá thể hoá; năng lực thực tiễn, năng lực sáng tạo của người học yếu… đó cũng là những hệ quả của đường lối dạy học mang tính chất phân phối, cào bằng”, GS Thuyết nhấn mạnh.


	GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ tư tưởng của ông về nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển, đó phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ.

"Nước ta còn nghèo, lại là nước đi sau và muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước nên không thể phát triển dàn trải. Trong vòng 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài", GS Thuyết nhận định.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng nêu ra bốn gợi ý cho quá trình đổi mới:

Thứ nhất, để đáp ứng mục tiêu phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với sở nguyện, sở trường của mỗi cá nhân, thực học có nghĩa là chuyển đổi từ chương trình theo định hướng nội dung thành chương trình theo định hướng năng lực.

Thứ hai, xây dựng chương trình theo định hướng nội dung là định ra trong chương trình một hệ thống các đơn vị kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho người học. Đây là kiểu chương trình xác định đầu vào. Cách tiếp cận này thiên về lý thuyết, kết quả là người học được trang bị kiến thức có tính hệ thống nhưng yếu về kỹ năng thực hành, đặc biệt là kỹ năng sống.

Thứ ba, chương trình chỉ có thể xác định bộ khung năng lực và hoạt động để mỗi học sinh, thông qua hoạt động học tập tự phát hiện và phát triển sở nguyện, sở trường của mình mà trở thành một thực thể với năng lực riêng.

Nhà trường không có mục đích và cũng không có khả năng tạo ra những lớp người có năng lực giống hệt nhau như những chiếc máy trong sản xuất công nghiệp. Ngược lại, chính tính đa dạng của các cá nhân sẽ tạo nên sự hài hoà và sức mạnh tổng hợp của xã hội.

Thứ tư, đối với lĩnh vực giáo dục đại học và dạy nghề, trong đổi mới phương pháp dạy học, cần tăng cường thời gian thực hành cho người học, gắn kết trường học với đơn vị sử dụng lao động để người học có điều kiện vừa học vừa làm.

Ở CHLB Đức, việc đào tạo kỹ sư thực hành và công nhân thường có sự liên kết giữa nhà nước với doanh nghiệp theo tỷ lệ doanh nghiệp bỏ ra 70%, nhà nước 30% tổng chi phí đào tạo. Trong quá trình đào tạo, học sinh có 70% thời gian học tại doanh nghiệp, 30% tại trường. Thời gian học tại doanh nghiệp, học sinh được tiếp cận với toàn bộ thiết bị, công nghệ mới, thậm chí được doanh nghiệp trả lương khi đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đây là một kinh nghiệm quý nên được tham khảo trong giáo dục đại học và dạy nghề.

"Đổi mới một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng chục triệu người học như giáo dục không phải dễ dàng. Nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm để thực hiện ước nguyện đưa dân tộc ta ''bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu'' như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới", GS Thuyết chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại