Giới trẻ đổ xô đến nơi điện thoại xịn chỉ như... chiếc đèn pin

Thiên Di |

Cách trung tâm Hà Nội hơn 60 km, nơi đây tách biệt hẳn, không có sóng điện thoại hay người dân sinh sống, điện thoại xịn đến mấy cũng chỉ có tác dụng như... chiếc đèn.

Hòn đảo “ba không”

Khu thác Tiên Ba Hồ thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là nơi thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong những ngày nghỉ.

Cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bằng hồ Xạ Hương, nơi này được coi như đảo hoang vì không có điện, không sóng điện thoại và hoàn toàn không có người dân sinh sống.

Đường vào đảo nằm lọt thỏm được ngăn cách bởi hồ Xạ Hương.
Đường vào đảo nằm lọt thỏm được ngăn cách bởi hồ Xạ Hương.

Theo người dân ở khu vực mỏ đá Minh Quang (xã Minh Quang), hồ Xạ Hương là hồ nước ngọt lớn, khá sâu, rộng khoảng 83 ha và không bao giờ cạn.

Để ra đảo, mọi người có thể thuê người dân chở bằng thuyền máy chạy khoảng 20 phút hoặc có thể đi bộ đường rừng ven suối mất 1 tiếng đồng hồ.

Đi ven suối để tìm nơi cắm trại qua đêm.
Đi ven suối để tìm nơi cắm trại qua đêm.

Trải nghiệm một đêm ở hòn đảo “ba không”: không sóng điện thoại, không điện, không người dân khiến nhiều bạn trẻ Hà Nội ưa khám phá vô cùng thích thú.

Chuẩn bị kỹ lương đồ ăn, uống trong thời gian trên đảo.
Chuẩn bị kỹ lương đồ ăn, uống trong thời gian trên đảo.

Bạn Nguyễn Hữu Hoàng (Đan Phượng, Hà Nội) vừa trở về chuyến đi lên đảo chia sẻ sự hào hứng khi được đặt chân đến đây. Cậu cũng không hề cảm thấy bất ngờ với hòn đảo "ba không" vì bản thân là người thích phiêu lưu mạo hiểm.

Việc không có điện cũng như không có sóng điện thoại đã được Hoàng chuẩn bị tinh thần.

“Mình đã nói trước với bố mẹ nên không gặp vấn đề gì về chuyện liên lạc với gia đình.

Trên đảo không có sóng điện thoại, không còn bất kỳ vướng bận suy nghĩ nào và mình cảm thấy tâm trạng hoàn toàn thoải mái.

Cả đoàn của mình khi đến đây không gặp chút khó khăn nào mà còn giúp mọi người trong nhóm gần gũi với nhau hơn”, Hoàng tâm sự.

Men theo con đường ven rừng đến thác nước.
Men theo con đường ven rừng đến thác nước.

Còn đối với Huy Nam (Hà Nội) thì ban đầu cảm thấy không thoải mái, bứt rứt vì hàng ngày cậu quen sử dụng điện thoại để lướt web, vào facebook trò chuyện với bạn bè.

“Ban đầu mình cảm thấy rất tù túng vì bình thường luôn kè kè điện thoại bên người nhưng đặt chân lên đảo này thì mọi điện thoại xịn đến mấy cũng chỉ có tác dụng như chiếc đèn pin.

Hơn nữa, trước khi đi mình không hề biết trên này mất sóng hoàn toàn như vậy và mình cảm thấy bất an khi không liên lạc được về nhà.

Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện hoàn toàn ổn và mình rất thoải mái khi xung quanh chỉ có thiên nhiên và những người bạn”, Nam chia sẻ.

Nơi đây không có người dân sinh sống.
Nơi đây không có người dân sinh sống.

Học cách sống “hoang dã”

Không có người dân sinh sống, không có sóng hay điện thoại cũng gây khó khăn cho các bạn trẻ khi màn đêm buông xuống.

Mọi người không tách đoàn và hoạt động trong khu vực của trại. Nếu ra ngoài cần phải có sự “giám sát” của 1-2 người để đảm bảo an toàn.

Khi đến đây, những dụng cụ, đồ đạc cần thiết phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà như: đèn pin, lều cắm trại, chăn ấm, dụng cụ y tế, quần áo dự phòng và đặc biệt là nước uống, thức ăn…

Buổi tối trên đảo hoang của các bạn trẻ.
Buổi tối trên đảo hoang của các bạn trẻ.

Mọi hoạt động trên đảo từ dựng lều, nấu nướng đều do các bạn trẻ tự làm. Nhiều bạn lần đầu tiên được trải nghiệm việc vào rừng kiếm củi, nhóm củi, nướng thịt…

Vì không có ti vi, không điện thoại nên các bạn trẻ cùng nhau ngắm trăng, trò chuyện hay đàn hát bên lửa trại…

Nhóm lửa để thưởng thức cà phê buổi sáng nơi đảo hoang.
Nhóm lửa để thưởng thức cà phê buổi sáng nơi đảo hoang.

Bạn Trần Thanh Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) – Sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng kể lại: “Nhóm mình đã có khoảnh khắc tuyệt vời bên nhau, cùng kiếm củi sau đó nhóm bếp lửa để lấy than nướng gà.

Sau khi "bữa tiệc BBQ" ngoài trời kết thúc, chúng mình ngồi quanh đốm lửa cùng hát hò, nhảy múa, trò chuyện vui vẻ dưới ánh trăng. Rất thú vị và lãng mạn!

Mình cảm thấy mọi người gần gũi, thoải mái thân thiết hơn khi ngồi cạnh nhau mà trên tay không cầm điện thoại, máy tính bảng như thường ngày”.

Cùng lưu giữ những bức hình kỷ niệm.
Cùng lưu giữ những bức hình kỷ niệm.

Đây là lần đầu tiên Huy Nam cắm trại ngoài trời ở một nơi đặc biệt như vậy. Đối với Nam, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm và quan trọng là phải đảm bảo được sự an toàn của bản thân cũng như thành viên trong đoàn.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyến này, Huy Nam nói: “Việc đầu tiên là bạn phải báo với người thân ở nhà nơi đó không có sóng điện thoại.

Hơn nữa nên đi ít người, nếu đi cùng đoàn thì không nên tách đoàn đi một mình hoặc liều lĩnh đi vào vùng có địa hình khó khăn sẽ gặp tai nạn đáng tiếc”.

Còn theo Hoàng – người đã có kinh nghiệm đi “phượt” ở những vùng xa thì cho rằng cần phải mang đầy đủ dụng cụ có thể sinh tồn trong giới hạn có thể.

“Ban đầu, mình nghĩ đến một vài tình huống xấu, tai nạn có thể xảy ra như bị rắn cắn, đuối nước hoặc lạc đường vì nơi này hoàn toàn không có bóng người.

Nhưng sau thì cảm thấy an toàn vì trong đoàn có rất nhiều người có kinh nghiệm “phượt” và trải nghiệm thực tế trước đó rồi”, Hoàng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại