Giáo viên mắc bệnh tâm thần, học sinh cũng bị ảnh hưởng

Hải Nguyên - Thế Long |

(Soha.vn) - M. bị rối loạn tâm lý, khi đứng trên bục giảng cô thỉnh thoảng lại nức nở khóc khiến học sinh sợ và có biểu hiện giống hệt cô.

Không ít giáo viên nhập viện tâm thần do những sang chấn tâm lý. Nhưng cũng có rất nhiều người là do mầm bệnh “tiềm ẩn” sẵn trong cơ thể. Đưa ra những nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Có ba nguyên nhân: thứ nhất là nội sinh, thứ hai là tâm lý tức là tác động của môi trường, thứ ba là bệnh mãn tính”.

Bác sĩ Dũng tâm sự: "Những người làm trong ngành y, ngành giáo là những người thầy. Một là dậy người, một là cứu người. Chính vì vậy, chúng ta cần có sự lựa chọn những người thầy tốt để có những tương lai tốt”.

Tỉ lệ người bị mắc bệnh tâm thần do nội sinh chiếm 0,3 – 1% dân số. Đó là con số mà bác sĩ Dũng đưa ra. Như vậy, trong 1.000 người thầy thì có rất nhiều thầy cô bị mắc bệnh này và đòi hỏi cần có sự bố trí nhân lực sao cho hợp lý.

Một giáo viên ở Lai Châu đang nằm điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai
Một giáo viên ở Lai Châu đang nằm điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai

Có những trường hợp, bản thân người bệnh không có đủ khả năng sinh hoạt nhưng gia đình vẫn cho đi học. Tốt nghiệp, gia đình có điều kiện xin vào một đơn vị lao động nào đó để làm việc. Nhưng dưới áp lực của công việc những biểu hiện tâm thần biểu hiện ra ngày càng rõ rệt.

Điểm qua một số trường hợp giáo viên bị bệnh tâm thần do nội sinh, gia đình biết nhưng vẫn có tình “làm ngơ”, bác sĩ Dũng kể: Đó là trường hợp của N.T.M (24 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ). M. học rất giỏi, gương mặt ưa nhìn, nhưng lại mắc bệnh nội sinh trong cơ thể. 4 năm trên giảng đường sư phạm thì có tới 6 lần M. đi Singapore điều trị tâm lý. Gia đình M. luôn ấp ủ niềm hi vọng, bệnh đó chữa được nên ép cho con bằng mọi giá phải đi chữa trị dù tốn kém bao nhiêu đi nữa.

Những ngày bước chân lên bục giảng, lại là giáo viên chủ nhiệm, những biểu hiện của bệnh tâm thần ngày càng rõ ở cô giáo trẻ ấy. Thấy học sinh đến, M. sợ và không ngồi một chỗ, rồi M. bật khóc như đứa trẻ. Những biểu hiện ấy của M. ảnh hưởng tới cả học sinh. Nhiều em về nhà kể chuyện cho bố mẹ nghe cũng khóc như cô giáo. Qua phản ánh của rất nhiều học sinh, các phụ huynh đã kiến nghị lên nhà trường, yêu cầu M. tạm ngừng công việc để đi điều trị. Sau kiến nghị của phụ huynh học sinh, hiệu trưởng trường nơi M. đang công tác đã cho M. đi khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai với bài giảng về những nguyên nhân dẫn tới tâm thần
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai với bài giảng về những nguyên nhân dẫn tới tâm thần

Bản thân ngành y tế, nơi bác sĩ Dũng đang công tác cũng có những trường hợp bị bệnh tâm thần do nguyên nhân nội sinh. Đó là trường hợp một điều dưỡng do mắc chứng bệnh này nên khi thấy các cháu bé đang sử dụng ống thở thì rút hết ống thở. “Cũng may các y, bác sĩ, người nhà phát hiện và can thiệp kịp thời nên không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Sau đó chúng tôi cũng đã đưa điều dưỡng đó đi điều trị”, bác sĩ Dũng cho biết.

“Chỉ đến khi người ta đã quá mệt mỏi, quá kích động, không thể điều khiển hành vi của mình thì mới tới điều trị tại các khoa tâm thần hay bệnh viện tâm thần”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Để các thế hệ học sinh không bị ảnh hưởng bởi các thầy cô giáo có những rối loạn tâm lý nhưng vẫn đứng trên bục giảng, bác sĩ Dũng nhấn mạnh: Thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Nhà nước phải khuyến cáo các giáo viên đi khám bệnh định kì 6 tháng/lần. Và điều đầu tiên phải tìm được những người thầy đảm bảo đủ sức khỏe và trí tuệ mà không phải là việc tuyển dụng đại trà. Sai phạm của một đại gia chỉ ảnh hưởng tới số ít người, sai phạm của giám đốc một bệnh viện hay thầy giáo là ảnh hưởng tới cả một thế hệ”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại