Theo thông tin ban đầu, sáng ngày 6/1/2016 khi đang đi làm đến đoạn đường Cộng Hòa, do tránh xe phía trước Dương Châu Toàn đã thắng xe và tự té. Sau đó, Toàn tự đón taxi vào BV Thống Nhất (Q.Tân Bình, TPHCM) cấp cứu.
Bác sĩ nhận bệnh và thăm khám cho Toàn là bác sĩ (Bs.) Lê Đoàn Khắc Quang - Phó trưởng khoa Ngoại điều trị theo yêu cầu tại BV Thống Nhất.
Theo Bs. Quang: “Khi khám cho Toàn thì chân, gối trái sưng nề, có vết thương ở mắt cá chân. Tôi cho Toàn thuốc tan máu bầm, kháng sinh, giảm đau và hẹn sau 10 ngày chỉ định phẫu thuật”.
Sáng ngày 18/1/2016 Toàn nhập viện, được làm các xét nghiệm tiền phẫu, và tất cả các kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường để mổ.
Toàn được mổ nội soi 1/3 dây chằng dưới, ca mổ kéo dài gần 2h đồng hồ. Sau khi mổ, Bs. Quang có đến thăm Toàn 2 lần trước khi về nhà vào lúc 20h30, lần thăm cuối, ông nói với người nhà rằng ca mổ diễn ra rất thành công, và Toàn sẽ nhanh chóng hồi phục.
Nhưng đêm hôm đó, Toàn than đau và được điều dưỡng chích thuốc (bệnh viện cung cấp cho báo chí là Mobic 15mg). Toàn ngủ mê man đến 2 giờ sau thì co giật, sùi bọt mép, hôn mê sâu, phải chuyển cấp cứu. Rồi qua đời.
Người nhà bệnh nhân Toàn, và dư luận đặt nhiều nghi vấn quanh cái chết này.
Toàn luôn hồn nhiên và được bạn bè yêu mến. Ảnh: Internet.
Mời bác sĩ giàu kinh nghiệm đến... mổ phụ
Có một thông tin rằng, người mổ chính của ca mổ hôm đó là Bs. Chuyên (Bác sĩ phẫu thuật của BV Chấn thương chỉnh hình) chứ không phải là BS. Lê Đoàn Khắc Quang như ông Quang nói với báo chí.
Bs. Quang thừa nhận trong ca mổ có Bs. Chuyên nhưng ông cho rằng mình là người mổ chính. Còn Bs. Chuyên, theo ông Quang, là người được mời đến để mổ phụ!
BS. Quang giải thích vấn đề này: “Vì bệnh nhân Toàn là người quen của Phó Giám đốc BV nên ông có nhờ thêm một Bs phụ, đây là người có chuyên môn nhiều về khớp gối, khâu tái tạo dây chằng”.
Chúng tôi có liên lạc với Bs. Chuyên về vấn đề này. Ông Chuyên không khẳng định mình mổ phụ hay mổ chính. Ông cho biết, ông chỉ trả lời khi “ba mặt một lời” cùng bác sĩ Quang.
Chúng tôi có nhã ý xem danh sách ê kíp mổ hôm đó để rõ hơn vấn đề này, thì nhận được sự từ chối từ phía bệnh viện.
Em gái của Toàn, Dương Hạnh Thùy (SN 1995, người theo sát Toàn từ lúc Toàn nhập viện đến lúc mất), cho biết:
“Khi mổ xong, Bs. Quang đến thăm anh tôi và cho rằng ca phẫu thuật rất thành công, khoảng 5 ngày anh tôi có thể về nhà. Trong 2 tuần hoặc 1 tháng tiếp theo anh tôi có thể đi làm trở lại”.
Ông Quang phủ nhận điều này và cho rằng: “Phẫu thuật dây chằng phục hồi tùy theo thể trạng của mỗi người, nếu sau 1 ngày không đau thì người bệnh có thể tập vật lý trị liệu, và tùy từng người, công việc, sẽ mất những khoảng thời gian khác nhau để hồi phục”.
Bác sĩ bảo có trực, người nhà bảo không thấy
Theo chị Thùy, cả đêm hôm đó chị không ngủ, và thường đi ra, vào phòng bệnh, xem điện thoại nên nắm rõ thời gian diễn tiến của sự việc.
Thùy cho rằng, khoảng 22h, Toàn được đưa ra khỏi phòng hậu phẫu, đi đến phòng 708 truyền nước, khoảng 0h thì hết nước truyền, lúc đó Toàn đã ngủ.
Tầm 4h sáng hôm sau (19/1/2016) Toàn thức giấc và nói bị đau, lúc này Thùy báo điều dưỡng. 5 phút sau điều dưỡng Lê Anh Dũng đến và tiêm thuốc cho Toàn.
“Điều dưỡng tiêm thuốc khoảng 5 phút thì anh Toàn muốn đi vệ sinh, lúc này nước tiểu của anh rất nóng, nóng đến nỗi khi tôi đổ ra thì bốc hơi nóng lên tay tôi.
Tiếp theo là anh thấy khát và muốn uống nước. 10 phút nữa thì anh Toàn than mệt, vừa nói buồn ngủ là ngủ ngay. Lúc ngủ hơi thở anh ấy rất khò khè.”
“Anh ngủ sâu đến khoảng 5h thì có biểu hiện trợn mắt, đứng tròng, gồng người phát ra âm thanh, vỗ háng tỏ vẻ đau đớn, muốn nói nhưng không nói được, sau đó tay chân co quắp, giật mạnh, người cứng, răng nghiến chặt và sùi bọt mép.
Tôi thấy anh như vậy thì vừa la và vừa vỗ tay vào mặt anh để kêu, gào lên mấy lần thì thấy anh Dũng chạy xuống
20 phút sau, bác sĩ trực, là Bs. Đỗ Kim Quế mới xuất hiện” , chị Thùy nhớ lại.
“Lúc đó, tôi cùng anh Dũng đẩy anh tôi vào phòng thay băng. Phòng có một chị điều dưỡng, do không đủ người nên chị này còn nhờ tôi đeo dây huyết áp vào cho anh tôi, còn anh Dũng đi lấy thiết bị cấp cứu.
Tôi đứng trong phòng đến 10 phút thì mới có bác sĩ đầu tiên, là nam, còn trẻ, 5 phút sau bác sĩ thứ 2 tới, và yêu cầu tôi ra ngoài. Tầm sau 20 phút từ khi anh tôi co giật tại đây thì bác Quế mới đến”.
Cũng theo chị Thùy, đêm hôm đó, trước thời điểm Bs. Quế xuất hiện để cấp cứu cho bệnh nhân Toàn, chị có đi qua phòng Bs. Quế thì thấy cửa khóa, điện tắt.
Phía gia đình có đặt nghi vấn rằng hôm đó, ông Quế không trực ở bệnh viện để xử lý các tình huống kịp thời cho bệnh nhân.
Trước nghi vấn này, Bs. Quế cho rằng, ông có trực và xử lý kịp thời các tình huống, đưa bệnh nhân ngay vào phòng cấp cứu khi bệnh nhân Toàn trở nặng, do người nhà hoảng loạn nên… không nhìn thấy ông.
Về khoảng thời gian diễn tiến của sự việc, trả lời báo chí, ông Quế cho rằng ca cấp cứu diễn ra lúc 2h sáng. Điều này, không trùng khớp với thông tin chị Thùy đưa ra phía trên.
Bs. Đỗ Kim Quế. Ảnh: Phạm An.
Bác sĩ nói gì về mũi tiêm ban đầu?
Có hay không sự rủi ro của trường hợp bệnh nhân Toàn là do sự chủ quan rằng việc môt dây chằng không quá nghiêm trọng đến tình mạng bệnh nhân, chúng tôi có đặt vấn đề với bệnh viện.
Vì, có một thông tin cho rằng, khi Toàn kêu đau bất thường, bệnh viện đã tiêm thuốc an thần cho Toàn ngủ dẫn đến co giật.
Bác sĩ Quế cho biết: “Thông thường những bệnh nhân đau nhiều thì buổi tối người ta hay cho mũi thuốc ngủ, thuốc an thần để ngủ, không đau. Toàn thì sau mổ không cho thuốc an thần mà cho thuốc giảm đau.
Dẫu có tiêm nhầm thuốc an thần cho Toàn thì bệnh nhân cũng chỉ ngủ thôi chứ không thể co giật được”.
Như diễn biến của vụ việc, sau mũi tiêm đó, bệnh nhân Toàn đã ngủ sâu đến 5 giờ sáng thì có biểu hiện co giật và hôn mê sâu. Lúc này, tim bệnh nhân đã ngưng đập. Bác sĩ Quế cũng cho biết, cấp cứu cho Toàn đến gần 2 giờ thì tim bệnh nhân đập trở lại.
Đối với người bình thường, nếu cấp cứu sau 30 phút mà tim vẫn không đập trở lại thì sẽ tử vong. Nhưng vì Toàn được gửi gắm, còn trẻ nên chúng tôi dùng các biện pháp cấp cứu cho Toàn đến gần 2 tiếng đồng hồ và tim Toàn đập trở lại”, Bs. Quế chia sẻ.
Vậy, quy trình cấp cứu đã diễn ra trong suốt 2 tiếng cho "tim đập trở lại" như thế nào? Theo Bs. Quế, ban đầu ông tiêm Atropin để tim đập nhanh nhưng Atropin vẫn không cứu được. Lúc này ông đặt một đường tĩnh mạch trung tâm, để đưa thuốc trực tiếp vào trong tim.
Theo ông, kỹ thuật này là khó không phải ai cũng làm được, không phải ở đâu cũng làm được.
Em gái của bệnh nhân cho biết, vì là phòng thay băng nên chị có thể nhìn vào thấy, và liên tục nghe các bác sĩ chỉ định tiêm những loại thuốc như, thuốc tăng huyết áp, 2 ống Atropin… cho Toàn.
“Sau một lúc cấp cứu, Bs. Quế còn ra hỏi tôi rằng anh tôi trước đây có bị giật không? Có từng bị phản ứng hay dị ứng thuốc gì không? Những cái này anh tôi đều không có”, chị Thùy chia sẻ.
Về sự co giật dẫn đến hôn mê, Bs. Quế cho rằng có hai nguyên nhân:
“Chỉ có thể là có vấn đề về não, hoặc vấn đề về tim, nhưng khi chúng tôi chụp để xem xét não thì não không chảy máu, nên chỉ có thể là bệnh tiềm ẩn về tim, mà đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết chính xác tim bị gì”
Tạm kết
Sau khi Toàn mất, bệnh viện có đến thăm hỏi gia đình. Bác sĩ Quế cho hay:
“Khi gặp gia đình, mẹ Toàn có nói rõ là gia đình không muốn làm to chuyện, mặc dù phía gia đình có những thắc mắc nhưng bệnh viện đã trả lời rồi.
Bệnh viện có xuống nhằm hai việc là chia buồn với gia đình, và cũng có nói là thông tin về báo chí người ta đưa như vậy, gia đình cũng nên hiểu chuyện như vậy.
Mẹ Toàn cho biết là bà không đưa thông tin gì hết, gia đình không muốn khiếu kiện gì cả, muốn để Toàn yên nghỉ. Bà có những yêu cầu chính đáng thì bệnh viện cũng đáp ứng”.
Tuy nhiên, chúng tôi được biết, mẹ của Toàn mặc dù đau đớn trước cái chết của con mình, nhưng theo bà đó là một cái chết còn nhiều khuất tất nên dù có mệt mỏi, và luôn trực diện với nỗi đau mất con, bà vẫn muốn tiếp tục tìm công lý cho con của bà.