Dư luận đang xôn xao trước thông tin người dân ăn gạo trong gói quà từ thiện ở Quảng Nam bị ngộ độc. Ngoài ra, đã có 5 con gà, 1 con lợn và 1 con chó bị chết khi ăn gạo này.
Sau đó, trả lời Báo Trí Thức Trẻ, ông Phạm Tấn Sĩ (trú tại Đà Nẵng) - người đã tài trợ số quà này khẳng định rằng, gạo này do nhóm của ông trực tiếp đi mua và giám sát quá trình xay, giã gạo nên không thể có chuyện gạo mốc, hỏng.
Thế nhưng, trả lời một tờ báo khác, ông Sĩ lại cho hay, số gạo từ thiện được đặt mua tại cơ sở xay xát của bà Trần Thị H. (ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) (?).
Dù chưa có kết quả kiểm định số gạo từ thiện này. Thế nhưng, dư luận cũng đặt ra một số giả thiết liên quan đến vấn đề gạo không đảm bảo. Bởi theo mô tả của người dân thì gạo được cho là gây ngộ độc này có mùi rất hôi.
Các chuyên gia cũng đã lên tiếng xung quanh vấn đề này, trong đó có nhắc đến những nguy hiểm tiềm ẩn khi lỡ ăn phải gạo mốc hay gạo có chất bảo quản để người dùng có thêm góc nhìn khác.
Gạo an toàn không hề hôi
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Chế biến lương thực thực phẩm Thái Dương, người đã có bằng Tiến sỹ khi nghiên cứu về gạo nhận định:
Nếu gạo gây ngộ độc thì có thể do lượng bảo quản tồn dư trong gạo quá lớn.
Ông Sơn nhắc lại sự việc, vào năm 2012, Bộ Y tế đã thông báo về nguyên nhân gây bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và gây tử vong cho nhiều trường hợp tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do người dân đã ăn loại gạo nấm mốc chứa aflatoxin, một độc tố vi nấm có thể gây ung thư gan.
“Gạo bị nấm mốc do để lâu quá, bảo quản không tốt hoặc chịu độ ẩm cao, gạo chuyển thành màu vàng, bị nấm bệnh, nếu ăn vào có thể bị ngộ độc rất nguy hiểm” – ông Sơn nói.
Đối với trường hợp gạo từ thiện gây ngộ độc ở Đà Nẵng, theo ông Sơn dự đoán thì có thể gạo này được xử lý chống mối, mọt nhiều quá.
Báo chí thông tin rằng gạo từ thiện đó rất hôi, tới mức không chịu nổi, cách chừng 1 m thì không ngửi thấy mùi gì nhưng đến gần thì mùi hôi rất kinh khủng, bọc 2 bao ni-lông vẫn thấy hôi, theo TS.Sơn, mùi hôi này do chất bảo quản phát ra.
“Nếu người nào đó làm gạo vô trách nhiệm, xử lý nồng độ chất bảo quán quá liều lượng thì sẽ xảy ra hiện tượng như vậy” – ông Sơn lưu ý.
Người có nhiều năm nghiên cứu về gạo này cho rằng, gạo an toàn là gạo sau khi xay xát, đóng gói, hút chân không thì cũng chỉ bảo quản được 3 – 4 tháng rồi sẽ có mọt.
“Gạo để cả năm trời có thể sẽ phải xử lý bằng hóa chất để chống mọt. Trong trường hợp xử lý bằng hóa chất không được cho phép hoặc xử lý quá nồng độ, việc dẫn tới ngộ độc là chuyện bình thường.
Nhất là những hóa chất đó lại không được sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia” – ông Sơn nhấn mạnh.
Theo vị này, “cần đem gạo từ thiện ở Quảng Nam tới các cơ quan chức năng liên quan để phân tích. Bởi mùi hôi như thế, khi phân tích chắc chắn sẽ ra chất gì đó, vì gạo an toàn thông thường chỉ có mùi thơm của đặc sản, chứ không hề hôi”.
Hơn nữa, hạn sử dụng của một loại gạo thông thường chỉ dao động trong khoảng 4 tháng.
Ông Sơn khuyên, khi đi mua gạo (trừ gạo ở các chợ buôn thúng bán mẹt không đóng gói, không ghi hạn sử dụng, khó kiểm soát), còn với những sản phẩm đóng gói, người dùng cần để ý thời gian kể từ ngày sản xuất tới hạn cuối dùng. Nếu hạn càng dài thì càng đáng sợ.
“Nếu heo ăn mà heo chết thì quá độc rồi” – ông Sơn chia sẻ.
Ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phước Trà khẳng định thông tin người dân ăn gạo từ thiện bị ngộ độc là đúng. (Ảnh: Bảo Ngọc)
Nghi vấn về loại thực phẩm khác gây ngộ độc chứ không phải gạo
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Mải, Giám đốc chi nhánh sản xuất gạo Hưng Yên lại tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe câu chuyện gạo gây ngộ độc ở Quảng Nam.
Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất gạo, bà Mải chưa bao giờ “mắt thấy, tai nghe” trường hợp nào gạo gây ra sự cố ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
“Trong thời chiến tranh, gạo để rất lâu, hơn nữa, thời đó, công nghệ bảo quản cũng chưa có nhưng không thấy có hiện tượng nào ngộ độc do gạo” – bà Mải nhấn mạnh.
Theo bà Mải, chưa có cơ sở xác đáng để cho thấy sự cố ngộ độc ở Quảng Nam là do gạo.
“Có thể do một loại thực phẩm nào đó mà 3 người kia (người bị ngộ độc sau khi ăn gạo - PV) vô tình ăn thì sao?!” – bà Mải đặt nghi vấn.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, UBND xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vừa thu hồi và niêm phong gạo hỗ trợ người dân sau khi nhiều người ăn xong có dấu hiệu bị ngộ độc.
Ngày 27-1, ông Hồ Văn Chiêng, Chủ tịch UBND xã Phước Trà xác nhận nhiều người dân địa phương bị nôn ói sau khi ăn cơm nấu từ gạo từ thiện.
Theo ông Chiêng, chiều 14-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức cấp cho xã Phước Trà 30 suất quà Tết cho người nghèo. Mỗi suất gồm có 10 kg gạo, 1 gói bột ngọt, 1 chai nước mắm và 1 chai dầu ăn.
Ngày 20-1, UBND xã Phước Trà chuyển 26 suất quà trên cho người dân ở thôn 6, 4 suất cho người dân ở thôn 3.
Tuy nhiên, ngày 22-1, sau khi lấy gạo nấu cơm ăn thì có 3 người dân ở thôn 6 bị nôn ói, phải đưa đến trạm y tế cấp cứu, hiện đã hồi phục.
Hiện số gạo này đang được chờ cơ quan chức năng kiểm định để đưa ra kết luận cuối cùng.