Đi qua những dãy núi đã trập trùng là con đường dẫn vào thôn Đồng Chiêm (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội). Và không khó để khách thập phương tìm ra nhà của người phụ nữ đã “dựng cơ đồ” từ nghề “nhặt lá tre” hay còn gọi là lá bương, chị Đặng Thị Triệu. Bởi lẽ, xung quanh nhà chị là không ít những kẹp lá tre được hong phơi dưới nắng.
Mới bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, chị Triệu đã cười lớn: Tôi mới học hết lớp 3, chữ viết còn chưa tròn thì làm được nghề gì to tát đâu nên đành bươn trải với cái nghề mà trước đây khi tôi bắt tay vào làm, nhiều người nói là “điên”.
Năm 1992, người phụ nữ tự cho mình là “ít học” ấy đi nhặt lá ở ven các con đường nhỏ hoặc trong rừng trúc. Có ngày, chị Triệu sang tận những cánh rừng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) để mang về những bao tải chỉ toàn… lá tre.
Rồi từ 500 nghìn đồng vay khởi nghiệp của Hội Phụ nữ xã An Phú, chị Triệu đi khắp các nơi để thu mua lá tre, từ trong làng ngoài xã, rồi sang cả mạn Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), lên tận vùng Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang. Khi cái tiếng đã lan xa, mọi người lại tự mang lá tới để bán cho chị. Nhiều lúc, lá tre chất đầy nhà không có lối đi.
Trải qua biết bao thăng trầm, vất vả cùng nghề, thậm chí có lúc mối quan hệ vợ chồng căng thẳng tới mức phải… viết đơn ly hôn vì chồng khuyên bỏ nghề nhưng chị quyết bám trụ cũng một phần vì “miếng cơm manh áo”, chị đã tạo dựng cho mình được chỗ đứng và cơ ngơi mà nhiều người nhìn vào không khỏi trầm trồ.
Chỉ sau một năm “bắt tay” với nghề, căn nhà cấp 4 của chị đã bị phá bỏ, thay vào đó là căn nhà gỗ khang trang. Từ việc tự làm mọi công đoạn của quy trình sản xuất, chị đã có cho mình “xưởng sản xuất” với quy mô lúc chính vụ lên tới 20 – 30 người.
“Có lúc cả tháng không lãi được đồng nào nhưng cũng có lúc chỉ trong vòng một tháng là có thể thu lãi lên tới hàng trăm triệu. Nghề này cũng như canh bạc, lúc được, lúc mất, điều quan trọng nhất là sự kiên trì. Nhiều người cũng tìm tới tôi để xin được “chỉ bảo”. Tôi không giấu nghề nhưng bản thân tôi cũng phải mất nhiều năm học hỏi, phải đánh đổi bằng nhiều “mồ hôi, nước mắt” thậm chí là tiền của để thuê người có kĩ thuật tới dậy mình mới có được sự nhuần nhuyễn với nghề như ngày hôm nay nên không phải “chỉ bảo” là có thể làm được. Nếu không cẩn thận, tỉ mỉ và có kĩ thuật, lá sẽ đổi màu và bỏ đi hết.
Nói là “nhặt lá tre” đấy nhưng không phải chỉ nhặt mà kiếm được tiền, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nên tôi thường nói với mọi người, tốt nhất nếu có lá tươi mang tới tôi, tôi sẽ thu mua” – chị Triệu chia sẻ.
Đã có lúc chị phải bỏ đi 1,7 tấn lá cũng vì kĩ thuật chưa đạt độ “chín” nên những chiếc lá bị mốc, bị vàng. “Phải chấp nhận thôi vì đó cũng là một bài học trong nghề” – chị Triệu cười khi tay vẫn không ngừng nhặt từng lá tre khô từ trong kẹp tre ra để mọi người phân loại.
Cho chúng tôi xem bản hướng dẫn kĩ thuật của một chủ người Nhật Bản đưa cho đã được dịch ra tiếng Việt, chị Triệu bảo, trong các đối tác của mình thì các đối tác người Nhật Bản là "khó tính" nhất. Bởi lẽ, những chiếc lá bương họ đặt hàng chị không qua sấy nhưng vẫn phải giữ được màu xanh của lá khi giao hàng. Theo đó, những chiếc lá bương giao cho chủ người Nhật phải được luộc qua vài ba lần đúng với quy trình họ đưa cho chị.
"Lá bương không phổ biến ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... vì vậy họ tìm sang Việt Nam để tìm mua loại lá này về gói những loại bánh cao cấp. Mùi hương của lá quện với mùi của bột tạo ra một hương vị rất đặc trưng làm "mê hoặc" khứu giác, vị giác của họ. Tôi đã từng ăn những chiếc bánh được gói bằng lá bương thu mua ở đây, mà đối tác người Trung Quốc mang sang biếu. Đúng là rất thơm và ngon, rất đặc trưng" - chị Triệu chia sẻ.
“Gắn bó” với chị Triệu, với công việc “nhặt lá tre” gần 20 năm nay, chị Đặng Thị Hiên (35 tuổi, thôn Đồng Chiêm) cười khi chúng tôi hỏi về những khó khăn của nghề: “Khó nhất là trời nóng nhưng chúng tôi cũng không được… bật quạt vì sợ bay lá”.
Rồi chị kể: Nếu chăm chỉ làm mỗi ngày 8 tiếng, mức thu nhập của chị cũng lên tới 3 – 4 triệu/tháng. Ở thời kì nông nhàn, công việc này và mức thu nhập ấy cũng giúp chị lo được nhiều khoản chi tiêu trong gia đình.
Và cứ mỗi độ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, người dân làng Đồng Chiêm lại thấy những bọc lá tre, tươi có, khô có được chất đầy nhà chị Triệu. Rồi cảnh người ra ra, vào vào nơi “công xưởng” nhộn nhịp…
Để có được những bọc lá tre xuất khẩu sang các nước Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản với giá 30.000 đồng/kg lá loại 1, 10.000 đồng/kg lá loại 2, giá đổ đống là 25.000 đồng/kg, những chiếc lá ấy đã "phiêu" qua rất nhiều công đoạn: Phơi, sấy, kẹp, rút lá ra khỏi kẹp, phân loại rồi tiếp tục cho vào sấy...
Lá tươi được thu mua với giá 8.000 đồng/kg từ hầu hết những người dân trong làng
Từ những chiếc lá này, sau khi vào lò sấy khoảng 3 tiếng sẽ tiếp tục cuộc hành trình làm giàu cùng người phụ nữ "dám nghĩ, dám làm" ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội