"Đút túi" 300 triệu/năm từ loại cây dễ trồng, dễ ăn

B. Bình |

Loại thực phẩm này cần diện tích trồng rất nhỏ, chi phí không nhiều nhưng giá trị kinh tế đem lại rất cao.

Theo ghi nhận trên báo Ninh Bình, ông Phạm Văn Mỹ, xóm 6, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, Ninh Bình là một trong những hộ trồng nấm lâu năm và thành công nhất trên địa bàn.

Dù đã ở tuổi 66 nhưng ông Mỹ đang khiến nhiều người trẻ khỏe phải phục sát đất vì cái tài làm ăn của ông.

Ông Mỹ cho biết: Nghề trồng nấm chỉ mất diện tích rất nhỏ để làm lán trại, chi phí không nhiều, nhưng hiệu quả cao. Với gần 2.000m2 lán trại, ông đưa vào sản xuất 100 tấn nguyên liệu, trồng 5 loại nấm: mỡ, mộc nhĩ, sò, rơm, linh chi.

Theo hạch toán chi phí, bình quân mỗi 1kg nguyên liệu có lãi 3.000 đồng, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 300 trăm triệu đồng từ trồng nấm.

Chia sẻ về quá trình lập nghiệp trên tờ Dân việt, ông Mỹ kể, năm 1976 ông xuất ngũ và về quê lấy vợ. Cuộc sống lúc bấy giờ quá khó khăn, ông bèn dắt díu vợ con vào Đăk Lăk làm ăn.

Nhờ chăm chỉ nên cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá. Dẫu vậy, ông Mỹ vẫn đau đáu hướng về quê nơi có bố mẹ già. Năm 1999, ông quyết định bán hết tài sản đã gây dựng ở Đăk Lăk đưa cả nhà trở về quê.

Đang trăn trở tìm hướng làm ăn, tình cờ ông Mỹ xem trên tivi thấy có mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao, vốn đầu tư ít và rất phù hợp với điều kiện phát triển ở địa phương.

Ông Mỹ liền tìm đến nhiều trại nấm học hỏi và về nhà làm thử với quy mô nhỏ. Ngay vụ đầu ông đã thắng lớn, lãi hơn 20 triệu đồng.

Trang trại của gia đình ông Mỹ rất đa dạng các loại nấm
Trang trại của gia đình ông Mỹ rất đa dạng các loại nấm

Sau 3 vụ, thấy nấm mộc nhĩ và nấm linh chi được thị trường ưa chuộng và cho thu nhập cao, ông Mỹ quyết định mở rộng thêm lán, trại.

Do nôn nóng làm giàu nên ngay lần đầu làm ăn lớn ông Mỹ đã thất bại. Hơn 20.000 phôi mộc nhĩ của ông bị bệnh trứng cá, chết hết.

Rút kinh nghiệm, ông thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất nấm từ khâu chọn, pha chế nguyên liệu, hấp sấy thanh trùng trước và trong khi cấy giống cho đến khâu chăm sóc...

Từ năm 2002 đến nay, ông làm đâu thắng đó.

Ông Phạm Quốc Hương, Giám đốc DNTN nấm Hương Nam, Chủ tịch Hội ngành nghề nấm Ninh Bình cho biết trên báo Ninh Bình: Với thời tiết và khí hậu ở Ninh Bình rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển, đặc biệt là các loại nấm mỡ, nấm hương, nấm sò…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ta đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống nấm.

Theo số liệu chưa đầy đủ, tỉnh Ninh Bình có khoảng 8.000 người thường xuyên tham gia sản xuất nấm. Sản lượng nấm tươi hàng năm ước đạt gần 5.000 tấn, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng.

Có thể khẳng định nghề nấm cho hiệu quả rất cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. 

Được biết, nghề trồng nấm bắt đầu du nhập về tỉnh Ninh Bình từ năm 1993, sau 20 năm hình thành và phát triển, trồng nấm đã từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Sản xuất nấm cũng đã tận dụng được rơm rạ sau thu hoạch, góp phần giảm đáng kể tình trạng đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường.

Tổng hợp

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại