Từ ngày 8-2, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông xe toàn tuyến, rút ngắn hành trình từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Tuy nhiên tại một số tuyến đường, đặc biệt quốc lộ 1 đoạn Đồng Nai - Bình Thuận vẫn đang thi công dang dở, chắc chắn đến Tết âm lịch này sẽ không hoàn thành kịp.
Riêng tuyến đi miền Tây, nếu đi ôtô theo đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì tránh được kẹt xe ở cửa ngõ TP, các đoạn đường tiếp theo sẽ suôn sẻ hơn trước bởi nhiều cầu mới làm lại được đưa vào thông xe trước tết.
Đưa đường cao tốc “vào cuộc”
Nghe thông tin đường cao tốc sẽ thông xe từ TP.HCM về ngã tư Dầu Giây, anh Tuấn - một tài xế xe khách đường dài - cho biết:
“Nếu thông xe, tôi sẽ đi vào đường cao tốc, chấp nhận trả phí nhưng giảm được cự ly về TP.HCM”.
Theo anh Tuấn, trước đây anh chạy xe Bắc - Nam ra vào quốc lộ 1 phải qua nhiều đoạn đường hẹp, nhất là khu vực Hố Nai, ngã ba Vũng Tàu, xa lộ Hà Nội... phải xếp hàng nhích từng tí.
“Sau này có tuyến tránh quốc lộ 1 ngang qua TP Biên Hòa, tôi thường ra vào hướng này về ngã tư Vũng Tàu.
Nay có thêm đường cao tốc thì cảnh kẹt xe chắc chắn đỡ hơn” - anh Tuấn nói.
Đánh giá về lưu lượng xe và hướng đi cho người dân trong dịp Tết âm lịch, ông Nguyễn Bôn - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai - cho hay:
“Khi vừa thông xe đoạn TP.HCM về Long Thành (quốc lộ 51), tài xế ôtô thường chọn tuyến này để đi Bà Rịa - Vũng Tàu, hoặc đánh vòng ra tuyến tránh TP Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) ra quốc lộ 1.
Nay đường cao tốc chuẩn bị cho thông xe đi suốt từ TP.HCM về ngã tư Dầu Giây cự ly càng ngắn hơn.
Tài xế có thể đi đường này thẳng ra Dầu Giây đi quốc lộ 20 về các tỉnh Tây nguyên hoặc rẽ ra quốc lộ 1 về các tỉnh miền Trung”.
Theo ông Bôn, trong dịp tết sắp đến, chắc chắn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được giới tài xế lựa chọn để đưa người dân làm ăn ở TP.HCM về các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Bởi con đường cao tốc đi trên xa lộ Hà Nội và vào ngã ba Cát Lái (TP.HCM) để về Dầu Giây có cự ly khoảng 54km, trong khi đi tuyến quốc lộ 1 như cũ sẽ mất nhiều thời gian hơn vì đường hẹp, đông dân cư và có thể gặp cảnh kẹt xe.
Một phương án khác người dân có thể rút ngắn đường về quê bằng cách đến ngã ba Vũng Tàu, chuyển sang quốc lộ 51 (hướng Bà Rịa - Vũng Tàu) để đi tuyến tránh quốc lộ 1 - đường Võ Nguyên Giáp, mất khoảng 17km.
“Di chuyển vào quốc lộ 51, nếu muốn đi nhanh hơn thì khi đến huyện Long Thành, cho xe vào làn đường cao tốc về ngã tư Dầu Giây, chỉ mất thêm 32km” - ông Bôn nói.
Theo dự báo của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, tết sắp đến lưu lượng ôtô đi trên quốc lộ 1 hiện hữu qua địa bàn sẽ ít hơn khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác.
Nhiều đoạn còn thi công dang dở
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết qua kiểm tra công tác an toàn giao thông trước tết, nhiều vị trí ở quốc lộ 20, quốc lộ 1 đã thông thoáng, giảm cảnh thi công ì ạch.
Cụ thể, cầu vượt đường sắt ở thị xã Long Khánh được đưa vào sử dụng và cầu vượt ngã tư Amata (TP Biên Hòa) cũng sẽ hoàn thành trước tết.
Riêng quốc lộ 51B đoạn tại huyện Long Thành chưa chính thức lưu thông hai chiều nhưng xe đã “vô tư” chạy hai chiều.
Ông Ngô Thế Ân - Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết :
Hiện nay nhu cầu đi lại trên quốc lộ 51B qua trung tâm thị trấn Long Thành là rất lớn, người dân mong muốn chính quyền phải sớm hoàn thiện các hạng mục trên đoạn đường này để cho lưu thông hai chiều.
Giải thích vì sao quốc lộ 51B đến nay vẫn chưa hoàn thiện, ông Chu Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), giải thích công ty cam kết trước ngày 10-2 sẽ hoàn thành tuyến tránh quốc lộ 51B qua thị trấn Long Thành có chiều dài 4km.
Đối với tuyến quốc lộ 51 cũ đi qua trung tâm thị trấn Long Thành, BVEC sẽ chuyển giao lại cho UBND huyện Long Thành quản lý, địa phương tổ chức phân luồng giao thông hai chiều.
Còn tại quốc lộ 1, hành trình từ TP.HCM đi TP Phan Thiết vẫn còn chật vật với tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.HCM, TP Biên Hòa.
Khi xe vượt qua địa phận huyện Hàm Tân để đi vào huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) thì đường sá lại ngổn ngang bởi đang thi công.
Nhiều nơi đơn vị thi công làm luôn ở hai bên đường, chỉ chừa lại một không gian vừa đủ cho hai xe khách tránh nhau.
Theo khảo sát, quốc lộ 1 qua Bình Thuận hiện nay chỉ mới hoàn thành việc nâng cấp mở rộng từ huyện Hàm Tân (km1770 + 734, giáp huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đến huyện Hàm Thuận Nam (km1720 + 800).
Từ huyện Hàm Thuận Nam (km1720 + 800) đến huyện Hàm Thuận Bắc (km 1692) đến nay vẫn đang thi công dang dở.
Ông Phạm Văn Nam, giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, cho biết đoạn đường này sẽ hoàn thành thi công trước tết.
Như vậy, tuyến quốc lộ 1 từ huyện Hàm Tân đến TP Phan Thiết sẽ thông suốt trước tết.
Riêng tuyến quốc lộ 1 từ huyện Hàm Thuận Bắc đi huyện Tuy Phong thì việc thi công nâng cấp, mở rộng vẫn đang diễn ra.
Trên tuyến đường này chỉ có một số đoạn cơ bản hoàn thành, phần lớn còn lại được rào chắn, chia cắt, đổ đá sạn.
Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết chưa thể hoàn thành tuyến đường này trước tết.
“Tại những đoạn đường đang thi công, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công dọn dẹp gọn gàng để đảm bảo cho xe cộ lưu thông an toàn trong những ngày cận tết” - ông Phạm Văn Nam nói.
Đường về miền Tây không khó lắm
Theo cán bộ Khu quản lý giao thông đô thị số 4-TP.HCM, hướng từ TP.HCM về Long An, Tiền Giang qua quốc lộ 50 sẽ rất căng thẳng vì dễ bị ùn tắc giao thông.
Mặt đường quốc lộ 50 từ xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến giáp ranh tỉnh Long An chỉ rộng 6m, trong đó có đoạn dài 1,6km đang thi công mở rộng mặt đường.
Cơ quan chức năng đề nghị ôtô nên đi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương về Long An và Tiền Giang.
Cũng theo Khu quản lý giao thông đô thị số 4, đến nay dự án mở rộng quốc lộ 1 từ huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An vẫn chưa triển khai thi công.
Những ngày gần tết, ôtô nên đi vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để tránh kẹt xe trên quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cho biết sẽ không xảy ra ùn tắc giao thông do thi công trên các tuyến đường ở các tỉnh miền Tây.
Trên tuyến quốc lộ 1, công trình xây dựng mới cầu An Hữu (Tiền Giang) dự kiến thông xe ngày 7-2.
Cầu An Hữu là cửa ngõ đi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên lượng xe qua lại rất lớn, việc thông xe cầu An Hữu mới sẽ giải phóng một điểm ách tắc trên quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Văn Thành còn cho biết Cục Quản lý đường bộ 4 giao các đơn vị trực thuộc sử dụng bêtông nhựa sửa chữa mặt đường hư hỏng trên các tuyến quốc lộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Các bến phà Vàm Cống, Đại Ngãi, Đình Khao và Mỹ Lợi sẽ tăng chuyến và phục vụ 24/24 giờ.
Ông Phạm Văn Minh, trưởng Ban điều hành các dự án miền Nam (Ban quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải), cho biết tại tỉnh An Giang có bảy cây cầu sẽ được thông xe trước tết.
Đó là cầu Cái Sắn Nhỏ, Cái Dung, Cái Sao, Rạch Gòi Bé, Rạch Gòi Lớn, Tầm Bót và Cái Sơn.
Cả bảy chiếc cầu này đều là những cây cầu yếu, xây dựng mấy chục năm trước, nay được làm mới lại. Cầu Rạch Sỏi (Kiên Giang) cũng sẽ thông xe vào ngày 10-2.
Đường ven biển TP.HCM - TP Phan Thiết
Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho hay người dân đi từ TP.HCM đến Phan Thiết có thể chọn phương án đi tàu hỏa, xuất phát từ ga Sài Gòn vào mỗi buổi sáng, ngồi tàu chỉ khoảng bốn giờ là tới nơi, nhanh hơn so với đi xe khách.
Một cán bộ có chức trách của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận tư vấn: đối với người dân đi xe cá nhân từ TP.HCM có thể chọn tuyến đường khác để đi TP Phan Thiết mà không qua quốc lộ 1.
Cụ thể, từ đường cao tốc Long Thành (Đồng Nai) chạy theo quốc lộ 51 về Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp đó theo quốc lộ 55 về thị xã La Gi (Bình Thuận).
Từ La Gi đi theo đường ven biển ĐT 719 về TP Phan Thiết, rồi vào đường 706B đi Mũi Né, tiếp đó theo các đường ĐT 716 và 715 ra quốc lộ 1 của huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Đi theo tuyến đường này lộ trình sẽ dài hơn so với đi theo quốc lộ 1 nhưng đây là tuyến đường có chất lượng nền đường tốt, khung cảnh ven biển đẹp, tài xế cũng không gặp bực bội với những cảnh kẹt xe, đường xấu do đang thi công.
N.Nam