Đường sắt trên cao uốn lượn: Pháp, Đức cũng vậy chứ không chỉ VN

Hoàng Đan |

Ông Trường cho rằng, ngay ở Pháp và Thái Lan sử dụng công nghệ Đức thì đường sắt trên cao của họ cũng uốn lượn chứ không phải riêng ở Việt Nam.

Quy chuẩn thế giới

Nhiều đoạn trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có tình trạng uốn lượn lên xuống, mấp mô.

Ông Lê Văn Dương (Phó Tổng GĐ Ban QL Dự án đường sắt) lý giải, sở dĩ có nhiều đoạn uốn lượn là để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc.

Trao đổi thêm với chúng tôi, kỹ sư Hà Ngọc Trường, chuyên gia cao cấp đường sắt, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, vấn đề này thuộc lĩnh vực kỹ thuật thiết kế mặt cắt dọc, còn gọi là trắc dọc của tuyến đường sắt đô thị.

Bằng mắt thường không khó để nhận ra những đoạn mấp mô.

Bằng mắt thường không khó để nhận ra những đoạn mấp mô.

Kỹ sư Trường cũng cho hay, mọi người không nên lo ngại vì thấy mặt cắt dọc của tuyến đường sắt trên cao đoạn Cát Linh - Hà Đông có đoạn lúc lên lúc xuống, mấp mô uốn lượn.

Theo kỹ sư Trường, quy phạm thiết kế metro ở Điều 5.3.6 quy phạm BG 50157.2003 của thế giới quy định: trắc dọc ga phải đặt trên dốc lồi nhằm đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng

"Tuyến đường sắt chạy trong đô thị thường có khoảng cách giữa 2 ga khá ngắn, ở tuyến này là khoảng 1km nên thời gian tăng, giảm tốc cho đoàn tàu cũng rất hạn chế.

Việc thiết kế sao cho bảo đảm khi tàu vào ga, tàu lên dốc, khi đó động năng sẽ chuyển sang thế năng, vận tốc giảm dần, đỡ phải hãm phanh. Khi rời khỏi ga, xuống dốc, thế năng chuyển trở thành động năng", kỹ sư Trường nói.

Cũng theo kỹ sư Trường, ở đây là quy định kỹ thuật thiết kế rất hợp lý, không có gì phải bàn cãi.

"Tất nhiên, để bảo đảm an toàn cho đoàn tàu khi vận hành phải đi đôi với các điều kiện về trình độ lái tàu, cấu trúc, dầm vững, ổn định.

Và toàn bộ hệ thống phải đảm bảo theo quy trình, quy phạm của khung tiêu chuẩn đã quy định trong dự án.

Thêm vào đó, đã có quy định trước khi đưa vào vận hành khai thác phải chạy thử nghiệm để đảm bảo độ an toàn trong vòng 6 tháng, với mức trung bình 50 chuyến/ ngày dù có khách hay không.

Đường sắt làm rất an toàn, không thể có vấn đề gì được đâu. Ở đây, phải tìm hiểu quy trình, quy phạm rất rõ ràng mới có thể hiểu hết được", kỹ sư Trường nhấn mạnh.

Thế giới đã làm rất nhiều

Đồng thời, kỹ sư Trường cũng thông tin, việc đường sắt mấp mô, lên xuống là bình thường và ngay tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng quy định vào lên xuống khi vào và ra khỏi ga.

"Ở Thái Lan, Malaysia hay ngay Pháp, Đức đường sắt trên cao cũng mấp mô, lên xuống chứ không riêng Việt Nam. Đó là chuyện rất bình thường còn ở nước ta mới nên thấy lạ thế thôi.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ngay tuyến đường sắt quốc gia của chúng ta cũng quy định vào ga phải lên dốc và ra ga phải xuống, tuy nhiên, do chạy mặt đất lên không thấy rõ.

Còn về tốc độ chạy của tàu ở đường sắt trên cao không phải là chạy như ở đường cao tốc mà chạy chỉ có ở mức 35 - 40km nên với dốc lên xuống như vậy thì vẫn đảm bảo an toàn", Kỹ sư Trường chia sẻ.

Kỹ sư Trường cũng mong muốn, Bộ Giao thông vận tải sớm chỉ đạo đơn vị thiết kế đoạn đường sắt Cát Linh - Hà Đông có ý kiến chính thức trả lời về những vấn đề còn đang gây tranh cãi, lo lắng của dư luận.

Cũng với quan điểm này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, làm giao thông, ai cũng muốn làm đường thẳng nhưng độ cong phải trong quy trình cho phép chứ không phải muốn cong bao nhiêu cũng được.

Theo ông Liên, đường sắt trên cao được khảo sát thiết kế hết sức chuẩn tắc, có độ an toàn cao.

"Đường cong được tạo ra có thể do địa hình, chứ không phải tự ngồi mà nghĩ ra được thiết kế, việc thi công đường cong cũng sẽ rất tốn kém, thi công có nhiều phức tạp.

Vì thế, nó cũng sẽ xuất hiện những đoạn phải né chỗ này, chỗ kia nên không thể thẳng và bằng phẳng được", ông Liên bày tỏ.

Đồng thời, ông Liên cũng tin tưởng rằng, hội đồng nghiệm thu bao gồm các nhà khoa học, các viện nghiên cứu làm việc đúng, tạo được niềm tin cho nhân dân.

"Nó là kết quả của nghiên cứu khoa học hàng trăm năm nay chứ không riêng gì Việt Nam, trên thế giới đã làm những tuyến đường sắt như thế này rất nhiều, lâu rồi”, ông Liên nhấn mạnh.

NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ XUẤT BẢN GTVT
TS NGUYỄN XUÂN THỦY
Về kỹ thuật các nước cũng đã làm rồi. Nguyên tắc của tàu điện chạy ở trên cao hay trên đường như ở Đức người ta cũng cho tàu lên dốc để tích lũy năng lượng và cho xuống để chạy theo quán tính, nhờ đó giảm năng lượng. Đồng thời, đảm bảo tốc độ cũng như giảm năng lượng và trong đô thị, điều này là rất quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại