Dẫn chúng tôi vào gian nhà chính, chú Lưu Văn Long (thường gọi Ba Sành) chỉ lên bàn thờ, nơi có chưng một trái dưa hấu tròn, nói: “Đó là trái dưa hấu tui chưng từ 26 tết vừa rồi.
Tới nay đã hơn 6 tháng mà trái dưa vẫn còn quá trời cứng, xanh bóng”.
Theo chú Ba Sành, trái dưa này được mua từ ghe dưa hấu rao bán dưới sông hồi tết, chú mua 2 trái dưa tròn đều nhau khoảng 7- 8kg.
Khoảng rằm tháng Giêng, công nhân làm lò trở lại cứ rà rà đòi bổ ra coi thử, ai cũng sợ dưa hư không ăn được.
Vì trái dưa khá lớn, nên chú chỉ bưng trái dưa đặt bên phải bàn thờ xuống bổ ra đãi dân lò, còn trái dưa bên trái “búng búng thấy còn cứng, nên tui giữ lại chưng tiếp. Không ngờ để hoài thấy nó còn xanh hoài…”- chú Ba Sành nói.
Còn thím Ba Sành nói kinh nghiệm chưng dưa tết 20 năm, để ý thấy dưa hấu chưng hên lắm ra Giêng mới còn trái ăn được, có khi “còn trong mùng” dưa hấu đã hư thối rồi.
Tết năm nay, thím Ba Sành chưng khoảng 11 trái dưa, loại dưa vàng trái nhỏ chừng 2kg không quá 7 bữa đã có dấu hiệu thúi, phải quăng đi. Chỉ có trái dưa này tươi xanh nguyên vẹn “đó giờ mới thấy”.
“Tui cũng thấy lạ thiệt. Hơn 6 tháng mà trái dưa hấu không thấy có điểm gì xuống màu, hư hại cả”- chú Ba Sành tỏ vẻ ngạc nhiên.
Vì thế nên, trái dưa “nhiều người bưng xuống coi lắm rồi”. Khi có người nghi ngờ “coi chừng ổng đổi trái dưa khác lên chưng”…
Chú Ba Sành khẳng định chắc nịch: “Có sao tui nói vậy, chứ hổng nói dóc. Hơn nữa, loại dưa tròn này chỉ được bán vào dịp tết, chỉ có tết mới mua được thôi”.
Khi chú Ba Sành bưng trái dưa từ bàn thờ xuống, chúng tôi thấy vỏ dưa còn rất xanh, những đường gân rõ nét, cuống trái đã khô và có mốc meo.
Nhìn kỹ thì thấy một số phần quanh trái xuất hiện mảng màu vàng vàng, mà theo chú Ba Sành “hơn tháng trở lại đây, tui thấy nó bắt đầu ửng ửng vàng vàng”.
Chú Ba Sành cũng cho biết, tuần nào chú cũng bưng trái dưa xuống lau bụi, coi có… hư chưa? Ai cũng không hiểu nhờ đâu mà trái dưa hấu này lại có thể để được lâu đến vậy và vẫn còn tươi nguyên?