Đưa 300 lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng có vi phạm Nghị định 102/2013/NĐ-CP?

HẢI CHÂU |

Thượng tá Phạm Ngọc Tiến (cán bộ an ninh kinh tế Công an Đà Nẵng mới về hưu) đặt vấn đề: “Đằng sau việc TP cho phép 300 lao động Trung Quốc qua làm việc có khúc mắc gì đó, và việc cho phép này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Nghị định 102/2013/CP"!

Thêm nhiều ý kiến không đồng tình

Dư luận Đà Nẵng đang tiếp tục "nóng" lên trước việc lãnh đạo UBND TP cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi (Trung Quốc) đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua Đà Nẵng xây khách sạn (KS) JW Marriott (đối diện sân bay Nước Mặn) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores (có lãnh đạo cũng là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư.


Công nhân Việt Nam đang thi công tại công trình xây dựng khách sạn JW Marriott (Ảnh: HC)

Công nhân Việt Nam đang thi công tại công trình xây dựng khách sạn JW Marriott (Ảnh: HC)

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 Phan Minh Cương cho rằng, không được đánh đồng việc lãnh đạo Đà Nẵng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI vào đầu tư làm ăn trên địa bàn TP với việc “mở đường” để họ đưa hàng trăm lao động nước ngoài vào.

Ông nhấn mạnh:“Chúng ta ủng hộ tất cả nhà đầu tư chứ không riêng gì Trung Quốc, nhưng các cơ quan chức năng phải nắm rõ, kiểm tra chặt chẽ và tham mưu cho lãnh đạo.

Lẽ ra phải tạo điều kiện giải quyết việc làm lao động tại chỗ đang thất nghiệp tràn lan và để cơ quan chức năng dễ quản lý chứ sao lại ủng hộ họ đưa lao động của họ vào?”.

Ông Trần Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ligh House từng tham gia xây dựng KS Crowne Plaza (nằm cạnh KS JW Marriott, cũng do Công ty Silver Shores làm chủ đầu tư) cũng cho rằng bao nhiêu công trình dân dụng lớn nhỏ trên địa bàn đều do thợ Việt Nam làm nên không thể nói KS JW Marriott phức tạp tới mức không làm được.

"Còn bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa với lao động tại chỗ thì không chỉ nhà thầu Trung Quốc mà các doanh nghiệp FDI khác cũng gặp vấn đề tương tự nhưng họ đều có cách xử lý mà không phải đưa lao động nước họ vào.

Vì vậy nêu lý do bất đồng ngôn ngữ, không điều hành được là không thuyết phục!” – ông Trần Anh Vũ nói.

Có dấu hiệu vi phạm Nghị định 102/2013/NĐ-CP?

Đáng chú ý, một cán bộ an ninh kinh tế Công an Đà Nẵng mới về hưu, Thượng tá Phạm Ngọc Tiến cho hay, tại KS Crowne Plaza trước đây cũng như KS JW Marriott hiện nay, chủ đầu tư và tổng thầu luôn dựng lên các hàng rào kỹ thuật và bắt buộc sử dụng các thiết bị do họ đưa từ Trung Quốc qua chứ không cho nhà thầu phụ Việt Nam sử dụng thiết bị của mình để thi công.

Thợ người Việt vào chỉ làm công nhưng do thiết bị mới lạ nên rất bỡ ngỡ. Từ đó chủ đầu tư và tổng thầu Trung Quốc cho rằng lao động Việt Nam không đáp ứng yêu cầu nên yêu sách đưa lao động của họ qua.

Trước kia họ từng đưa hơn ngàn lao động Trung Quốc vào dự án KS Crowne Plaza cũng với lý do này!

Theo ông, trong khi chưa làm rõ điều này mà Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã đề xuất và UBND TP Đà Nẵng cho phép đưa 300 lao động Trung Quốc vào làm việc tại dự án KS JW Marriott là có dấu hiệu vi phạm quy định tại Nghị định 102/2013/NĐ-CP (5/9/2013) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Do lẽ tại điều 5 của Nghị định này, Chính phủ “nghiêm cấm sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu”!

Đặc biệt Thượng tá Phạm Ngọc Tiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải hết sức cân nhắc khi xem xét cho phép hàng trăm người Trung Quốc vào làm việc ở Đà Nẵng là nơi có vị trí chiến lược của quốc gia về an ninh, quốc phòng, nhất là phòng thủ bờ biển.

Do vậy ông rất bức xúc trước thái độ “4 không” (“không rõ”, “không thắc mắc”, “không kiểm tra hết” và “không quan tâm”) và phát ngôn của Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An khi trả lời phỏng vấn Infonet rằng: “Chuyện "Hải Dương, Hải diếc" tôi không quan tâm. Quan tâm chi cái chuyện Hải Dương của họ!”.

“Ông Nguyễn Văn An là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo cấp Sở mà nói như thế, nhận thức như thế thì thực sự không xứng đáng để ở một cương vị lãnh đạo như ông đang ở.

Tôi ngờ rằng đằng sau việc này còn có những khúc mắc gì nữa chứ không đơn thuần chỉ là việc cho phép đưa lao động Trung Quốc vào để đảm bảo tiến độ công trình!” – Thượng tá Phạm Ngọc Tiến nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho hay, đến cuối tuần này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đi công tác nước ngoài sẽ về, khi đó mới họp được để xem xét vấn đề!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại