"Du học sinh Việt Nam nhìn vào anh Đăng để ở hay về"

Hoàng Nguyên Vũ |

Á quân mùa thứ 2 Đỗ Thị Hồng Nhung cho rằng, câu chuyện của Doãn Minh Đăng là bài học sử dụng người, "nếu sai chỗ dễ thành… phá hoại”.

Đỗ Thị Hồng Nhung là Á quân mùa thứ 2 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Cũng như Á quân mùa thứ nhất Nguyễn Thành Vinh, Nhung là một trong các Á quân để lại ấn tượng nhiều nhất vì những kiến thức phong phú được thể hiện trong cuộc thi này.

Là học sinh chuyên Toán của trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, nhưng cô gái này lại là học sinh giỏi toàn quốc môn…Văn và tiếng Anh.

Tốt nghiệp loại giỏi khoa ngữ Văn Đại học KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh, Nhung đã có 1 năm làm việc ở đài truyền hình trước khi lên đường du học.

Hiện tại Nhung đang hoàn tất khóa học thạc sĩ Media Education (Giáo dục truyền thông) ở Đại học Lapland, Phần Lan sau 3 năm và có dự định học lên tiến sĩ.

Cũng như bao du học sinh khác, Nhung vẫn đặt lên bàn cân câu hỏi ở hay về.


Hồng Nhung trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Hồng Nhung trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Câu chuyện của Doãn Minh Đăng được Đỗ Thị Hồng Nhung nhìn nhận ở một góc độ khác.

Anh Đăng muốn mang mình ra để thể nghiệm cho người đi sau

Theo cách nhìn của chị, một thạc sĩ Giáo dục truyền thông, thì câu chuyện của Doãn Minh Đăng thực chất là gì?

Trường hợp của anh Đăng không phải là cá biệt đối với nhiều người trẻ. Cũng không phải là câu chuyện giữa du học sinh với môi trường làm việc trong nước. Ngay cả người không đi du học, cũng rất nhiều bạn thấy khó hòa nhập với môi trường làm việc kiểu này.

Đa số họ chọn ra đi âm thầm, tìm một công việc khác phù hợp hơn. Anh Đăng chọn đấu tranh trực diện và công khai tài liệu lên mạng nên vụ việc có vẻ "om sòm" hơn.

Tôi nghĩ rằng khi làm như thế, anh Đăng muốn mang mình ra làm một cuộc thể nghiệm, thử xem mình có thể thay đổi một cách làm việc cũ kĩ, có thể đấu tranh đến đâu. Những người trẻ ở vào trường hợp tương tự như anh sẽ nhìn vào và có lựa chọn riêng cho mình.

Đây là một tiền lệ hay.

Hơn nữa, nó gióng lên một tiếng kêu của người trí thức đối với xã hội về một vấn đề không hề mới nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Có thể sau khi việc này lắng xuống, mọi chuyện sẽ như cũ. Nhưng ít ra cũng có ai đó mở đường rồi, sẽ có những bước chân tiếp theo đặt lên, rồi con đường sẽ rộng mở hơn. Những thay đổi lớn lao đều bắt đầu từ hành động nhỏ.

Thế còn phía nhà trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, chị có ý kiến gì không?

Tôi nghĩ họ làm việc "đúng quy trình".

Họ giữ cách làm việc, suy nghĩ đã quen thuộc mấy mươi năm nay, và thấy khó chấp nhận khi một giảng viên trẻ đi ngược lại. Họ nghĩ thăng chức, làm cán bộ quản lí là tốt, tại sao anh Đăng lại từ chối...

Nổi cộm ở đây là vấn đề sử dụng nhân lực. Người xưa nói "dụng nhân như dụng mộc", biết cách dùng thì gỗ tạp cũng hữu ích, không biết cách dung thì danh mộc cũng phí hoài.

Nhưng ở Việt Nam nhiều người vẫn còn nghĩ: Người giỏi thì làm gì cũng được, đặt đâu cũng làm tốt. Cái "giỏi" cũng trăm đường. Tư duy nhà khoa học khác hẳn tư duy nhà quản lí.

Anh Đăng là nhà khoa học, việc anh ấy làm tốt nhất là nghiên cứu. Nếu anh Đăng làm Hiệu phó, trường sẽ mất một nhà khoa học giỏi để đổi lại một lãnh đạo xoàng xoàng (có khi thảm họa). Có đáng không?

Cũng không ít người quan niệm phải chấp hành mọi phân công của tổ chức, thậm phí phải kiêm nhiệm nhiều việc nếu cần, thì mới thể hiện trách nhiệm.

Điều này cũng tương tự như việc dùng gỗ quý làm củi chụm, hoặc đòi hỏi một thanh gỗ phải dùng tốt cho tất cả mục đích. Lãng phí, vô lí và bất khả thi.

Còn một vấn đề nữa liên quan đến văn hóa. Cách xưng hô của người Việt dùng toàn những đại từ có nguồn gốc từ danh từ chỉ quan hệ thân tộc: bác, cô, chú, dì, anh, chị...

Lãnh đạo cơ quan thường được nhân viên gọi là chú, bác, thậm chí không gọi tên mà gọi theo thứ (Bác Ba, Chú Bảy...). Y như trong gia đình.

Nên nhiều lúc họ nhầm lẫn cấp dưới cũng là con cháu trong nhà. Con cháu mà tranh luận với ông bà chú bác là hỗn, cần phải trị.

Chị có nghĩ rằng đó là mâu thuẫn thế hệ? Và mâu thuẫn này, có tác động đến quyết định trở về với những người vẫn đang học tập ở nước ngoài như chị không?

Tôi không nghĩ đó là mâu thuẫn thế hệ, mà là mâu thuẫn giữa lối làm việc, tư duy cũ với cái mới. Vẫn có những người lớn tuổi tư duy rất cấp tiến và người chưa già nhưng suy nghĩ rất cũ.

Không chỉ du học sinh mới gặp vấn đề này khi về nước. Cả những bạn trẻ tốt nghiệp ở Việt Nam cũng lắm lúc "vỡ mộng" khi va đập thực tế.

Tôi nghĩ rất đông du học sinh VN đang nhìn vào trường hợp của anh Đăng để cân nhắc quyết định ở hay về của mình.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến quyết định về nước hay không của du học sinh. Trong đó môi trường, điều kiện làm việc là quan trọng nhất.

Khi ta phát hiện ra mâu thuẫn, ta cứ lẳng lặng bỏ đi, hoặc ở ngoài nhìn vào để không về cùng giải quyết, thì mâu thuẫn vẫn còn đó?

Đúng. Nên tôi đánh giá cao việc anh Đăng lên tiếng.

Vụ việc lần này không phải là chuyện riêng của Doãn Minh Đăng và nhà trường, cũng không phải chuyện du học sinh về hay ở, mà là cách sử dụng người tài.

Tôi mong những người làm công tác nhân sự luôn sáng suốt đặt đúng người đúng việc để tránh lãng phí. "Lắm tài nhiều tật", đã chiêu mộ nhân tài thì cần gạn đục khơi trong, tận dụng và phát huy tối đa điểm mạnh của họ.

Đừng vì một vết xước, lỗ mọt nhỏ mà vất cả cây gỗ quý, hoặc cưa nó ra làm củi. Cần có người tài để dùng người tài

Cơ chế làm việc hiện tại với nhiều hạn chế giống chậu nước biển, mãi luôn mặn nếu ta không dần pha nước ngọt. Chị có nghĩ rằng, việc du học sinh trở về Việt Nam, sẽ là những người pha dần chậu nước biển ấy để một ngày nào đó nó sẽ không còn mặn nữa?

Câu hỏi này rất hay nhưng hóc búa. Còn tùy thuộc vào lượng và chất của nước biển và nước ngọt.

"Ngọt hóa" là quá trình lâu dài. Nếu trong tương lai gần mà pha được hỗn hợp "nước lợ" đã là thành công lớn rồi.

Muốn vậy, cần có sự điều chỉnh từ cả hai phía. Như bạn Minh Châu đã nói trong bài trước, người trẻ muốn hòa nhập vào môi trường làm việc cần sự khéo léo, biết người biết ta và kiên trì.

Người trẻ có tài thường cá tính mạnh, thẳng thắn, rạch ròi nên khó hòa nhập.


Hồng Nhung đang theo học ngành Giáo dục truyền thông tại Phần Lan

Hồng Nhung đang theo học ngành Giáo dục truyền thông tại Phần Lan

Về nước làm việc không đồng nghĩa với “cống hiến”

Người ta vẫn đặt vấn đề cống hiến, nhưng rất nhiều ngành học mà các bạn du học sinh đi học, về Việt Nam không có nơi nào để làm cho phù hợp. Đó có phải là điều khiến nhiều du học sinh ở lại nước ngoài đang bị mang tiếng oan không?

Phải nhìn nhận thực tế là nếu ở lại trong nước, GS. Ngô Bảo Châu không thể đạt được thành tựu như hôm nay? Khi ông giành giải thưởng Fields, có ai trách ông không cống hiến? Có ai ước giá như ngày xưa ông ở lại Việt Nam?

Nhắc đến Ngô Bảo Châu, chị làm tôi nhớ đến ông Lê Bá Khánh Trình, người mà khi giáo sư Châu được giải, người ta đưa ra và ước gì ngày đó ông Trình cũng đi ra nước ngoài, có lẽ nước ta sẽ có hai giải Fields...

Thật ra tôi nghe danh Lê Bá Khánh Trình nhưng chưa hề gặp mặt hay quen biết. Biết trường hợp của ông thì chính xác hơn.

Ông là giảng viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh, và nghe nói ông rất nổi tiếng trong luyện thi môn Toán. Truyền đạt kiến thức cho sinh viên khoa Toán cũng là cống hiến đáng quý, dù âm thầm. Dạy luyện thi cho học sinh vào đại học cũng là cống hiến mà xã hội cần.

Đâu chỉ giải thưởng Fields mới là cống hiến. Cống hiến là mang tài năng, công sức của mình đóng góp cho xã hội, mang lại điều tốt đẹp...

Như vậy, nếu du học sinh trở về mà không có môi trường để nghiên cứu, làm việc, thì cống hiến của họ ở đâu?

Không phải cứ về nước, có mặt trong một cơ quan đều đặn thì gọi là cống hiến.

Tôi đồng ý với Nguyễn Thành Vinh về điều này. Có thể vẫn đóng góp cho VN ngay cả khi ở nước ngoài, hơn là về nước, mang tiếng "cống hiến" trên bề mặt mà thực chất bị biến thành vô dụng.

Đúng, như chị nói, cống hiến đâu có nghĩa là vào cơ quan nhà nước.

Nhưng thực tế, về Việt Nam đâu chỉ làm cho "nhà nước", vì nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang ở đây, và người nước ngoài cũng vào Việt Nam làm việc cơ mà? Và các du học sinh đâu thiếu cơ hội để cống hiến ngay trên đất nước mình?

Vẫn có nhiều du học sinh trở về làm việc cho tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia đó thôi. Nhưng nếu du học theo học bổng nhà nước thì họ phải vào làm trong tổ chức nhà nước.

Làm việc ở đâu, cho ai, miễn phát huy được năng lực của mình, có đóng góp, đều là cống hiến.

Thế giới đã toàn cầu hóa, tại sao chúng ta giới hạn phạm vi "cống hiến" trong một tỉnh thành, quốc gia?

Dĩ nhiên, khi nhận học bổng của 1 địa phương thì phải có nghĩa vụ làm việc cho họ theo đúng hợp đồng. Còn quá trình "làm việc" này có phải là "cống hiến" hay không thì chưa biết.

Vậy lại thêm một mâu thuẫn, là nhà nước đã cử người đi học, nhưng học xong về làm gì, đúng chuyên môn hay chưa thì... chưa biết?

Vâng, đó là chuyện sử dụng nhân lực, như tôi đã nói. Nhiều người vẫn còn quan niệm đã là "cống hiến" thì tổ chức đặt đâu ngồi đó, không được phản đối.

Đặt nhầm cũng giống như ép duyên, chưa phá hoại là may, mong gì cống hiến.

Thế nên mới có chuyện hàng chục bạn ở Đà Nẵng đi học xong rồi không về và bị thành phố đưa ra tòa!

Tôi không rõ trường hợp cụ thể của các bạn ấy. Nhưng nghĩ đã chấp nhận chơi thì phải đúng luật. Sai luật đương nhiên bị kiện.


Hồng Nhung tại buổi giới thiệu tiếng Việt trong ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ ở trường

Hồng Nhung tại buổi giới thiệu tiếng Việt trong ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ ở trường

"Tôi cũng có những lý do để về"

Chị chọn ngành Giáo dục truyền thông. Chị đã nhắm được nơi nào phù hợp ở Việt Nam chưa?

Truyền thông thì rất phổ biến, nhưng Giáo dục Truyền thông là thì khá mới và hiếm. Tôi vẫn còn để ngỏ, lựa chọn nơi làm việc phù hợp cho mình.

Là một người học chuyên Toán, rồi lên đại học học ngữ văn. Sau đó đi học một ngành mới toanh là Giáo dục truyền thông. Có vẻ chị là người thích khám phá bản thân? Vậy con đường khám phá tiếp theo của chị là gì sau khi tốt nghiệp?

Tôi thích khám phá thế giới và trải nghiệm những điều mới mẻ. Trước đây, nghe nói đến "đêm trắng" ở vùng cực, tôi thấy thú vị nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến đó. Vậy mà giờ tôi lại đang ở thủ phủ Lapland.

Học xong, tôi muốn có nơi ứng dung kiến thức của mình. Tôi cũng dự định học tiến sĩ. Tôi lập kế hoạch, nhưng luôn chừa những khoảng nhỏ cho bất ngờ.

Khi ở Phần Lan, tôi thường xuyên viết báo để chia sẻ những trải nghiệm thú vị về xứ tuyết này. Trong tương lai tôi muốn xuất bản một quyển sách du kí về Phần Lan.

Và một cuốn nữa thuộc thể loại "dark tourism" viết về những di tích liên quan đến nạn diệt chủng và thế chiến thứ hai.

Được biết chị tốt nghiệp ngữ văn loại giỏi, ở lại làm việc cho đài truyền hình thành phố HCM một thời gian trước khi đi du học. Thời gian công tác này với chị như thế nào?

Tôi làm biên tập viên trong một năm. Thời gian này rất đáng nhớ với tôi. Tôi may mắn được làm việc với một sếp rất cấp tiến và giỏi nghề, ekip làm việc cũng trẻ trung và sáng tạo.

Tôi viết kịch bản và tổ chức sản xuất cho 3 chương trình. Sếp biết tôi chỉ giỏi viết lách chứ rất dốt chuyện hành chính, giấy tờ nên để tôi chuyên tâm vào kịch bản, nhờ người khác lo giúp tôi những việc khác.

Thế nên tôi thấy mình được đặt đúng chỗ và phát huy được sở trường. Mặc dù nếu nhìn một cách máy móc thì tôi có vẻ chỉ làm được một nửa phần việc của một nhân viên.

Đã trải nghiệm những điều ngọt ngào với công việc trong nước, đã khám phá được một số điều thú vị trong hành trình du học và có các ý định học tập tiếp theo. Có lúc nào chị băn khoăn đến việc về hay ở và khi đặt điều đó lên bàn cân, thì sẽ cân những gì của hai điều đó?

Với trường hợp của tôi thì bàn cân về nặng hơn vì gia đình tôi neo người, cần tôi ở gần. Tôi cũng biết khi trở về thì mình sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Tôi cũng cá tính mạnh, thẳng thắn và không khéo léo trong các mối quan hệ nên chắc khó tránh khỏi những đụng chạm, mâu thuẫn ở nơi làm việc.

Đó là "trường đời" mà tôi phải đối mặt, giải quyết để thực sự trưởng thành sau "trường học".

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

>>Cựu thí sinh Olympia: Mong anh Đăng đừng là thầy Khoa thứ 2!
>>Thầy "luyện gà" Olympia: "Mấy ông bà quản lý sốc văn hóa"
>>Á quân Olympia nêu lý do không trở về nước làm việc
>>Cựu thí sinh Olympia: Đừng biến chúng tôi thành thế hệ thiếu trách nhiệm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại