“Dự án khai thác bauxite đẩy chúng ta vào thế đi vướng núi, về mắc sông”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): “Dự án khai thác bauxite đã đẩy chúng ta đang mắc vào cái thế khó là đi thì vướng núi, về thì mắc sông”.

Đầu tư không hiệu quả

– Ông có nhận xét gì về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hiện nay?

ĐBQH Lê Như Tiến: Ngay từ trước, xung quanh dự án khai thác bauxite đã có nhiều ý kiến khác nhau là có nên triển khai hay không, nếu triển khai thì hiệu quả kinh tế đến đâu. Rất nhiều đại biểu quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn và cả lo ngại về dự án này và nhiều đại biểu khi đưa ý kiến đã phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau.

Các đại biểu trong lực lượng vũ trang như công an, quân đội thì phân tích rằng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có địa thế hiểm yếu, và lo ngại khai thác bauxie ở Tây Nguyên mà có yếu tố người nước ngoài vào cùng khai thác thì có lợi không?

Một số đại biểu đứng ở góc độ môi trường thì nói rằng khai thác bauxite ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu về mặt môi trường như xói mòn đất, ô nhiễm nước, giảm tỉ lệ che phủ của rừng đầu nguồn…

Trong các phiên họp Quốc hội, khi vấn đề này được đưa ra để lấy ý kiến thì rất nhiều đại biểu quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn. Chính phủ cũng có giải trình nhưng theo tôi là chưa thực sự thuyết phục, chưa “thấu tình đạt lý”.

Cụ thể ở đây là chưa làm rõ cho đại biểu Quốc hội và người dân thấy được là có nên triển khai dự án khai thác bauxite hay không, nếu triển khai thì có lợi gì, hại gì, đặc biệt là hiệu quả kinh tế có cao không.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): “Dự án khai thác bauxite đã đẩy chúng ta đang mắc vào cái thế đi vướng núi, về mắc sông”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): “Dự án khai thác bauxite đã đẩy chúng ta đang mắc vào cái thế đi vướng núi, về mắc sông”.

– Vừa qua, phía Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết hiện nay dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn chưa có lãi, thậm chí còn có khả năng bị thua lỗ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Lê Như Tiến: Khai thác bauxite chỉ là lấy nguyên liệu làm nên alumin, còn từ alumin để sản xuất ra nhôm lại là công đoạn khác. Hiện nay đã rõ về mặt kinh tế là không hiệu quả.

Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, giá bán alumin tại cổng nhà máy khoảng 340 USD/tấn, trong khi giá thành sản xuất 1 tấn alumin là 375 USD. Giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển ước tính tối đa khoảng 345 USD/tấn.

Tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu 20%, mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, tổng số lỗ năm 2013 sẽ là 74,4 triệu USD.

Nếu Vinacomin được miễn cả thuế xuất khẩu thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, mỗi năm tổng lỗ ít nhất 33 triệu USD.

Chênh lệch như thế thì càng khai thác càng thua lỗ. Ngoài ra, vấn đề xử lý bùn đỏ như thế nào cũng là vấn đề phải tính đến. Trên thế giới đã có nhiều bài học đắt giá từ bùn đỏ, như bài học nhãn tiền từ thảm họa vỡ đập bùn đỏ ở Hungary đấy thôi.

Vốn đầu tư cho dự án khai thác bauxite cũng rất lớn. Không chỉ vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất mà còn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, cầu cảng vận chuyển alumin để xuất khẩu.

Chính phủ cũng đã đầu tư khoảng 900 triệu USD cho dự án, đây là một số tiền không nhỏ, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì thế, việc đầu tư cho dự án khai thác bauxite cần phải hết sức cân nhắc.

“Đi vướng núi, về mắc sông”

– Có ý kiến cho rằng nếu dự án khai thác bauxite không có lãi thì có thể đóng cửa nhà máy, thậm chí ngừng dự án. Theo ông, ý kiến này có khả thi không?

ĐBQH Lê Như Tiến: Như trên đã nói, mấu chốt vấn đề không chỉ là vốn đầu tư bao nhiêu mà là hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư đó như thế nào. Nếu đầu tư nhiều vốn mà hiệu quả kinh tế kém, thua lỗ thì không nên, phải tính toán lại.

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã để lại bài học rất to lớn, đó là bài học về dự báo. Chúng ta đã không lường hết được những khó khăn và xu thế của thị trường. Theo tôi được biết thì vừa qua Thủ tướng cũng đã có chỉ thị tạm dừng một số hạng mục công trình liên quan đến dự án khai thác bauxite.

Hiện nay chúng ta đang mắc vào cái thế “đi vướng núi, về mắc sông”. Nếu cứ càng sản xuất thì càng thua lỗ, còn nếu không sản xuất, đã ký hợp đồng liên doanh khai thác với nước ngoài mà mình đơn phương chấm dứt hợp đồng thì theo luật pháp quốc tế sẽ phải đền bù số tiền rất lớn.

Ở đây chính ta đã tự đưa mình vào một cái thế khó. Qua bài học về dự án khai thác bauxite cho thấy Chính phủ và Ban chỉ đạo về Dự án cần phải rất cẩn trọng, phải nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể lường được các tình huống có thế xảy ra và báo cáo với Quốc hội một cách đầy đủ để từ đó có những quyết định phù hợp hơn.

– Gần đây có ý kiến cho rằng bùn đỏ sẽ được tận dụng để sản xuất thép. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Lê Như Tiến: Sử dụng bùn đỏ để sản xuất thép cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn. Sản xuất thép không đơn giản, nó tiêu tốn lượng điện rất lớn, phải tính đến giá thành thép thế nào, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước ra sao. Hiện nay, năng lực sản xuất thép của chúng ta là hơn 10 triệu tấn, trong khi năng lực tiêu thụ thực tế của thị trường chỉ có 5 triệu tấn, thép thừa rất nhiều.

Ngoài ra, còn phải kể đến nguồn điện năng tiêu tốn khi sản xuất thép từ bùn đỏ là rất lớn. Liệu số thép sản xuất được từ việc xử lý bùn đỏ (giả sử nếu làm được) sau khi đã bán ra trên thị trường và trừ tất cả mọi chi phí có đủ bù đắp được những chi phí về công, về nhiên liệu, về điện năng để sản xuất ra nó không hay lại tiếp tục bị lỗ? Rõ ràng đây là bài toán không dễ tìm ra đáp số.

Theo tôi, Chính phủ cần phải lắng nghe, cầu thị và tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia hơn nữa. Bởi chính các nhà khoa học mới là những người có đủ kiến thức chuyên môn để nghiên cứu và hiểu biết sâu về vấn đề này.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản biện và góp ý của các nhà khoa học trong vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã không được quan tâm và tiếp thu đúng mức.

– Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại