Đột nhập lò ‘độ’ cân gian ở Hà Nội

Phi Hùng |

Những chiếc cân mới được nhiều tiểu thương yêu cầu “độ” thành cân sai để móc túi người tiêu dùng.

Qua lời giới thiệu của một số tiểu thương, trong vai khách hàng, chúng tôi mang theo một chiếc cân mới tinh loại 10 kg đến lò “độ” cân tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) do ông Q. làm chủ.

Công nghệ “độ” tinh vi

Khi biết chúng tôi muốn “độ” cân, ông Q. ra giá 30.000 đồng rồi hỏi muốn “độ” bán ra hay mua vào. Thấy khách chưa hiểu, ông Q. hỏi thẳng: “Các anh dùng cân này để mua hay bán?”.

Chúng tôi trả lời dùng để bán hàng, ông Q. hỏi tiếp: “Muốn “ăn” bao nhiêu để tôi làm?”. Khi biết cân này được “độ” để bán thịt bò, ông Q. khuyên: “Bán thịt bò thì ăn ít thôi, thịt đắt ăn nhiều quá không ổn”.

Ông Q. còn cho biết đến nhờ ông “độ” cân chủ yếu là người bán hàng rong và những tiểu thương bán loại hàng có giá trị thấp.

Sau khi chúng tôi yêu cầu ông Q. “độ” cân để ăn gian 200 g trên 1 kg (cân 1 kg nhưng thực tế chỉ 800 g), ông Q. bắt tay vào làm ngay.

Trước khi đưa chiếc cân do chúng tôi mang đến lên bàn “mổ”, ông Q. kiểm tra độ chính xác bằng cách đặt lên đĩa cân một khối sắt có trọng lượng 1 kg.

Thấy kim đồng hồ chỉ đúng 1 kg, ông Q. nói “cân này vẫn còn chuẩn lắm, tí tôi chỉnh một chút là xong ngay thôi, không mất nhiều thời gian đâu”.

Nói rồi ông Q. dùng tua vít bắt đầu “phẫu thuật” chiếc cân. Sau khi tháo bung các ốc, ông Q. đưa tay luồn vào bên trong lần lượt tháo hai lò xo ra.

Tiếp đó ông dùng thước đo từ điểm đầu đến điểm cuối của lò xo vừa được tháo ra. Đôi tay thuần thục, tay trái nghiêng chiếc cân, tay phải dùng tua vít, kìm bẩy hai chiếc lò xo và kéo giãn ra một chút.

Cẩn thận hơn, ông Q. còn dùng sợi kim loại chêm vào những khe lò xo vừa được kéo giãn để tăng phần chắc chắn. Vừa làm ông Q. vừa nói với khách:

“Trông tôi làm đơn giản thế này thôi chứ các cậu có nhìn cũng không học được đâu”.

Ông Q. đang “phù phép” cho chiếc cân khi được khách yêu cầu. Ảnh: P.HÙNG
Ông Q. đang “phù phép” cho chiếc cân khi được khách yêu cầu. Ảnh: P.HÙNG

Cũng theo ông Q., có hai cách để “độ” cân. Một là thay mới hoặc kéo giãn lò xo, cách còn lại là gắn chip điện tử vào chiếc cân rồi dùng điều khiển từ xa.

Tuy nhiên, cách dùng chip điện tử thì không an toàn vì dễ bị khách hàng phát hiện. Bởi vậy dân buôn thường dùng cách thứ nhất để qua mặt khách.

Sau 15 phút, hai chiếc lò xo được “phù phép” xong xuôi, ông Q. lắp lại vào cân rồi cầm cục sắt khi nãy đặt lên bàn cân mới được “độ” lại.

Lúc này kim đồng hồ của cân không dừng lại con số 1 kg nữa mà báo lên 1,2 kg. Người đàn ông này quay mặt chiếc cân về phía khách để chứng thực và bảo: “được rồi nhé, thế là một cân các cậu đã ăn của người ta 2 lạng”.

Mang chính chiếc cân vừa độ tìm tới một lò khác tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), chúng tôi cho hay muốn “độ” cân để đi mua hàng.

Sau khi kiểm tra, chủ lò phát hiện ngay cân đã bị chỉnh theo hướng có lợi cho người bán, giờ muốn làm ngược lại thì đầu tiên phải chỉnh cân về đúng mức quy chuẩn. Do phải trải qua hai công đoạn nên chủ lò ra giá 100.000 đồng.

Mọi thao tác sau đó cũng tương tự như ông Q. đã làm…

Người mua thường im lặng cho qua

Không chỉ người bán hàng rong, theo tìm hiểu của chúng tôi thì không ít tiểu thương ở các chợ lớn của Hà Nội đã “độ” cân để móc túi khách hàng.

Để ngăn ngừa, ban quản lý nhiều chợ lớn ở Hà Nội đã cho lắp đặt cân đối chứng nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên, hệ thống cân đối chiếu này chưa thực sự phát huy hiệu quả, vì nhiều người chưa biết đến hoặc ngại mất thời gian.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều bà nội trợ không khỏi bức xúc trước việc tiểu thương dùng cân “độ” để móc túi người dùng.

Chị Thu Hương, người sống ở Hà Nội đã nhiều năm cho biết: “Có lần tôi ra chợ mua nửa cân thịt, về nhà cân thử thì hụt đến cả lạng, bảo sao không bực mình cho được.

Cái kiểu làm ăn chộp giật thế thì chỉ được một lần là tôi cạch mặt đến già. Giờ kinh nghiệm mỗi lần đi chợ của tôi là đến chỗ cửa hàng quen, kẹt lắm tôi mới mua của người lạ”.

Nhiều khách hàng cũng cho hay khi phát hiện người bán có hành vi gian lận, họ thường phản ứng bằng cách tẩy chay không mua nữa.

Rất ít người có ý định báo với cơ quan chức năng vì sợ phiền toái. Chị Hoàng Thúy, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Có lần đi mua hàng, phát hiện thấy người bán cân gian tôi ra nhắc nhở họ nhẹ nhàng.

Những tưởng họ tiếp thu và xin lỗi mình, ai ngờ họ quay lại chửi bới giọng chợ búa, tôi đành im lặng cho qua vì không muốn phiền phức”.

Nghị định 80/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nêu rõ: Hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường hoặc tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo sẽ bị phạt từ 200.000 đến 600.000 đồng nếu phương tiện đo có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng hoặc từ 2 triệu đến 10 triệu đồng nếu phương tiện đo có giá trị từ 1 triệu đến 30 triệu đồng.

Điều 162 Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa dối khách hàng như sau:

- Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về vi phạm này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

- Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.

Nghi bị cân gian, báo ngay cho quản lý thị trường

Khi mua hàng trong chợ, nếu nghi ngờ người bán cân gian, người tiêu dùng có thể báo cho lực lượng QLTT hoặc ban quản lý chợ.

Các đơn vị này sẽ kiểm tra cân đó có giấy chứng nhận kiểm định hay chưa làm cơ sở xử lý.

Riêng đối với các xe hàng rong, nếu nghi ngờ thì người mua báo ngay cho QLTT, chúng tôi sẽ tạm thời niêm phong, giữ cân để kiểm tra.

Nếu phát hiện vi phạm, người bán sẽ bị xử phạt theo Nghị định 80/2013.

Một cán bộ Chi cục QLTT TP.HCM

Chợ có cân đối chứng

Hằng năm Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai đều mời Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực 3 đến kiểm định cân ngay tại chỗ cho tiểu thương.

Cân đúng chuẩn sẽ được dán tem kiểm định.

Hiện ở chợ có cân chuẩn để người dân nếu nghi ngờ bị cân thiếu có thể đối chiếu. Nếu phát hiện tiểu thương gian lận, khách hàng báo ngay để ban quản lý lập biên bản tạm giữ cân, sau đó mời Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm định tiếp.

Tiểu thương sai phạm sẽ bị đình chỉ kinh doanh.

Đại diện Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM

TÚ UYÊN ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại