LTS: Liên quan đến ý kiến bên lề Quốc hội cho rằng có thể cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm sự công bằng giữa những người đủ tiêu chuẩn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Quốc Thuận – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông tiếp nhận thông tin về đề xuất dùng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như thế nào?
LS Trần Quốc Thuận: Nghe tin đó, tôi cũng không biết dùng từ nào để diễn đạt cảm xúc nữa. Đó là cảm giác bị xúc phạm đến bản thân, đến những anh em đã chiến đấu hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại để bảo vệ Tổ quốc. Đối với những người đã ngã xuống vì đất nước, đề xuất đó sẽ phải được hiểu như thế nào?
Động lực để người dân tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là cái gì? Đó có phải là vì tiền không? Không phải vì tiền mà là vì tình yêu với non sông gấm vóc bao đời mà ông cha ta đã đổ xương máu để giành và giữ được. Tôi đã nói với ai đó rằng nếu thực hiện đề xuất này, không khéo thì sẽ biến bộ đội ta thành bộ đội đánh thuê.
Đó là một tư tưởng bại hoại, một dạng suy thoái tư tưởng. Không biết những người đề xuất ý tưởng đó ngày trước có đi đánh giặc không?
PV: Theo ông, có lý do nào có thể giải thích cho việc đề xuất ý tưởng đó không?
LS Trần Quốc Thuận: Có lẽ những người đề xuất đã nhìn vào gia đình họ. Gia đình họ khấm khá rồi, nghĩ có thể lấy tiền để thay cho xương máu của con cháu trong gia tộc của họ thì họ nghĩ đến chuyện đó. Một đất nước như Mỹ mà khi có chiến tranh thì họ cũng yêu cầu nghĩa vụ quân sự rất chặt chẽ…
Tôi cho rằng động lực để họ phát biểu như vậy là vì họ có tiền và đã khấm khá.
PV: Có ý kiến cho rằng ý tưởng đó đã đi ngược lại truyền thống dân tộc, nếu được thực hiện nó sẽ tạo ra sự bất công trong xã hội rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
LS Trần Quốc Thuận: Tôi thấy ý kiến đó rất đúng. Ý tưởng này còn làm thui chột đi nhiệt huyết của những người đang bảo vệ Tổ quốc. Đó là một tư tưởng phản động.
PV: Ông có nghĩ rằng người phát biểu đề xuất đó nên xin lỗi nhân dân không?
LS Trần Quốc Thuận: Xin lỗi hay không thì để họ tự vấn lương tâm và để họ tỉnh táo lại. Họ cần phải nhìn lại lịch sử đấu tranh giành độc lập và giữ nước.
PV: Là một cử tri, nếu ông thấy đại biểu Quốc hội do ông bầu mà phát biểu như vậy ông cảm thấy thế nào?
LS Trần Quốc Thuận: Nếu là đại biểu Quốc hội của khu vực TP. Hồ Chí Minh (nơi ông Thuận sinh sống - PV) mà phát biểu như thế tôi sẽ gửi đơn lên Mặt trận Tổ Quốc đề nghị bãi miễn.
PV: Qua sự việc như thế này, các Đại biểu Quốc hội của ta cần phải chú ý điều gì để tránh có những phát ngôn gây bức xúc trong dư luận như thế?
LS Trần Quốc Thuận: Phát biểu như thế thể hiện sự non yếu về chính trị. Đó là một dạng suy thoái tư tưởng. Cuộc sống vật chất đã làm biến chất họ rồi. Phát biểu như vậy thì thật đáng xấu hổ! Họ cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!