Đoàn xe tang tranh cãi "nảy lửa" với nhân viên thu phí ở Đồng Nai

Hoàng Đan |

Dù người nhà tang quyến đã xuống đề nghị nhưng nhân viên trạm thu phí Trảng Bom vẫn cương quyết thu phí mới cho đoàn xe đưa tang đi qua, từ đó dẫn đến tranh cãi gay gắt.

Phản ánh đến chúng tôi, anh Phạm Xuân T. (Đồng Nai) cho biết, vừa qua, một người thân trong gia đình anh mất và tiến hành đưa đi hỏa táng ở TP Biên Hòa.

Tuy nhiên, khi đoàn xe tang đi qua trạm thu phí Trảng Bom (Biên Hòa, Đồng Nai) thì nhân viên ở đây nhất định không chịu mở barie và yêu cầu phải đóng phí mới được phép qua.

"Rất nhiều các thành viên trong gia đình đã xuống nói rõ là theo quy định của pháp luật thì đoàn xe đưa tang thuộc diện không thu phí và các thành viên đều mặc đồ đen, đeo khăn tang.

Tuy nhiên, nhân viên thu phí ở đây lại cho rằng, đoàn xe phải đi cùng xe tang thì mới không thu còn lại phải nộp phí thì mới cho qua", anh T. kể.

Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Cũng theo anh T., sau một hồi tranh cãi khá quyết liệt thì gia đình phải chấp nhận đóng 75.000 đồng/ mỗi xe để có thể qua được trạm thu phí.

Gia đình anh đã quay lại đoạn clip thu phí này và gửi đến các cơ quan chức năng của ngành giao thông tỉnh Đồng Nai, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo quy định của Thông tư 159 ngày 14/11/2013 thì đoàn xe đưa tang được miễn phí khi qua trạm thu phí.

"Thông thường, đoàn xe đưa tang có thể chạy nối đuôi nhau, cũng có thể đứt đoạn rời rạc với nhau không hợp thành một đoàn, việc đó cũng khó chứng minh rõ ràng là "đoàn xe tang" để được miễn thu phí.

Tuy nhiên, ở trường hợp này là xe chở những người mặc tang phục, dù có chạy trước hoặc sau đuôi xe thì cũng được xem là đoàn xe tang bằng cảm tính của nhân viên thu phí.

Thế nhưng, họ cho rằng phải đi chung với đoàn xe tang mới được cho qua là cách hành xử máy móc vừa thiếu về lý, vừa yếu về tình", luật sư Út nói.


Người nhà tang quyến phải vào đóng phí cho xe để được đi qua. Ảnh cắt từ clip.

Người nhà tang quyến phải vào đóng phí cho xe để được đi qua. Ảnh cắt từ clip.

Cũng theo luật sư Út, dù mức phí của mỗi xe bị thu sai chỉ là 75.000 đồng thì chưa lớn đến mức phải làm cho ra chuyện.

Thế nhưng ở đây, cơ quan chủ quản của trạm thu phí đường tránh Biên Hòa cần phải chấn chỉnh lại lề lối làm việc của nhân viên trạm thu phí của mình, hoàn trả lại tiền đã thu sai.

Đồng thời, phía trạm thu phí phải trực tiếp xin lỗi gia quyến của tang gia, là những người bức xúc khi vừa chịu cảnh đau đớn về sự mất mát người thân, vừa phải chịu cảnh cản đường trái pháp luật của những nhân viên trạm thu phí này.

Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng cho hay, dù không có xe tang đi cùng nhưng việc mọi người trong gia đình cùng mặc đồ tang như vậy cũng không khó để xác định, đây là xe trong đoàn.

"Số tiền thu phí không phải là lớn và nhất là với gia đình tang quyến như vậy thì cũng dễ bỏ qua, nhưng việc làm của nhân viên thu phí là quá máy móc, không hợp tình, hợp lý.

Quy định của pháp luật phải là thượng tôn, được tôn trọng, không thể bị làm sai để gây bức xúc. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra, nếu đúng phải xử lý nghiêm, có lời xin lỗi tới gia đình tang quyến", luật sư Long nêu ý kiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại