Điều trị "giẫm đạp": Khỏi hay không là việc của người ta!

Vinh Hải |

Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Phú- một phụ nữ ở Thái Nguyên đang được rất nhiều người tìm đến để chữa bệnh bằng phương pháp "giẫm đạp".

Những ngày qua, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến những hình ảnh nam, nữ cởi áo, kéo quần xuống quá vòng ba để bà Phạm Thị Phú (TP Sông Công, Thái Nguyên) giẫm lên người.

Cách điều trị kỳ lạ này từ lâu đã được bà Phú thực hiện. Nhiều người đã ca tụng bà Phú là “thần y Phố Cò”, thậm chí gần đây trên mạng xã hội còn có người gọi bà là “Bồ tát”.

Ngày 15.9, có mặt tại cơ sở tẩm quất Ban Mai của bà Phạm Thị Phú ở xóm Tân Sơn, xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy vẫn có rất đông người dân đang ngồi chờ để đến lượt được “điều trị”.

Cơ sở nằm khá biệt lập so với nhà dân xung quanh. Phần nhà ở được xây dựng tách biệt với một phòng lớn lắp điều hòa, trải chiếu được dùng làm nơi để bà Phú thực hiện hoạt động điều trị bằng xoa bóp, giẫm lên người.


Bà Phạm Thị Phú thể hiện các động tác điều trị bằng cách xoa bóp cho các bệnh nhân có nhiều loại bệnh khác nhau

Bà Phạm Thị Phú thể hiện các động tác điều trị bằng cách xoa bóp cho các bệnh nhân có nhiều loại bệnh khác nhau

Từ những năm 2006, bà Phạm Thị Phú đã "hành nghề y" bằng cách giẫm đạp lên những người bệnh. Đến năm 2010, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã cử một đoàn công tác đến kiểm tra việc hành nghề của bà Phú.

Bà Phú bị phát hiện không có chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp đào tạo về y khoa, không có giấy chứng nhận lương y. Thời gian trước đó, bà Phú bán cá ở khu vực Thị xã Sông Công (nay là TP Sông Công).

Năm 2012, bà Phú được cấp Chứng chỉ kỹ thuật viên xoa bóp sau thời gian 2 tháng đào tạo và đăng ký kinh doanh cơ sở xoa bóp tẩm quất.

Trao đổi với PV, bà Phú cho hay bà không chữa bệnh cho những người đến đây mà chỉ xoa bóp giúp họ, không lấy tiền.

Bà Phạm Thị Phú nói: "Tôi không được phép chữa bệnh, tôi biết điều đó. Bởi chữa bệnh là phải có bằng cấp ngành y, học bác sỹ ra trường, có giấy phép hành nghề được Sở Y tế cấp.

Nhưng việc của tôi không phải là chữa bệnh, không liên quan đến Sở Y tế, người ta cũng không kiểm tra tôi được. Tôi biết điều đó chứ, tôi cũng có luật sư riêng của mình.

Tôi chỉ biết xoa bóp cho họ thôi, chắc tẩm quất của tôi cũng có gì đó đặc biệt. Còn việc đỡ hay khỏi bệnh là việc của người ta".

Theo quan sát của PV, để được điều trị người đến phải xếp hàng lấy phiếu rồi điền vào mẫu giấy “Đăng ký tẩm quất”.

Trong giấy này, người viết phải điền đầy đủ thông tin cá nhân và nội dung đề nghị “Hôm nay, tôi đến cơ sở tẩm quất của bà Phạm Thị Phú tại Tân Sơn, Vinh Sơn, Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, xin được tẩm quất.

Trong quá trình tẩm quất, có vấn đề gì xảy ra với tôi, tôi xin được chịu hoàn toàn trách nhiệm, không khiếu kiện, không gây phiền hà cho cơ sở tẩm quất Ban Mai”.


Người bệnh phải đăng ký vào giấy đăng ký tẩm quất để được điều trị

Người bệnh phải đăng ký vào giấy "đăng ký tẩm quất" để được điều trị

Điều lạ kỳ là cơ sở tẩm quất kể trên chỉ có duy nhất một kỹ thuật viên là bà Phú, trong khi mỗi ngày có hàng trăm người lũ lượt kéo đến chờ được điều trị.

Địa chỉ nhà bà Phú gắn biển là cơ sở tẩm quất nhưng khách hàng tìm đến "xin tẩm quất" lại là những người bị đủ thứ bệnh nan y từ viêm, suy gan tụy, ung thư cho đến người nhiễm HIV.

Trong giao tiếp với "khách hàng" đến cơ sở tẩm quất bà Phú xưng là "cô", nhiều người gọi bà Phú là "cô" và xưng "con".

Một người dân địa phương cho biết, từ khi bà Phú mở cơ sở tẩm quất và chuyển đến địa chỉ mới ở xã Vinh Sơn, người dân nhiều nơi vẫn kéo đến đông. Cách điều trị bằng cách đấm bóp, giẫm đạp của bà Phú vẫn như trước đây.

Điều này đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn việc dựng biển cơ sở xoa bóp tẩm quất chỉ là cách "lách luật" để bà Phú "hành nghề y" như trước đây?

Giải thích về việc giẫm đạp lên hàng loạt người nam nữ cởi áo, kéo trễ quần nằm trên sân bà Thúy cho rằng dùng chân mạnh hơn dùng tay và đây cũng là một động tác tẩm quất.

Ở cơ sở tẩm quất do bà Phú mở, chỉ duy nhất có một kỹ thuật viên là bà Phú nên phải làm "tập thể" do số người đến quá đông.

Khi được hỏi tại sao không lưu lại tên tuổi, địa chỉ của những người đã được "giúp đỡ" và thuyên giảm, khỏi bệnh bà Phú cho biết chỉ hỗ trợ mà không cần biết người đó tên gì, ở đâu

. Nhưng theo quan sát của PV, ai đến để điều trị cũng phải đăng ký tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư, số điện thoại vào "Giấy đăng ký tẩm quất".

Ông Nguyễn Xuân Nhân – Trưởng phòng LĐTBXH TP Sông Công cho biết: “Trước đây, khi bà Phú hoạt động ở địa điểm cũ người đến đông có gây ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.

Còn hiện tại chuyển vào xã Vinh Sơn, cách biệt với hàng xóm xung quanh nên cũng không có vấn đề gì, phía xã cũng không thấy vấn đề gì phản ánh lên”.

Một cán bộ ở TP Sông Công cho biết, ở quanh khu vực rất hiếm người tìm đến bà Phú để điều trị nhưng người ở xa lại tìm đến. Vị này đã từng chỉ đường cho người quen ở xa đến địa chỉ của bà Phú.

Vị cán bộ giấu tên cho biết: "Chính cô Phú cũng nói với tôi chữa được hay không thì không nói được. Những trường hợp tôi dẫn đến sau này đều không qua được".

Ngày 15.9, Cục Quản lý Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên xác minh hành nghề chữa bệnh của bà Phú và xử lý theo quy định, báo cáo kết quả trước ngày 30.9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại