“Trong năm 2015, chúng tôi cố gắng thi công xong phần chính tường vây, cọc chống và sàn mái của ga Nhà hát TP, đồng thời trong tháng 3-2015 sẽ thi công ga ngầm Ba Son để cuối năm đưa mũi khoan ngầm theo công nghệ hiện đại khoan ngầm 800 m, đoạn giữa hai nhà ga trên thuộc tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên” - ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), nói với Pháp Luật TP.HCM hôm 24-2.
Dần “nặn” hình hài
Cũng trong hôm qua, các nhà thầu đã đồng loạt đưa công nhân, thiết bị để thi công ở các gói thầu ga Nhà hát TP, xây đoạn trên cao và đề pô... của tuyến metro số 1 này.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết từ ngày 24-2, gói thầu này sẽ bước qua giai đoạn mới khi bắt đầu thi công tường vây trước khu vực thương xá Tax, đoạn từ giao lộ Lê Lợi - Pasteur đến Lê Lợi - Nguyễn Huệ.
“Chúng tôi mong những người trực tiếp thi công duy trì công việc tốt nhất và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn, để không có bất kỳ sự cố nào nhưng tiến độ vẫn đảm bảo” - ông Cường lưu ý.
Nhà ga Nhà hát TP dài 190 m, rộng 27 m, sâu 33 m và đây là nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 đã được khởi công.
Trao đổi với PV, ông Cường cho biết để đảm bảo hoàn trả mặt bằng cho kịp tiến độ thi công của dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ (hoàn thành trong tháng 4-2015), MAUR đã phối hợp với các đơn vị thi công tập trung thi công ở khu vực giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và đã hoàn thành tường vây, cọc chống và sàn mái ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Cạnh đó, khoảng 32 cọc tường vây trước Nhà hát TP cũng đã được thi công xong.
“Ngoài việc thi công trở lại ở ga ngầm này, ở các gói thầu khác của tuyến metro cũng được thi công đồng loạt nhằm đảm bảo tiến độ đặt ra.
Theo đó, việc đúc các phiến dầm (của gói thầu đường trên cao) thực hiện từ tháng 4 để đến tháng 6-2015 lắp những phiến dầm đầu tiên.
Cạnh đó, trong tháng 5-2015 sẽ đúc nhịp đầu tiên của cầu vượt sông Sài Gòn và các cầu đặc biệt vượt xa lộ Hà Nội” - ông Cường chia sẻ.
Lấy ý kiến dân
Một thông tin đáng lưu ý khác là trong tháng 3, MAUR sẽ mở cửa để người dân tham quan mô hình, đóng góp ý kiến về kiểu dáng, màu sắc của đầu máy, toa xe cũng như nội, ngoại thất của tuyến tàu điện ngầm sử dụng cho tuyến số 1.
Đoàn tàu được thiết kế có màu xanh da trời với phần đầu được bo tròn tạo sự năng động cho đoàn tàu.
Trong giai đoạn 1, đoàn tàu có ba toa (dài khoảng 61,5 m), gồm toa có động cơ và cabin, toa kéo không có động cơ và cabin và toa Mc với sức chở 930 hành khách, trong đó chủ yếu là chỗ đứng (tám người/m2).
Trong các toa sẽ có ghế ngồi bằng nhựa (được gia cường bằng sợi thủy tinh) lắp dọc theo thành, đồng thời trong toa có hệ thống tay vịn và móc nắm để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng.
Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn)... Ngoài ra, buồng lái nằm ở hai đầu của đoàn tàu rộng bằng chiều toa xe và kín hoàn toàn.
Hiện mô hình tàu điện ngầm đã được hoàn thiện, đang đặt ở quận 9, dự kiến sẽ được trưng bày để người dân góp ý trong vòng ba tháng.
Sau đó các ý kiến này sẽ được tổng hợp, chọn lọc cho việc thiết kế đoàn tàu rồi đặt hàng cho nhà sản xuất.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cường cho biết mô hình đoàn tàu này được xây dựng từ việc tham khảo, đánh giá công nghệ mới, tiên tiến nhất trong giai đoạn hiện nay và lựa chọn cho phù hợp với đặc thù của TP.HCM.
“Đường sắt đô thị có tốc độ khoảng 80 km/giờ cho đoạn đi ngầm, 100 km/giờ cho đoạn đi trên cao và chạy hơn 1 km là dừng ở một nhà ga.
Vì đây không phải là đường sắt cao tốc nên không thể thiết kế đoàn tàu theo dạng mũi tên dài kiểu khí động học...
Do vậy việc thiết kế phải đảm bảo phù hợp với điều kiện đô thị (giảm kích thước chiều dài, giảm diện tích chiếm chỗ ở sân đỗ), giảm diện tích dành cho người lái tàu để tăng số chỗ cho hành khách” - ông Cường nói.
Lãnh đạo TP.HCM kiểm tra các dự án trọng điểm
Chiều 24-2, đoàn công tác Thành ủy TP.HCM, HĐND TP, UBND TP... do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã đi thăm, kiểm tra một số dự án hạ tầng giao thông, Nhà thiếu nhi TP và công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại dự án nhà thiếu nhi và cung thỉnh bức tượng nghệ thuật “Bác Hồ với thiếu nhi”, Thành đoàn TP.HCM (chủ đầu tư dự án) cho biết đã hoàn thành việc sơn trùng tu toàn bộ mặt tiền của nhà truyền thống và hoàn thành vỉa hè tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Tú Xương...
Hiện công trình còn một số hạng mục nhưng dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào dịp 30-4.
Có mặt tại các công trình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải gửi lời chúc tết đến toàn thể đội ngũ kỹ sư, công nhân và các chủ đầu tư, nhà thầu đang làm nhiệm vụ.
Tại dự án thi công nhà ga ngầm của tuyến metro số 1, ông Hải đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Riêng với dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ, làm xong phần nào di dời và thu gọn hệ thống rào chắn hẹp lại để trả lối đi cho người dân, đồng thời chú ý vệ sinh công trường tránh gây ảnh hưởng đến người dân.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu chọn, trồng cây xanh phù hợp vừa tăng cường mảng xanh, vừa tạo tán bóng mát cho du khách và người dân khu phố đi bộ hoàn thành.