Nghị lực phi thường của chàng SV nghèo ngồi xe lăn
Chàng sinh viên có gương mặt điển trai, cặp mắt sáng, được các bạn đẩy đến lớp học trên chiếc xe lăn đã trở thành quen thuộc với thầy cô và sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định). Đó là Nguyễn Tùng Quân, sinh viên năm thứ nhất, lớp Sư phạm Tin của trường.
Nguyễn Tùng Quân, SV năm thứ nhất, lớp Sư phạm Tin của trường. (Ảnh Dân Trí)
Lúc mới sinh Quân vẫn bụ bẫm như những đứa trẻ khác, nhưng chưa gần 1 tuổi, một trận ốm đã khiến Quân trở thành người tàn tật. Bệnh tật, kéo theo hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng hằng ngày cậu học trò này vẫn ngồi lên xe lăn đến trường, nỗ lực không ngừng trong học tập.
Trong kì thi tuyển sinh đại học năm 2011, Quân đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm Tin, Trường ĐH Quy Nhơn. Lần đầu sống xa nhà, ở môi trường mới phải tự lập với nhiều khó khăn nhưng Quân đã tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống và học tập.
Chàng thủ khoa câm điếc không đầu hàng số phận
Một cơn sốt đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của Đoàn Phạm Khiêm khi anh mới hơn một tuổi. Thế giới xung quanh tưởng như tắt lịm, thế giới không âm thanh bao trùm lên cuộc sống của cậu.
Đoàn Phạm Khiêm sinh viên câm điếc đầu tiên tại Việt Nam (ảnh Người đưa tin)
Đoàn Phạm Khiêm là con độc nhất của gia đình có ông bố sớm chiều bạo lực với vợ con. Lớn lên trong muôn vàn khó khăn, nhưng không khuất phục trước thực tế phũ phàng, không đầu hàng trước số phận hẩm hiu, bất hạnh, chàng trai quyết tâm đi theo con đường học vấn để thay đổi cuộc đời mình. Anh đã biến cái không thể thành có thể khi đậu thủ khoa ngành hội họa của trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và trở thành sinh viên câm điếc đầu tiên của Việt Nam học đại học chính quy cùng với những người bình thường.
Mẹ của Khiêm là người luôn bên Khiêm, mẹ đã từng nhịn nhục chịu những trận đòn của chồng để vì con. Giờ mẹ như là một người phiên dịch cho chính con trai của mình hằng ngày. Vì vậy mà những lúc Khiêm được mời đi nói chuyện hay nhận học bổng đều có mẹ bên cạnh. Mẹ là "phiên dịch" duy nhất của Khiêm, thay Khiêm nói ra những gì anh suy nghĩ...
Nữ sinh tộc người “ngủ ngồi” dang dở ước mơ
Sau bảy năm dựng lều trọ học bên dòng sông Giăng, em La Thị Hoài (18 tuổi), nữ sinh duy nhất của tộc người “ngủ ngồi” Đan Lai – Môn Sơn – Con Cuông – Nghệ An (ở chốn sơn cùng thủy tận biên giới Việt-Lào), tốt nghiệp lớp 12 và đi thi đại học.
La Thị Hoài nữ sinh ngủ ngồi (ảnh Pháp luật thành phố HCM).
Không đủ điểm để vào học ngành mình đã chọn, ước mơ được học lên của Hoài cũng dở dang khi Hoài không thuộc diện xét tuyển đối với thí sinh các huyện nghèo, dù em là “hạt giống” quý của bộ tộc Đan Lai, nơi cực kỳ khó khăn.
Ước mơ duy nhất của em là được tiếp tục học đại học mang con chữ về bản làng. Khi Hoài đỗ tốt nghiệp, cả làng, cả bản đã vui mừng và hãnh diễn vì cũng có người đầu tiên được đi học và đậu tốt nghiệp 12.
Hai năm bị ung thư, nữ sinh vẫn đạt học sinh giỏi
Trương Thị Thanh Huyền là cái tên mà ai ở Trường THPT Nam Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên biết đến bởi nghị lực đấu tranh với căn bệnh ung thư hạch bạch huyết và ý chí vươn lên trong học tập.
Trương Thị Thanh Huyền với căn bệnh ung thư quái ác (ảnh VTC New).
Tuy bị ung thư và nghỉ học mất một năm nhưng trong 10 năm qua Thanh Huyền vẫn luôn là một học sinh giỏi. Hiện tại Huyền vẫn đang vừa điều trị hóa chất, vừa tiếp tục cố gắng trong học tập.
Mặc dù phải chiến đấu với căn bệnh nan y nhưng Huyền vẫn ước mơ thi vào trường đại học Y Hà Nội hoặc khoa Kiểm toán của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ước mơ này là động lực giúp Huyền tiếp tục đến trường.
Đôi chân kỳ diệu của cậu bé không tay
Bị ảnh hưởng của chất độc da cam, Hồ Hữu Hạnh không có hai tay nhưng với đôi chân của mình, em đã làm được nhiều việc như diễn viên xiếc.
Hồ Hữu Hạnh dùng chân để làm mọi việc (Ảnh Khám phá).
Hồ Hữu Hạnh đã dùng chân để làm mọi việc, từ đánh răng, chải đầu, viết chữ, … để vượt lên nỗi bất hạnh của mình. Không những thế cậu học trò không có tay vẫn biết chơi các trò chơi thể thao như đá bóng, đá cầu và thậm chí là bơi lội.
Em biết làm mọi thứ như người bình thường bởi em không muốn mình trở thành một người vô dụng.
Bàn tay chi chít sẹo của cậu bé 5 năm bò đến trường
Lầu A Sáng chưa bao giờ được đi dép vì đôi chân dị tật, còn đôi bàn tay chi chít sẹo lớn nhỏ vì bò trên đá.
Cậu bé tất nguyền đi bằng tay tới trường (ảnh VNE).
Lầu A Sáng, 13 tuổi, người dân tộc H'Mông sống ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La. A Sáng nặng 17 kg, thân hình nhỏ bé như trẻ 6 tuổi.
Hàng ngày em vẫn phải dùng hai tay để đi đến trường, mùa đông đôi bàn tay ấy bị nứt nẻ và rướm máu nhưng không vì thế mà em chùn bước trong học tập. Kèm theo đó là căn bệnh đường tiết niệu nên lúc nào cũng phải đóng bỉm. Dù đôi chân yếu nhưng Sáng có khối óc, đôi tay, kèm nghị lực kiên cường nên 5 năm qua Sáng đều đạt học lực khá.
“Cái chân không đi được, không lên nương trồng ngô hái bắp với bố mẹ, Sáng chỉ biết mỗi học thôi, muốn học để sau này bố mẹ chết còn tự nuôi được mình, nhưng không biết học được đến bao giờ vì trường cấp hai xa lắm” - Sáng nói.
Chữ viết rắn rỏi của cô bé không tay
Lê Thị Thắm hiện đang sống tại thôn 9 Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Cô bé đã sử dụng đôi chân rất thành thạo để sinh hoạt hàng ngày, đánh máy tính và đặc biệt là viết chữ rất đẹp.
Lê Thị Thắm làm mọi việc bằng đôi chân của mình
Chỉ bằng đôi chân, Thắm đã tập luyện, viết được chữ, soạn thảo thành thạo văn bản trên máy vi tính, chải tóc, nhặt được rau cho mẹ và nhiều công việc trong sinh hoạt thường ngày.
Khuyết tật nhưng không vì thế mà việc học tập của em sa sút. Thắm luôn đạt kết quả tốt trong học tâp. Ngoài việc học tập Thắm còn giúp bố mẹ làm việc nhà. Nỗ lực của em chính là tấm gương để mọi người noi theo.