Đường đi bắt ốc của bà con thường không theo lối mòn nào, cứ phát cây, phát cỏ mà đi, dẫm trên những lớp lá đã mục nằm ếp xuống sau mỗi bước chân người.
Trên những lớp lá mục ấy, trên những tảng đá rêu xanh còn ướt sũng sau cơn mưa thi thoảng lại thấy những chú ốc màu nân đen đang nằm hoặc bò.
Chàng trai người địa phương dẫn tôi đi bắt ốc cho biết: ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp.
Chúng thường ra nhiều sau mưa để ăn lá cây. Chỉ cần một đợt mưa rào là tha hồ bắt, nhiều tảng đá bắt được gần 10 con.
Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh, chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng, nó phát triển theo chiều ngang, mình dẹt, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miêng loe ra có màu trắng sữa.
Những ngày mưa không đi nương được, ngồi bên đĩa ốc nóng là tuyệt với nhất. Món này ở đây là đặc sản, giá từ 25 đến 40 ngàn đống/kg.
Những ngày mưa, có ốc người ta rủ nhau đi bắt đông lắm, nhiều người bỏ cả việc để đi bắt ốc về ăn.
Ốc đá ngoài luộc ra còn có thể chế biến thành nhiều món khác. Thường bà con không xào ốc vì khi xào ốc sẽ ra nhiều nhớt, ăn không ngon.
Nếu muốn nấu món canh, đun sôi nước, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc giòn và khỏi tanh. Ốc luộc chín tới rồi đổ ra khuê.
Thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua…đều ngon. Cầu kỳ hơn người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi.