ĐB Đặng Thành Tâm: "Tôi cũng là một trường hợp đã được trả nợ"

Hoàng Đan |

Đại biểu Đặng Thành Tâm cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị nên giảm hình sự hóa đối với các vi phạm về kinh tế và tăng hình phạt về kinh tế để doanh nghiệp phục hồi.

Nên tăng hình phạt kinh tế với vi phạm kinh tế

Trong phiên thảo luận về Bộ luật tố tụng hình sự, đại biểu Đặng Thành Tâm (Tp Hồ Chí Minh) đánh giá hết sức cao về tinh thần tăng quyền con người ở dự thảo Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

Đồng thời, ông Tâm bày tỏ, hết sức ủng hộ bản báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu và đặc biệt là vấn đề ghi âm, ghi hình và hoan nghênh việc áp dụng án lệ vào việc xử án.

"Thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp hết sức đề nghị chúng ta nên giảm hình sự hóa đối với các vi phạm về kinh tế và tăng hình phạt về kinh tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi về kinh tế.

Một dẫn chứng rất cụ thể trong những năm qua thì chúng ta thấy rằng hơn 70% doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ ngân hàng, nếu theo quy định thì khởi tố hàng trăm doanh nghiệp.

Tuy vậy, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có những hành động rất thiết thực và rất tốt là giãn nợ doanh nghiệp. Viện kiểm sát, bên cơ quan công an ứng xử rất tốt là giảm hình sự hóa đối với các hoạt động vi phạm về kinh tế.

Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt hơn và đã trở nợ ngân hàng tốt hơn.

Tôi cũng là một trường hợp đã được trả nợ và cũng tốt hơn, đối với nhân dân thì đỡ thiệt hại hơn. Đa số các doanh nghiệp cũng đều là tốt, một số ít không được tốt.

Tuy vậy, do các điều kiện pháp luật của chúng ta chưa được hoàn thiện, cũng như có điều kiện khách quan nhất định.

Vì vậy trong những trường hợp mà những vi phạm về kinh tế xảy ra hàng loạt thì cách ứng xử của Bộ luật hình sự trong trường hợp này như thế nào?", ông Tâm nêu.

Cũng theo ông Tâm về tội phạm kinh tế, trong đó Bộ luật tố tụng hình sự rất bình đẳng là cùng một tội chúng ta xét xử giống nhau.

"Thực tế, chúng ta thấy rằng cùng một tội có người bị bắt, có người không, có người thả, có người không. Ví dụ, thời gian qua kinh tế rất khó khăn, doanh nghiệp đảo nợ rất nhiều, và sử dụng vốn sai mục đích cũng rất nhiều.

Những sai phạm về kinh tế và phổ biến như vậy thì chúng ta cũng nên có cách thức như thế nào đó để trong Bộ luật tố tụng hình sự chúng ta cũng thể hiện ra được.

Tôi rất mong muốn chúng ta nghiên cứu thêm một số kinh nghiệm của các nước khác về áp dụng khung hình phạt trong xử án. Hầu hết các nước tiên tiến người ta cộng hết tất cả, ví dụ án này 10 tội, hơn 10 tội thì người ta cộng hết.

Thành ra có những tù nhân tới 100 năm tù, mỗi lần người ta giảm án. Đối với ở nước ta cũng cộng nhưng cộng mức độ và tối đa lên đến bao nhiêu đó, đôi khi trong hai tội phạm này chẳng hạn cũng làm như thế nào giảm án, có khi ông phạm rất nhiều tội vẫn được về sớm.

Vấn đề bình đẳng công bằng trong vấn đề này chưa có, tất nhiên vấn đề này tôi cũng chỉ bảo là nghiên cứu, chứ không bảo thay đổi ở trong này", ông Tâm nhấn mạnh.

Chỉ ghi âm, ghi hình với vụ án đặc biệt nghiêm trọng?

Liên quan đến vấn đề ghi âm, ghi hình được quy định trong dự thảo luật, đại biểu, Đại tá Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, việc này là chưa cần thiết và khó có tính khả thi, không phù hợp với điều kiện của nước ta.

Đại biểu Phạm Trường Dân.
Đại biểu Phạm Trường Dân.

Theo đại biểu Dân, cơ sở giam dữ chỉ tính riêng của lực lượng công an được bố trí từ cấp huyện đến cấp tỉnh và Bộ công an chưa thể đáp ứng.

Hàng năm cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100 nghìn vụ án hình sự với khoảng 150.000 -160.000 bị can, nếu thực hiện đúng quy định như dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chưa kể phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất cho việc lắp ráp thiết bị phục vụ cho công tác ghi âm, ghi hình xây dựng kho tàng, tàng thư, quản lý, bảo quản đĩa băng ghi âm ghi hình....

Mặt khác, nếu Quốc hội quyết định như dự thảo thì tôi đề nghị cần làm rõ hơn việc quy định ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung như nội dung băng ghi âm, ghi hình có được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự không?

Có phải in sau gửi kèm với hồ sơ vụ án gửi cho Viện kiểm sát, Tòa án sau khi kết luận điều tra của cơ quan điều tra không.

Hai là ghi âm, ghi hình xong các cuộc hỏi cung rồi đưa vào kho cất giữ. Việc khai thác, quản lý sử dụng băng đĩa đã ghi âm, ghi hình như thế nào, các băng ghi âm, ghi hình có được coi là tài liệu mật hay không và ở độ mật như thế nào.

"Từ phân tích trên tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ để quyết định. Theo tôi trước mắt chỉ nên áp dụng ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung bị can đối với những trường hợp cụ thể như:

Bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc có thông tin nhất là thông tin của gia đình người bị hại, bị can phản ánh bị can bị oan sai và bị can không nhận tội", ông Dân nêu ý kiến.

Đồng quan điểm đó, đại biểu, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cũng cho rằng, chỉ quy định việc ghi âm, ghi hình với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Các vụ án có tình tiết phức tạp, bị can kêu oan hoặc không nhận tội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại