Đằng sau bức ảnh cây xanh đổ rạp còn nguyên vỏ bầu bọc nilon ở HN

LN - Phạm Công |

Trận mưa giông dị thường quét qua Hà Nội chiều tối 13/6 không chỉ mang đến tai ương thảm khốc cho Hà Nội, mà còn "gây bão" trong lòng người khi một vài bức ảnh được công bố...

Tranh cãi nảy lửa

Được đăng tải trên một diễn đàn mạng uy tín vào tối 13/6, lập tức, những bức ảnh ghi lại hiện trường cây đổ trên một vài tuyến phố nội thành đã gây sốc cho những người theo dõi.

Những bức ảnh này chụp một hàng cây mới trồng bị đổ vẫn còn nguyên vỏ bầu bọc phía ngoài gốc, được cho là tại phố Lê Duẩn và một vài con phố khác của Hà Nội.

Theo tác giả bức ảnh, anh đưa bức ảnh lên diễn đàn đơn giản chỉ để thắc mắc về kỹ thuật trồng cây. Bản thân anh cũng không biết trồng như thế là đúng hay sai.

"Thời tiểu học, em được dạy là phải bỏ cái túi nilon bọc rễ rồi mới trồng cây xuống đất.

Suốt bao năm qua em vẫn nghĩ và dạy con em làm theo như thế cho đến tận khi chứng kiến cảnh tượng này. Em hoang mang quá...!", tác giả bức ảnh viết.

Vỏ bầu bằng nilon bị lộ ra sau khi cây này bị đổ bởi trận gió lốc

Vỏ bầu bằng nilon bị lộ ra sau khi cây này bị đổ bởi trận gió lốc. (Ảnh: Facebook Pham Han Anh)

Sau đó, một cuộc tranh luận sôi nổi khác nổi lên xung quanh những bức ảnh. Nhiều ngôn từ khó nghe cũng đã được thốt ra, phần lớn hướng đến những người chịu trách nhiệm trồng hàng cây này.

Những ý kiến giận dữ cho rằng, việc trồng cây thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của bộ phận người trồng. Bởi chính lớp nilon kia đã cản trở việc đâm rễ của cây sang lớp đất xung quanh, tách biệt cây với đất, khiến cây càng dễ bị đổ gẫy.

"Nhiều tháng đã trôi qua kể từ vụ thay cây nhưng nhìn bức ảnh này thì như thể cái cây chỉ được thả xuống hố rồi vùi đất tạm bợ, dường như không có bất cứ sự liên kết nào giữa cây và đất", anh Nguyễn Hữu Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) nói.

Bên cạnh những ý kiến giận dữ là những ý kiến trái chiều, cho rằng việc không gỡ bỏ vỏ bầu cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh trưởng của cây mà còn giúp cây sống tốt hơn.

Cuộc tranh luận của hàng ngàn người với hàng trăm ý kiến có nguy cơ trở thành cuộc "mạt sát quy mô lớn", khiến người đưa bức ảnh lên diễn đàn phải quyết định hạ bức ảnh xuống.

Tuy nhiên, dư âm của cuộc tranh luận đã không thể đóng lại như mong muốn của tác giả bức ảnh. Trên mạng xã hội, những tấm ảnh biết nói lan rộng trên các fanpage và group facebook.

Tại mỗi nơi tấm ảnh được đăng tải, vẫn là các cuộc tranh luận nảy lửa.

Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.

Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.

"Trồng như thế thì đừng trồng"

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Xuân - nguyên Viện phó Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Lâm Nghiệp TW.

Theo ông Xuân, việc trồng cây mà để nguyên vỏ bầu bằng chất liệu không tự phân hủy như vậy là phản khoa học.

Thông thường, sau khi đánh cây để mang đi trồng ở địa điểm mới thì công nhân thường quấn vỏ bọc bầu đất cho cây để giữ độ ẩm và giữ cho bầu đất được chắc chắn không bị vỡ.

Lúc tiến hành trồng cây, nếu là vỏ bầu tự phân hủy thì để vậy trồng sẽ không ảnh hưởng tới việc ra rễ non và sinh trưởng của cây xanh.

Tuy nhiên, nếu là các chất liệu khác thì khi trồng cây xuống thực địa phải tiến hành tháo dỡ vỏ bầu rồi mới đem trồng.

Cả hàng cây đổ lộ ra vỏ bầu bằng nilon chưa được bóc gỡ

Cả hàng cây đổ lộ ra vỏ bầu bằng nilon chưa được bóc gỡ. (Ảnh: Facebook Sa Phi)

Sau khi quan sát những bức ảnh đang là tâm điểm của những tranh luận gay gắt trên các trang mạng xã hội, vị chuyên gia hàng đầu về giống cây khá bất ngờ.

Ông khẳng định, lớp vỏ bọc dưới các gốc cây trong ảnh là túi nilon - chất liệu không những không tự phân hủy mà còn mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy được.

Là một người có nhiều năm công tác trong ngành lâm nghiệp nên khi thấy những hình ảnh trong bức ảnh, ông tỏ ra vô cùng gay gắt.

Nếu không phải bọc tự hủy mà là một chất liệu khác, khi trồng không tiến hành tháo bỏ là hoàn toàn sai quy trình trồng mới một cây xanh.

Để cây đạt tỉ lệ sống và phát triển nhanh khi đưa ra trồng ở nơi khác thì cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về trồng cây xanh bóng mát. Nếu trồng mà không bóc vỏ bầu thì tỉ lệ cây sống được là rất thấp.

Mà nếu có sống được thì cây cũng chậm bén rễ và phát triển chậm chạp. Trồng cây như vậy là một sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm theo kiểu đối phó cho qua chuyện”, vị này bức xúc.

Cũng theo ông Xuân, nếu cây trồng mà không được gỡ vỏ bọc bầu đất thì nước sẽ không thấm được vào bầu đất khiến cho cây lâu ra rễ non.

Do mắc vỏ bọc nên cây sẽ khó có thể hút được nước và các chất hữu cơ có trong đất.

Không gỡ bỏ lớp vỏ bầu đất thì việc tưới nước cho cây cũng là vô ích và nếu tình trạng này kéo dài cây sẽ khô héo dần và chết.

Với những cây xanh trồng lấy bóng mát, ông Xuân nhấn mạnh rằng, người trồng phải chú ý đến chất liệu của lớp vỏ bầu đất.

Nếu chất liệu bền quá thì rễ không thể đâm xuyên qua để ăn sâu vào lòng đất vì vậy cây không thể đứng vững được.

Hầu hết các cây mới trồng đều là rễ non nên tỉ lệ đâm xuyên qua vỏ bọc bầu đất là rất thấp. Hơn nữa, rễ cọc khi gặp vật cản sẽ bị uốn cong và vô tình tác dụng của nó trở thành rễ ngang.

Nếu như vậy thì cây rất dễ bị ngã đổ mỗi khi gió to.

 

Ông Nguyễn Khánh Xuân - nguyên Viện phó Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Lâm Nghiệp TW.

Vị chuyên gia này đau đáu nhìn vào những tấm ảnh được lan truyền rồi nói lớn: “Trồng cây mà trồng theo kiểu như vậy thì đừng trồng!".

Không những thế, trong việc trồng cây, nhiều người đã có những nhận định rằng, việc để vỏ bọc bầu đất như vậy sẽ giúp cây có điều kiện dần làm quen với thổ nhưỡng mới chứ không phải một cách đột ngột.

Trước những nhận định này, ông Xuân khẳng định: “Làm như thế, vô tình chúng ta lại cản trở sự phát triển một cách tự nhiên của cây. Cây xanh sẽ tự thích nghi với môi trường nếu như điều kiện đó phù hợp với nó lúc mới trồng”.

Theo ghi nhận của PV, trong đợt lốc vừa xảy ra tại Hà Nội, có nhiều cây lâu năm xanh tốt, có bộ rễ khỏe vẫn bị bật gốc. Lý giải trước thắc mắc này, ông Xuân cho rằng, do tán cây quá dày vô tình tạo thành một chiếc ô hứng gió.

“Để hạn chế cây bị đổ thì cần tường xuyên cắt tỉa bớt cành để tạo độ thoáng gió cho cây như vậy, cây sẽ ít bị bật gốc mỗi khi mưa to gió lớn” – ông Xuân nói.

Cùng trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Vương Thị Mai Hương – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh (đơn vị đã tham gia chiến dịch xã hội hóa trồng cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ đô) cũng cho rằng, việc trồng cây như thế sai hoàn toàn với quy trình. Theo bà Hương, việc trồng cây mới mà không loại bỏ lớp vỏ bọc không tự phân hủy sẽ ảnh hưởng tới sự sống và phát triển của cây.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại