Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự sáng nay, 19-6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tập trung mổ xẻ nội dung mới về công an xã.
Khác với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự hiện hành, dự luật mới bổ sung thêm quy định về công an xã, theo đó lực lượng này có quyền lấy lời khai, khám người, vẽ hồ sơ hiện trường, thu giữ, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu liên quan.
Bản chất những hoạt động này, theo bà Nga là hoạt động điều tra ban đầu của cơ quan điều tra.
Thậm chí, với nội dung công việc liên quan đến tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm thì thẩm quyền trao cho công an xã còn vượt ra khỏi khuôn khổ Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Quy định hiện hành...
Những quyền năng này thực tế không mới, mà đang được quy định trong Pháp lệnh Công an xã và Thông tư 28 của Bộ Công an.
Để thực hiện các thẩm quyền ấy, công an xã được sử dụng súng trường, tiểu liên, cùng công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui điện...
Theo bà Nga, việc thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu đó thực chất là sẽ hạn chế quyền con người, quyền công dân của những người bị tạm giữ, khám xét.
Chưa kể, những bước điều tra ban đầu đó nếu không được thực hiện chuẩn xác, chuyên nghiệp thì sẽ làm mất dấu vết hiện trường, mất vật chứng, giảm giá trị của lời khai ban đầu...
Những sai lệch này sẽ khó có thể khắc phục được, dẫn tới gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan chuyên trách sau này.
Vụ án Lê Bá Mai là một ví dụ điển hình về sai lầm khi trao cho công an xã quyền làm những việc có tính chất điều tra ban đầu như thế.
Về trình độ học vấn của công an xã, theo quy định hiện hành, trưởng và phó công an xã có thể chỉ cần học xong chương trình phổ thông (có bằng, hoặc giấy chứng nhận cũng được), công an viên thì chỉ cần tốt nghiệp THCS.
Thậm chí, với miền núi, vùng sâu còn hạ tiêu chuẩn, chấp nhận cả đầu vào là “học xong chương trình tiểu học”.
Pháp luật hiện hành quy định như vậy vì chấp nhận thực tế rằng công an xã có vai trò quan trọng trong bảo vệ trật tự trị an.
Và thực tế, với đầu vào thấp như vậy, Bộ Công an đã phải rất chú trọng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thêm cho lực lượng vũ trang bán chuyên trách này.
Đề nghị tạm dừng thực hiện một phần Pháp lệnh Công an xã
“Công an xã trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến tố tụng hình sự cũng đã xảy ra nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, đến uy tín của Nhà nước.
Tôi xin phép không nêu ví dụ cụ thể vì chỉ cần sau ít phút tra cứu thông tin trên mạng internet chính thống sẽ có kết quả hàng chục vụ sai phạm liên quan đến trách nhiệm của công an xã đã được báo chí đưa tin rộng rãi, trong đó có những vụ đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án...”, bà Nga nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH nhấn mạnh nguyên nhân của những sai phạm đó là pháp luật đã giao cho công an xã những thẩm quyền vượt quá năng lực, trình độ của họ.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào một sự thật: với người có trình độ học vấn thấp, đến mức chấp nhận cả trình độ tiểu học, ít được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, làm việc bán chuyên trách, luôn luôn chịu áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ mà lại được giao thẩm quyền quá lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ thì việc lạm quyền, vi phạm là khó tránh khỏi”.
Quay trở lại với chương trình xây dựng luật của QH, bà Nga cho biết khi ban hành Luật Công an nhân dân, QH đã yêu cầu các vấn đề về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động cũng như chế độ chính sách đối với công an xã phải “do luật định”.
Pháp lệnh Công an xã hiện hành dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành luật, nhưng phải tới QH khóa sau mới trình, xin ý kiến.
Như vậy, các vấn đề về thẩm quyền của công an xã đang còn bỏ ngỏ, chưa được bàn tính thấu đáo.
Với dự luật này, ban soạn thảo lại chưa có dòng nào đánh giá tác động với nội dung liên quan đến công an xã.
Từ các phân tích trên, với tinh thần Hiến pháp mới là mọi vấn đề hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân phải được quy định bằng luật, bà Nga đề nghị QH cho dừng việc thực hiện những nội dung có liên quan trong Pháp lệnh Công an xã để ngăn chặn những sai phạm thực tiễn đã xảy ra và vẫn còn nguy cơ cao.
Với dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự, cần rút bỏ phần quy định những thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu cho công an xã.
Trong trường hợp thấy cần giữ và giao thêm các nhiệm vụ quan trọng cho công an xã mà có khả năng hạn chế quyền con người thì phải nâng tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào.
Đồng thời phải chuyển lực lượng này từ bán chuyên trách thành công an chính quy, mà mô hình đồn công an khu vực mà Hà Nội đang triển khai là một kinh nghiệm đáng tham khảo.
Với trên 10.000 đơn vị cấp xã, công việc này sẽ đòi hỏi bổ sung một lượng biên chế và ngân sách không nhỏ.