Đàn voọc Sách đỏ “hồi sinh”

Phan Phương |

Gần đây, người dân 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) ngày nào cũng thấy đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ) xuất hiện bên lèn đá, sát những chân ruộng nơi họ cày bừa.

Chứng kiến cảnh này, các nhà khoa học và cán bộ kiểm lâm mừng rơi nước mắt. Họ không ngờ loài linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng này lại sinh sôi nhanh đến thế, đặc biệt nơi chúng sống sát ngay khu dân cư…

Voọc sống cạnh người

Vào làng Thiết Sơn (xã Thạch Hóa) chúng tôi cứ ngỡ lạc vào xứ sở trong phim… thần thoại. Núi non hùng vĩ, thượng nguồn sông Gianh chảy quanh ôm ấp xóm làng bé nhỏ nép mình phía dưới núi.

Những ngọn lèn Dàn Vượn, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Cùng, Sẩm Mè, Cửa Hung, Cây Gạo, Tang Bồng... sừng sững, cao vút cùng hệ thực vật cây xanh ngút mắt.

Người lớn tuổi ở làng cho biết, những ngọn lèn đó là nơi cư trú và sinh trưởng của loài voọc đen má trắng (voọc Hà Tĩnh), người làng quen gọi là loài vượn.

Cụ Nguyễn Văn Đồng (77 tuổi) kể rằng, ngày xưa, loài voọc nhiều vô kể, chúng sống yên bình, kiếm ăn và ca hót đùa nghịch trên những lèn đá.

Chúng có hàng chục đàn, mỗi đàn được dẫn dắt bởi một con đực đầu đàn chiếm cứ một ngọn lèn làm lãnh địa riêng. Loài này chỉ ăn lá cây rừng mà không ăn quả như các loài linh trưởng khác.

Chúng sống rất hiền lành và dạn dĩ với con người. Người dân ở đây ngày nào đi chăn bò, làm ruộng cũng nhìn thấy chúng.

Nhiều lúc chúng xuống sát chân lèn, ngồi trên những ngọn cây vặt lá ăn và coi chúng tôi điều khiển trâu bò, cày ruộng cả buổi xem chừng thích thú lắm. Nhưng đôi khi, chính những đàn voọc lại đánh nhau rất khủng khiếp để tranh giành lãnh thổ.

“Có lần, tôi đi chăn bò ở thung lũng giữa chân lèn Nước Lặn và Khe Đá, như mọi ngày, hai bên lèn đá vẫn vang lên những âm thanh xào xạc quen thuộc.

Tôi vẫn biết hai bên lèn đá cạnh nhau thường có 2 đàn voọc đang kiếm ăn nên không để ý lắm.

Bỗng dưng những tiếng hú inh ỏi vang lên liên hồi, tiếng cành cây răng rắc bởi những cú chuyền cành nhanh, liên tục của đàn voọc làm cả khu rừng như náo loạn.

Tôi đảo mắt nhìn về phía đó, thấy 2 đàn voọc đang lao vào đánh nhau hăng lắm. Một lúc sau, từ phía núi tôi giật mình khi nhìn thấy 2 con voọc lớn đang đuổi nhau chạy về phía mình.

Tôi chưa kịp phản ứng thì con voọc chạy trước đã lao vào ôm lấy chân tôi. Thân hình con voọc lúc đó máu me be bét, nó vừa ôm chân tôi vừa ngước đôi mắt nhìn tôi như van lơn, cầu cứu.

Cũng lúc đó, con voọc phía sau trườn tới, khựng lại vừa nhìn vừa hú vang. Khi đó tôi mới cầm cây roi trên tay xua con voọc thắng trận đi.

Một lúc sau, con voọc thua trận mới buông chân tôi ra và cúi đầu hục hục chạy về phía ngọn núi ngược đường với con voọc thắng trận…”- cụ Đồng kể lại.

Cộng đồng bảo vệ

Cũng theo cụ Đồng, ngày xưa voọc nhiều là vậy, nhưng những năm chiến tranh bom đạn tàn phá, đặc biệt là những năm gần đây, với những đồn thổi về những “thần dược” từ những bộ phận của loài linh trưởng, đàn voọc Hà Tĩnh ở Thạch Hóa và Đồng Hóa đã bị những thợ săn dùng súng, đặt bẫy tận diệt không thương tiếc.

Đã một thời gian khá dài người dân ở Thạch Hóa không còn thấy sự hiện diện của đàn voọc trên những ngọn lèn thân quen.

Từ chỗ dạn dĩ với con người, chúng đã tìm cách lẩn vào những hốc núi nhưng vẫn không thể yên thân bởi họng súng của những tay thợ săn…

Voọc Hà Tĩnh (có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm IB) trên tự nhiên có khoảng 1.500 cá thể. Nghị định 32/2006/NĐ – CP của Chính phủ cấm săn bắt, giết hại loài động vật quý hiếm này dưới mọi hình thức.

Theo ghi nhận, vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa là nơi thứ 2 ngoài Phong Nha – Kẻ Bàng phát hiện có loài voọc này sinh sống.

Từ chỗ có nguy bị tuyệt chủng, hiện nay ở Thạch Hóa và Đồng Hóa người dân ghi nhận có khoảng 20 đàn với hơn 200 cá thể đang sinh sôi nhờ sự bảo vệ của chính người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thanh Tú, một cựu binh ở làng Thạch Hóa lục lại ký ức những năm tháng tuổi thơ cùng bạn bè chăn bò bên chân núi, ông Tú nhớ lắm những hình ảnh đàn voọc thường ngồi trên lèn đá nên cất công đi tìm.

Một ngày, hai ngày và nhiều ngày sau đó, ông Tú vẫn không thấy tăm hơi đàn voọc đâu.

 

Đang tuyệt vọng thì một hôm, sau cả buổi sáng lội rừng mỏi nhừ chân, ông Tú ngả người trên một tảng đá nghỉ ngơi.

Trong lúc thả hồn theo một bản nhạc phát ra từ chiếc điện thoại di động, bất chợt ông nhìn thấy những chấm đen di động đang tiến về phía ông ngày càng gần, rất gần.

Trước mắt ông Tú là một đàn voọc gần chục con mình đen tuyền, đuôi dài, hai má trắng, đỉnh đầu có chòm lông đen hất lên.

Ông Tú reo lên vì mừng, ký ức của tuổi thơ đã trở về, không phải trong giấc mơ mà là hiện thực.

Là bộ đội biên phòng có trên 16 năm công tác ở tuyến rừng biên giới Quảng Bình, ông Tú từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm, nên ông biết đàn voọc ở quê mình mà bà con quen gọi là vượn, là voọc Hà Tĩnh - loài linh trưởng quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

Cũng từ đó, ông Tú đã đưa ra quyết tâm phải bảo vệ đàn voọc dù chẳng ai phân công ông làm điều này.


Các em học sinh thích thú được ngắm đàn voọc rõ ràng ngoài tự nhiên. Ảnh: P.P

Các em học sinh thích thú được ngắm đàn voọc rõ ràng ngoài tự nhiên. Ảnh: P.P

Những ngày luồn rừng, leo núi bảo vệ đàn voọc, ông Tú biết được ở xã Đồng Hóa có anh thợ săn khét tiếng có biệt tài bắn voọc.

Thế là ông Tú tìm gặp anh thợ săn này, đem toàn bộ kiến thức về loài voọc, giải thích rõ với người thợ săn đây là loài đặc biệt quý hiếm, có tên trong Sách đỏ, được pháp luật bảo vệ, là tài sản quốc gia, ai săn bắt chúng sẽ bị pháp luật trừng trị, đi tù chứ chẳng chơi.

Lúc đầu, người thợ săn không chịu nghe, bởi đây là nghề dễ kiếm tiền.

Thế nhưng, sau nhiều lần trò chuyện, cảm hóa, người thợ săn là anh Nguyễn Văn Hồng (xã Đồng Hóa) đã hiểu ra, không những bỏ hẳn nghề thợ săn mà còn cam kết cùng ông Tú bảo vệ đàn voọc.

Ngoài anh Hồng, ông Tú còn động viên được nhiều người khác như ông Sửu, ông Nam… vào đội cộng đồng bảo vệ voọc không công của mình.

Mở tour du lịch ngắm voọc

Sau một thời gian được bảo vệ nghiêm ngặt bởi ông Tú và tổ bảo vệ cộng đồng, đàn voọc Hà Tĩnh ở Thạch Hóa sinh sôi nhanh chóng.

Từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 con ông Tú tìm thấy ở lèn Cây Gạo năm 2012, đến nay hầu như tất cả các lèn đá ở Thạch Hóa đều có sự xuất hiện của những đàn voọc.

Từ chỗ phải xa lánh con người, bây giờ ngày nào cũng có thể nhìn thấy đàn voọc Hà Tĩnh xuất hiện bên lèn đá, sát những chân ruộng nơi họ cày bừa, chăn thả trâu bò…

Trong 2 ngày có mặt tại Thạch Hóa và Đồng Hóa mới đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến tại 5 địa điểm ngẫu nhiên cách xa nhau đồng thời xuất hiện 5 đàn voọc Hà Tĩnh với đàn thấp nhất đếm được 12 cá thể, đàn nhiều cũng lên tới 30 cá thể, trong đó có rất nhiều con nhỏ.

Chúng tôi thực sự thích thú khi thoải mái ghi hình chúng với khoảng cách chưa đến 200m, bên cạnh một thửa đất có người đang cày.

Chúng chuyền cành, ngồi vắt vẻo trên những ngọn cây vặt lá để ăn và nghỉ ngơi trên những tảng đá mà không hề tỏ ra sợ sệt con người như trước đây.

Trong khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đang đề xuất thành lập khu bảo tồn loài với diện tích hơn 110ha, nhiều người cũng nghĩ tại sao không mở một “tour du lịch” cho du khách đến đây ngắm voọc. Được biết, đề xuất này cũng đã được lãnh đạo ngành du lịch Quảng Bình chú ý.

“Tôi nghĩ nếu được như vậy thì người dân chúng tôi đã thực sự được hưởng lợi từ sự chung tay bảo vệ đàn voọc bấy lâu nay.

Tôi cam đoan khách du lịch họ sẽ rất thích thú khi đến đây để ngắm thiên nhiên tươi đẹp và từng đàn voọc quý hiếm tung mình trên những ngọn lèn…” – ông Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại