Đàn ông nên học đồng bào dân tộc điều này để "Tết không vô tâm"

Yên Hồ |

Rất nhiều thôn bản vốn áp dụng tập tục uống rượu ngày Tết, nay họ đã bỏ rượu để xóa nghèo. Trong khi, cánh đàn ông miền xuôi, thành thị vẫn chọn rượu bia làm niềm vui ngày Tết.

.Quyết tâm từ bỏ "ma men"

Bản Cu Pua ( Đắkrong, Quảng Trị) từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết dùng nước trà. Còn người H’Mong (thôn 10 , Cư Knia, Cư Jut, Đăk Nông ) từ năm 2000 đến nay, cả làng bỏ rượu.


Các cuộc vui của bản Cu Lua, rượu được thay bằng nước ngọt. Nguồn: Báo Quảng Trị

Các cuộc vui của bản Cu Lua, rượu được thay bằng nước ngọt. Nguồn: Báo Quảng Trị

Bản Cu Lua, xã Đakrong (huyện Dăkrong, Quảng Trị) cách đây khoảng hơn chục năm có 61 hộ, 278 nhân khẩu nhưng có đến 70% dân số không biết chữ, cái nghèo cái đói bủa vây. Cánh đàn ông trong bản tụm năm tụm bảy, tìm niềm vui trong rượu.

Tình trạng rượu chè triền miên của dân bản đã khiến nhiều gia đình tan nát, kinh tế gia đình vốn đã nghèo nàn, lại càng thêm kiệt quệ.

Trước tình trạng cả bản cứ quay cuồng với "ma men", tưởng chừng như hết cách cứu chữa thì già làng Hồ Ê Chuốp đã ra giới luật cấm rượu trong toàn bản. Ai không nghe theo thì cô lập và ra lệnh mọi người không giúp đỡ họ lúc tối lửa tắt đèn.

Người già làng cũng đã vận động anh Hồ Ê Nót, một trong những người nghiện rượu có tiếng trong làng từ bỏ rượu bia. A Nót đã sực tỉnh ngộ và quyết tâm cai rượu sau khi thấy đứa con khóc ngặt nghẽo vì đói. Anh cũng đã đi vận động bà con trong bản bỏ rượu.

Trong các đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia mà chỉ mời tiệc cà phê, nước ngọt. Bà con dân bản dần dần học theo anh khi chứng kiến cảnh khấm khá và hạnh phúc của gia đình anh.

Và cho đến nay từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.

Mời nhau rượu bia trước đây vốn đã trở thành nét đặc trưng của người H'mông (thôn 10, xã Cư Knia, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông). Trưởng thôn Giàng A Loan đã cũng phải “ra tay”, “ban hành” “sắc lệnh” cấm rượu bia dưới mọi hình thức.

Và trong phạm vi bản làng của mình, ông trưởng bản cho những người nghiện rượu thời gian để cai, đối với người nghiện nặng ông cho 6 tháng.

Nếu như ai tái phạm thì vui lòng dọn đi nơi khác hoặc phải nhận sự trừng phạt là sửa dọn đoạn đường xấu nhất trong bản.

Và từ năm 2000 đến nay toàn làng đã không còn ai uống rượu, thậm chí dù ra khỏi làng họ cũng không hề chạm tới chén rượu cần.

Thậm chí đến cả những người từng coi “chè chén” là cách để thể hiện bản lĩnh đàn ông cũng nói không với rượu.


Ép nhau uống để thể hiện bản lĩnh đàn ông trong lễ Tết. Ảnh: Internet

Ép nhau uống để thể hiện bản lĩnh đàn ông trong lễ Tết. Ảnh: Internet

Người thành thị vẫn "say"

Trong cái không khí ngày Tết sắp đến, nhà nhà sum vầy, anh em bà con, bạn bè lâu ngày gặp nhau tôi lại chợt rợn mình với “người bạn” rượu bia.

Phàm đã là người Việt Nam thì gặp nhau, chắc chắn không thể thiếu bia rượu. Rượu có mặt ở khắp mọi nơi.

Đám cưới rượu, đám ma rượu, đám giỗ rượu, liên hoan rượu, ký hợp đồng và làm việc nhiều khi cũng trên bàn rượu.

Lâu ngày gặp nhau rượu, ngắn ngày gặp nhau rượu, hôm qua mới gặp cũng rượu. Thậm chí lúc nãy vừa gặp nhau rượu mà vài tiếng sau gặp lại tiếp tục…rượu.

Người Việt mình có thể uống rượu bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào trong ngày.

Hằng ngày đi qua các con đường nhậu, chứng kiến các quán nhậu đang ngày càng mọc lên như nấm sau mưa không có một chiếc bàn trống, thậm chí không còn lấy một chiếc ghế trống.

Mà cái quan niệm về việc uống của người dân mình mới buồn cười. Người không uống được hoặc uống được ít nhiều khi lại trở thành “trò cười”, bị coi là thiếu “bản lĩnh đàn ông”.

Người ta chúc nhau uống, ép nhau uống, tự nguyện uống. Người ta uống hết chén này đến chén khác, hết chai này sang chai khác, hết lít này sang lít khác.

Một người say là niềm vui bất tận của người còn lại.

Mới vừa rồi tôi đọc được bài viết “Tại sao tôi không thích tết” , có nói về những ám ảnh khi chứng kiến những cái chết vì quá chén.

Trước tiên tôi phải khẳng định, tôi vẫn thích Tết, rất rất thích Tết, và tôi biết nhiều người cũng như tôi.

Tôi tin, hầu hết mọi người vẫn luôn để quê hương và tổ tiên của mình trong sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, vẫn luôn nhắc nhở mình sống văn minh và hiếu nghĩa hơn trong suốt 365 ngày mỗi năm

Tình cảm để trong lòng thì chắc ai cũng có, nhưng phải thể hiện bằng hành động mới thiết thực và ý nghĩa, và phải có cơ hội để thể hiện tình cảm đó. Nên Tết thực sự là khoảng thời gian thiêng liêng với mỗi người.

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta ăn Tết. Tôi biết, nhiều người sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để chỉ cần được đặt chân về nhà mình dịp Tết.

Không đồng tình với quan điểm không thích Tết của tác giả, nhưng tôi lại đồng tình một phần về tình trạng…quá chén.

Trong Tết Nguyên đán năm ngoái cả nước xảy ra 458 vụ tai nạn giao thông, làm 212 người chết và bị thương 481 người…

90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn, phần đông người bị nạn đều có sử dụng rượu bia và không đội mũ bảo hiểm.

(Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết về tình hình tai nạn giao thông trong dịp Tết nguyên đán 2014).

Nhưng tôi nghĩ cũng phải công bằng cho tết. Đâu phải chỉ có dịp Tết người ta mới tìm đến rượu bia? Trong những ngày bình thường, người ta có bao giờ “quên” uống rượu bia đâu?

Tôi biết Tết người ta uống nhiều hơn, uống thường xuyên hơn vì anh em lâu quá rồi mới được gặp nhau. Nhưng mọi quyết định, mọi hành động và sống thế nào đều do con người lựa chọn.

Tôi nghĩ, gốc rễ của vấn đề là do lối uống rượu bia đã quá ăn sâu, kết rễ vào con người Việt, khó thay đổi.

Và bỗng nhiên tôi ước, khi nào ở thành thị và nông thôn nước ta “văn minh” được như dân làng bản Cu Pua (huyện Đkrong, Quảng Trị) và người dân H’Mông ở thôn 10 xã Cư Knia ( huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông ) ở trên.

Nhưng hơn hết, tôi ước ở Việt Nam mình có thật nhiều già làng Hồ Ê Chuốp của bàn Cu Pua và Trưởng thôn 10 là Giàng A Loan của người H’Mông. Thật là khập khiễng cho mọi so sánh, nhưng tôi vẫn ước…

Nếu như vậy, biết đâu sau này chúng ta sẽ không còn phải đọc những bài báo hay nghe ai nói kiểu như tôi không thích tết vì bị ám ảnh bởi những cái chết quá chén.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại