Dân nghĩ sao khi cán bộ nói “dân là dân gian”?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN |

"Làm việc mà dân bu quanh thế này không được, dân là dân gian" - câu nói của một thanh tra giao thông đã khiến nhiều người dân phát sốt.

Nhiều bạn đọc TTO đã bày tỏ sự thắc mắc tại sao một người là cán bộ thanh tra có thể phát ngôn như vậy với người dân.

Cán bộ thanh tra mà nói dân vậy sao?

Nhiều bạn đọc TTO đã bày tỏ sự thắc mắc tại sao một người là cán bộ thanh tra có thể phát ngôn như vậy với người dân.

Ý kiến khác lại đặt câu hỏi: Tại sao cán bộ lại xem mình khác dân, đặt vị trí của mình trên vị trí của người dân khi hành xử, giao tiếp?

“Vậy thanh tra giao thông tỉnh Ninh Thuận từ đâu ra, không phải từ nhân dân mà ra à? Dân chỉ chứng kiến ngành giao thông làm việc chứ có mua bán gì đâu mà gian”, bạn đọc Nguyễn Lâm nêu ý kiến.

Bạn đọc Vân Ngô cho rằng phát ngôn như vậy là “coi thường người dân quá đáng” và yêu cầu “phải làm rõ sự việc để dân được an lòng”.

Có ý kiến cho rằng công chức nhà nước là những người do dân thuê làm đại diện cho dân và được người dân trả lương, sao có thể dùng lời lẽ thiếu tôn trọng như vậy được?

“Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, phải biết lắng nghe dân nói, phát ngôn phải chuẩn mực”, một bạn đọc nêu quan điểm.

Một vấn đề khác được nhiều người thắc mắc là khi người dân có phát ngôn xúc phạm tới cán bộ thì có thể bị phạt, thậm chí là đi tù, vậy khi cán bộ xúc phạm người dân thì sẽ bị xử lý ra sao?

Không thể chấp nhận

Không thể chấp nhận được việc một cán bộ thanh tra nói “dân là dân gian” là ý kiến của PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), giảng viên cao cấp Học viện Báo chí tuyên truyền.

“Nói “dân là dân gian” là xúc phạm người dân, một câu nói có tính miệt thị. Cán bộ công chức trước hết là phải tôn trọng người dân.

Việc dùng lời lẽ thiếu tôn trọng người dân không chỉ làm người dân phẫn nộ mà ngay cả những cán bộ công chức chuẩn mực khác cũng thấy bất bình”, PGS.TS Vũ Hào Quang nhận xét.

ThS Lê Minh Tiến, ĐH Mở TP.HCM, cho rằng việc phát ngôn “dân là dân gian” hoàn toàn đi ngược lại với định nghĩa người làm công vụ là những người đầy tớ của nhân dân.

“Có một sự đảo ngược vị trí giữa dân và cán bộ trong tâm thức của một số cán bộ hiện nay.

Thay vì đặt dân lên vị trí bên trên và mình là người phục vụ, nhiều cán bộ lại cho rằng mình ở vị trí cao hơn dân và khi gặp tình huống xung đột thì bộc phát những câu nói thiếu chuẩn mực.

Nếu ngay trong tiềm thức đã xác định rõ mình là người phục vụ nhân dân thì sẽ không có những lời nói như vậy”, ThS Lê Minh Tiến nói.

Theo PGS.TS Vũ Hào Quang, hiện nay, khi xã hội còn nhiều thứ chưa đi vào quy chuẩn thì người cán bộ phải là người làm gương, phong cách, lối sống, đạo đức và thái độ cư xử, giao tiếp với người dân phải hết sức chuẩn mực.

Ở một góc nhìn tương tự, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cho rằng khi cán bộ làm việc, dẫu người dân có đứng xung quanh cũng là chuyện bình thường.

“Người dân chỉ đứng xem, có hành vi gì vi phạm pháp luật hay hành hung cán bộ gì đâu mà phải phản ứng” - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nói.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng gốc gác vấn đề nằm ở chỗ coi thường người dân.

“Nhiều người có tư tưởng chỉ sợ cấp trên, không sợ dân vì người dân không bầu trực tiếp, cũng không truất được quyền của họ” - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh thẳng thắn.

Cần có sự tôn trọng hai chiều và phản hồi cho dân

ThS Lê Minh Tiến nhận định, nhìn chung người dân cũng không yêu cầu quá cao về ứng xử đối với người cán bộ, cái người dân cần chỉ là sự chuẩn mực, lịch thiệp và luôn tôn trọng, lắng nghe khi giao tiếp như trong bất kỳ mối quan hệ nào của xã hội.

“Một điều tất yếu là khi mình không tôn trọng người khác thì người khác cũng không tôn trọng mình.

Khi một cán bộ có những lời nói, ứng xử thể hiện sự không tôn trọng đối với người dân thì về lâu về dài, người dân cũng mất dần đi sự tôn trọng với người cán bộ, công chức.

Khi sự tôn trọng nhau không còn thì mối quan hệ giữa cán bộ, công chức và người dân sẽ trở nên căng thẳng và dẫn tới nhiều hệ quả khác”, ThS Lê Minh Tiến đánh giá.

PGS.TS Vũ Hào Quang cho rằng cơ quan chủ quản phải có những biện pháp xử lý, kỷ luật đối với những cán bộ có lời nói thiếu chuẩn mực trước nhân dân và trả lời cho công chúng về hình thức xử lý của mình.

“Phải có thông tin phản hồi cho người dân. Muốn có được sự tôn trọng của nhân dân, người cán bộ và các cơ quan nhà nước phải nghiêm túc và làm gương trước đã”, PGS.TS Vũ Hào Quang nói thêm.

Có vi phạm Luật cán bộ, công chức?

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo khoản 2, điều 8 Luật cán bộ, công chức quy định thì nghĩa vụ của cán bộ, công chức là “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”.

Điều 17 Luật cán bộ, công chức quy định rõ văn hóa giao tiếp với nhân dân là cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Điều 78, 79 Luật cán bộ, công chức cũng quy định các hình thức kỷ luật cán bộ công chức, nhẹ thì bị khiển trách, nặng hơn thì có thể bị cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, người dân có nóng lòng thì cũng nên giải thích cho người dân hiểu trách nhiệm của cán bộ công tác là phải xử lý đúng. Tuy mất chút thời gian nhưng điều này là cần thiết.

“Tiết kiệm một lời nói để rồi thiệt hại là không nhỏ. Mặc dù chỉ một hành vi nhưng thiệt hại lại cả danh dự, uy tín của chính người phát ngôn và của cả ngành nữa.

Điều này chắc chắn việc xử lý cán bộ vi phạm không thể không tính đến”, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại