Đài truyền hình phải công khai xin lỗi khán giả

camnhung |

Đài truyền hình là cơ quan thực hiện phóng sự và cho phát sóng thì phải công khai xin lỗi khán giả.

Mẹ con cô “Lượm” trong một buổi ghi hình.

Tóm lược nội dung sự việc:

Năm 2010, một tờ báo điện tử tổ chức cuộc thi viết về "Mối tình đầu của tôi". Tác phẩm " Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời" đã đoạt giải trong cuộc thi trên. Nội dung câu chuyện kể về cô bé bị cha mẹ bỏ rơi trên ghế đá trước trường Quốc học Huế khi vừa chào đời. Cô bé được một bà lão nhặt về nuôi, đặt tên là Lượm. Năm Lượm 15 tuổi, người mẹ nuôi mất trong trận lụt lịch sử tại Huế năm 1999. Từ đó, Lượm sống lang thang, hằng đêm ngủ vật vạ ở bến tàu, sân ga, công viên, rồi làm thuê, bán vé số. Một ngày, Lượm gặp được một người đàn ông tốt bụng, kiếm cho cô chỗ ăn ở, xin việc làm và dạy học chữ. Sau đó, người đàn ông này đi Mỹ đoàn tụ với gia đình, Lượm ở lại mới biết mình đã có thai. Đứa bé ra đời lại bị bệnh tim bẩm sinh nên Lượm phải chấp nhận làm gái bán hoa, thậm chí còn bị lừa bán ma túy và bị bắt tạm giam.

Khi giao lưu với bạn đọc trên báo điện tử, Trần Thị Thùy Dương ở Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế tự nhận mình chính là nhân vật Lượm trong câu chuyện trên.

Từ câu chuyện cảm động đó, chương trình " Người xây tổ ấm" của VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam liên hệ với Dương đề nghị thực hiện một phóng sự về cuộc đời của Lượm (phóng sự này đã được phát ngày 25/1/2011 trên VTV1). Sau khi chương trình phát sóng, nhiều khán giả cảm động trước hoàn cảnh bi đát này và có nhiều người đã gửi tiền giúp đỡ Lượm.

Tuy nhiên, chiều 3/3, một tờ báo điện tử đã đăng bức thư của Trần Thị Thùy Dương (nhân vật chính trong câu chuyện trên) xin lỗi độc giả cả nước vì đã tự dựng lên câu chuyện cảm động trên. Thực tế, cuộc đời Dương không đúng như nhân vật Lượm trong câu chuyện.

Từ câu chuyện trên, chuyên mục nêu vấn đề, trường hợp tự bịa đặt ra một câu chuyện như Trần Thị Thuỳ Dương, sau đó nhận tiền giúp đỡ của mọi người có vi phạm pháp luật không? Nếu xử lý thì xử lý như thế nào? Mời bạn đọc cùng nêu quan điểm và hướng xử lý dưới góc độ pháp lý.

Trong số báo này, ĐS&PL giới thiệu bài viết của bạn đọc Nguyễn Quốc Sử và Thanh Sơn (Quảng Nam).

ĐS&PL cũng xin kết thúc phần tranh tụng vụ việc này tại đây và mong tiếp tục nhận được các ý kiến, bài viết của bạn đọc gửi về tranh tụng ở các vụ việc tiếp theo mà chuyên mục đưa ra.

Tôi đã đọc rất nhiều lần câu chuyện "Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời" kể về số phận bất hạnh của cô bé Lượm. Một câu chuyện rất cảm động, nhưng tiếc thay tác giả của câu chuyện này đã lợi dụng sự tin yêu của Ban tổ chức cuộc thi, của những người làm chương trình "Người xây tổ ấm" để biến bản thân mình thành nhân vật Lượm, để rồi kéo theo đó là những lần lên truyền hình, những khoản tiền của những nhà hảo tâm cảm động về số phận của cô bé Lượm đã tự nguyện liên lạc tìm đến đóng góp, ủng hộ.

Đông đảo bạn đọc, những khán giả xem truyền hình đang lên tiếng chỉ trích, nhiều người trong số đó còn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý hành vi lừa dối của Dương để lấy lại niềm tin đã bị đánh cắp của các nhà hảo tâm, đồng thời răn đe những đối tượng có ý định lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để mưu lợi cho riêng mình. Những phản ứng của dư luận đối với hành vi của Dương là hoàn toàn đúng.

Theo tôi, để xảy ra việc này không chỉ trách Dương mà đáng trách hơn cả là sự thiếu cẩn trọng của những người làm chương trình "Người xây tổ ấm" đã không tìm hiểu kỹ thực hư câu chuyện trước khi phát sóng. Theo Luật báo chí, nhà đài phải phát sóng công khai xin lỗi khán giả truyền hình cả nước về sự việc phát sóng không đúng sự thật, gây dư luận xấu.


Luật quy định bắt buộc phải xin lỗi công khai

Báo chí là cơ quan ngôn luận, nên tiếng nói của báo chí có vị trí hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với truyền hình quốc gia. Nhưng thật tiếc thay, vẫn có một số trường hợp vì những lý do khách quan và chủ quan mà những thông tin (phóng sự) phát trên truyền hình lại không đúng sự thật tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Trong trường hợp này Trần Thị Thùy Dương đã mạo nhận mình là nhân vật Lượm rồi sau đó nhận tiền ủng hộ của khán giả truyền hình.

Nhưng theo tôi, để dẫn tới việc làm của Dương ảnh hưởng xấu đến những người có tấm lòng hảo tâm thì trước hết lỗi thuộc về những người làm chương trình " Người xây tổ ấm".

Luật báo chí có qui định về việc cải chính trên báo chí rất cụ thể. Theo đó, khi báo chí thông tin (đăng bài hoặc phát sóng) có nội dung sai sự thật... thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân. Trong trường hợp báo chí không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng; không đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân mà không có lý do chính đáng thì công dân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí hoặc yêu cầu Toà án xét xử.

Đài truyền hình là cơ quan thực hiện phóng sự và cho phát sóng thì phải công khai xin lỗi khán giả.

Theo Đời sống Pháp luật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại