Không có điều luật nào cho phép kinh doanh theo kiểu phân biệt!
Như tin đã đưa, gần đây ở Đà Nẵng xuất hiện showroom H.A Cao su thiên nhiên (thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch An Dân, số 148 Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ) chỉ cho khách Trung Quốc vào, shop Sao Đại Hàn (nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, thuộc Công ty TNHH MTV Sao Đại Hàn) chỉ tiếp khách Hàn Quốc, và cả hai đều cấm cửa đối với khách Việt Nam.
Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Đà Nẵng) cho rằng, việc lựa chọn đối tượng khách hàng là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhưng theo quy định của Luật DN và Luật Thương mại thì không được trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn nói rõ thêm: “DN có thể có phương án kinh doanh khác nhau nhưng không có điều luật nào cho phép kinh doanh theo kiểu phân biệt, chỉ bán cho người Trung Quốc, Hàn Quốc mà không bán cho người Việt.
Về nguyên tắc, trên lãnh thổ Việt Nam thì không được làm chuyện đó, trừ những cái Chính phủ có quy định cấm, ví dụ không cho phép người Việt Nam vào casino!”.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Đội trưởng Đội QLTT số 4 (Chi cục QLTT Đà Nẵng) cũng nêu rõ, DN có nghĩa vụ đối xử bình đẳng với mọi khách hàng vì quyền được đối xử bình đẳng của khách hàng đã được luật pháp bảo hộ.
Đặc biệt, DN nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam thì không được phép tạo ra “ốc đảo” ngay trên lãnh thổ Việt Nam cho riêng khách hàng của nước họ mà từ chối các khách hàng khác.
“Cấm cửa khách Việt vì muốn phục vụ tốt hơn cho khách đoàn”?
Vì những lẽ đó, sáng 23/12, chỉ vài giờ sau khi báo Infonet đăng bài “Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách Trung Quốc!”, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã chỉ đạo Đội QLTT số 9 tiến hành kiểm tra tại showroom H.A Cao su thiên nhiên.
Chiều cùng ngày, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã có báo cáo cho Thường trực Thành ủy, UBND TP và Sở Công thương Đà Nẵng.
Theo đó, bà Nguyễn Hoàng Phú Yên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân trình bày, do showroom H.A Cao su thiên nhiên mới mở (từ ngày 5/12), chưa có sự nhất quán của tập thể nhân viên nên mới để xảy ra tình trạng trên.
Tổ kiểm tra yêu cầu Giám đốc Công ty phải mở cửa đón tất cả các khách hàng đến tham quan, mua sắm chứ không được chỉ đón khách người nước ngoài. Bà Nguyễn Hoàng Phú Yên cũng đã có văn bản cam kết thực hiện đúng điều này.
Trước đó, trong quá trình kiểm tra, ông Hoàng Châu Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho hay, trả lời vì sao cấm cửa khách Việt, bà Nguyễn Hoàng Phú Yên cho rằng “vì muốn phục vụ tốt hơn cho khách đoàn (Trung Quốc – PV), chứ sợ cho khách lẻ vô, không đủ người phục vụ sẽ mất uy tín” (!?).
Chúng tôi hỏi: “Ông có tin lời họ nói không? Chẳng lẽ muốn phục vụ tốt hơn thì họ chỉ phục vụ khách Trung Quốc mà cấm cửa khách Việt Nam hay sao?”.
Ông Hoàng Châu Phương trả lời: “Đó là cách nói của họ. Họ nói xong là tôi nói luôn, ngay sau buổi kiểm tra này, Công ty phải mở cửa liên tục, không được cấm khách này, khách kia vì giấy phép kinh doanh của họ cũng bình thường chứ không phải chỉ phục vụ khách đoàn.
Khi có khách đoàn thì Công ty có thể đặt bảng trước cổng showroom, thông báo đang phục vụ khách đoàn từ mấy giờ đến mấy giờ, sau đó thì phải gỡ bỏ thông báo cho mọi đối tượng khách vào tham quan, mua sắm!”.
Cam kết mở cửa cho mọi đối tượng khách hàng
Chiều cùng ngày, ngay sau khi báo Infonet đăng bài “Đà Nẵng: Thêm cửa hàng lưu niệm chỉ đón khách Hàn Quốc, không tiếp người Việt”, Chi cục QLTT Đà Nẵng cũng chỉ đạo Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra tại shop Sao Đại Hàn.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sao Đại Hàn thừa nhận tình trạng như Infonet phản ảnh là có thật tại shop này.
Họ cũng cam kết từ này sẽ mở cửa đón tiếp mọi đối tượng khách hàng chứ không chỉ riêng khách Hàn Quốc và cho biết sẽ có văn bản gửi các cơ quan chức năng quận Sơn Trà để khẳng định sự cam kết này!
Ông Lâm Quốc Cường, Đội phó Đội QLTT số 4 chỉ rõ, riêng việc chỉ ghi tiếng Hàn mà không có tiếng Việt trong các bảng niêm yết giá đã cho thấy shop Sao Đại Hàn chủ trương chỉ phục vụ khách Hàn Quốc.
Do vậy, ông yêu cầu shop này phải ghi rõ tiếng Việt trong các bảng niêm yết giá.
Đồng thời có sự thay đổi để từ bên ngoài người dân và các lực lượng chức năng có thể dễ dàng quan sát thấy hoạt động mua bán hàng lưu niệm bên trong, không để tồn tại tình trạng “bịt bùng” như hiện nay sẽ dễ gây ngộ nhận!
Qua kiểm tra ngày 23/12, lực lượng QLTT còn phát hiện và xử phạt nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh của hai cơ sở nêu trên.
Theo đó, tại showroom H.A Cao su thiên nhiên, Đội QLTT số 9 phát hiện Công ty Tuệ Dân nhập khẩu các sản phẩm cao su (nệm, gối,...) có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Đồng thời nhập khẩu các sản phẩm cao su nhưng chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 401 triệu đồng. Tổ kiểm tra đã lập biên bản về 02 hành vi nêu trên để tiến hành xử phạt theo quy định.
Tại shop Sao Đại Hàn, Đội QLTT số 4 phát hiện một số mặt hàng như quả nhau khô, cá khô, quế, mè, lá mãng cầu khô, hạt sen, hạt điều…có nhãn hàng hóa nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định như hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản…
Trị giá tang vật vi phạm là 26 triệu đồng.
Bên cạnh đó, shop Sao Đại Hàn niêm yết giá không rõ ràng, chỉ toàn tiếng Hàn mà không có tiếng Việt, gây nhầm lẫn cho khách hàng, niêm yết quy đổi đồng USD trái quy định. Đội QLTT số 4 đã lập biên bản xử phạt shop Sao Đại Hàn 4,8 triệu đồng.