Trao đổi với báo chí, GS.TSKH. Lê Đức An, nguyên cán bộ Viện Địa lý – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng nghi vấn thiên thạch "oanh tạc” Hà Nội là nghi vấn “đáng trân trọng” và "cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ”.
GS.TSKH. Lê Đức An cho biết: “Tôi đã nhiều năm nghiên cứu về "Tectit",
mà theo tôi là một dạng thiên thạch (có người cho rằng đó là đá sinh ra
do va chạm của thiên thạch với vỏ Trái đất).
Tectit phân bố rất rộng rãi ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, cho đến Úc. Chúng tôi chưa tìm thấy phễu (hố tròn kích thước khác nhau) va chạm tại Việt Nam, tuy nhiên quanh Hà Nội tôi đã gặp nhiều tectit”.
“Tôi chưa có khảo sát trực tiếp các "dấu chân ngựa Gióng" nên rất khó để nói rằng đồng tình, nghi ngờ hay phản đối. Tuy nhiên theo tôi, nghi vấn của KS Tùng rất đáng trân trọng và cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ”.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy "dấu chân ngựa Gióng" là những hố đủ kích cỡ nằm khắp nơi
Để có thể có đủ căn cứ khẳng định “dấu chân ngựa Gióng” là vết tích thiên thạch, GS.TSKH. Lê Đức An cho rằng cần phải đào các hố đó lên, sàng lọc như đãi vàng qua đó tìm bằng chứng xác thực. “Căn cứ quan trọng nhất là tìm được chính thiên thạch tại đó”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, GS.TSKH. Lê Đức An cũng cho biết một giả thuyết khác về những “dấu chân ngựa Gióng”: “Như tôi đã từng đọc tài liệu, các dấu vết đó là một hệ thống ao chuôm thủy lợi cổ trên vùng đất bạc màu, từ chân núi Sóc đến vùng thềm phù sa cổ. Điều này được ghi trong sách Việt Nam cái nhìn địa-văn hóa của cố GS. Trần Quốc Vượng”.
Thiên thạch do người Pháp tìm thấy ở Hội An-Quảng Nam năm 1941 đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Địa chất-Hà Nội
Cũng theo GS.TSKH. Lê Đức An, nếu chứng minh được nghi vấn về thiên thạch từng rơi nhiều tại Hà Nội thì cũng cần lường trước đến tình huống mọi người đổ xô đào bới kiếm thiên thạch vì giá trị của nó có nhiều đồn thổi.
“Tectit đã được thu nhặt rất nhiều để làm đồ trang sức mà có bày bán ở nhiều nơi. Nếu thật sự có thiên thạch việc đào bới là có thể xảy ra. Tuy nhiên theo tôi, quy mô sẽ không lớn như kiểu khai thác vàng trái phép đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.
Ở vùng đồi núi nếu có thiên thạch, chúng chủ yếu phân bố trong các lớp đất gần trên mặt, hoặc lộ ngay trên mặt. Ở đồng bằng chúng nằm sâu trong các lớp đất và rất khó tìm”.
“Mặt khác, thiên thạch cũng như đá quý, có loại giá trị cao, loại giá trị thấp. Trong tay tôi có một số tectit rất rẻ, ai thích thì tôi sẵn sang cho vài viên”, GS.TSKH. Lê Đức An nhấn mạnh.