Đã chọn được tượng xây tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa

Hoàng Đan |

Trải qua nhiều tháng, vượt qua hàng loạt các đồ án khác, “Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng” đã được chọn để xây dựng, nhằm tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa.

Hy vọng về Hoàng Sa

Sáng 20/12, Ban tổ chức cuộc thi phương án thiết kế "khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa" đã công bố chính thức kết quả cuộc thi sau nhiều tháng được khởi động.

Qua 2 vòng chấm sơ khảo, Hội đồng thẩm định đã tuyển chọn được 4/21 đồ án để triển lãm, trưng bày gồm:

Đồ án mã số TA8700 của Công ty Thiết kế Kiến trúc và Cảnh quan Thuỷ Anh với chủ đề: “Vọng Hoàng Sa”. Đồ án mã số VT – 2015 của Công ty CP Thiết kế đầu tư BĐS Việt Tín với chủ đề “Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng”.

Đồ án mã số HS0015 của Công ty Tư vấn Thiết kế KTS với chủ đề “Hành trình ký ức”. Đồ án mã số MT07 của Công ty Tư vấn Thiết kế TAD với chủ đề: “Quá khứ bi tráng – Lồng lộng tương lai”.

Sau khi theo dõi phần trình bày của các tác giả, trên cơ sở góp ý của nhân dân, cán bộ, bạn đọc..., Hội đồng thẩm định đã phân tích, đánh giá và thống nhất chọn đồ án với chủ đề “Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng”.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt nam, việc lựa chọn đồ án này thể hiện sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức, đảm bảo tính khả thi, bền vững, đạt giá trị giáo dục lịch sử và thẩm mỹ cao.

Đồng thời, theo ông Vạn, sau khi được chọn các tác giả vẫn cần tiếp tục hoàn thiện tác phẩm theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định.

Cụ thể, về chiều cao cũng như quy mô của công trình sẽ được tiết giảm bớt để tiết kiệm kinh phí, nhưng vẫn mang giá trị giáo dục, lịch sử.

Còn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, việc Hội đồng lựa chọn lựa tác phẩm này đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn, địa điểm xây dựng.


Ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại buổi lễ công bố.

Ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại buổi lễ công bố.

"Tổ tiên của chúng ta phát hiện, xác lập chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Từ thời Nguyễn, các đội hùng binh Hoàng Sa đã tiến hành bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Đến thời Pháp đã xây dựng ngọn hải đăng.

Người mẹ thắp lửa nhìn ra Biển Đông để chờ đợi chồng con của mình. Người mẹ nhìn ra Biển Đông để chờ đợi, hy vọng những niềm tin.

Cho nên, người mẹ thắp lửa nhìn ra Biển Đông mong chờ mang nhiều ý nghĩa và công trình này được Hội đồng chọn, chúng tôi cũng đồng tình và đánh giá rất cao", ông Tùng nói.

Bức tượng Người mẹ thắp lửa.
Bức tượng Người mẹ thắp lửa.

"Tôi vui vì đã làm được một điều ý nghĩa với Hoàng Sa"

Trao đổi với chúng tôi sau khi nhận được thông báo công trình được chọn, KTS Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư bất động sản Việt Tín đã bày tỏ sự xúc động, vui mừng vì đã làm được một điều có ý nghĩa với Hoàng Sa.

"Tôi vui vì đã làm được một điều ý nghĩa, tâm nguyện với Hoàng Sa của mình đã thành hiện thực.

Nhưng cũng buồn vì tôi xem kỹ những đề án của các bạn dự thi cùng trong vòng chung kết đều rất đẹp, rất hay, tuy nhiên, chưa đồng hành được với đảo Lý Sơn và Hoàng Sa lần này", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cũng cho hay, ý tưởng của công trình được ông xây dựng sau chuyến ra đảo Lý Sơn, gặp trực tiếp những người dân ở đó rất hồn nhiên, nồng hậu nhưng nghe kể chuyện thì "cảm động rớt nước mắt".

Tác giả trình bày về đồ án trước Hội đồng thẩm định.
Tác giả trình bày về đồ án trước Hội đồng thẩm định.

"Ở đây, có những dòng họ được vua ban, lập ra những đền thờ để thờ, phong tục như lễ tế, vọng người lính Hoàng Sa mà đây là vùng biển đảo rất hiểm trở mà từ hàng trăm năm trước khi ra đi, có nhiều người không trở về.

Khi tôi ra bờ kè thì thấy hình ảnh của những người phụ nữ Lý Sơn ngóng đợi. Biển trước đây có sóng dữ nhưng giờ có giặc nên bất kể lúc nào ra đánh bắt cũng có nguy cơ bị chết, xâm phạm về tài sản, đánh đập, bắt bớ.

Người dân hàng trăm năm qua vẫn bám vùng biển đó để mưu sinh, nhưng giờ đây khi Trung Quốc đã chiếm thì chỗ núp bão không có, ra đó, thường xuyên bị đánh, cấm, tịch thu.

Tôi nhìn hình ảnh những người vợ mỗi lần tiễn, chờ người chồng, con ra khơi rất xúc động và từ đó, tôi nghĩ đến hình tượng này", ông Dũng bày tỏ.

Theo ông Dũng, tới đây, tác phẩm của ông sẽ tiếp tục được chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu của Hội đồng thẩm định và quá trình thi công.

"Nếu các điều kiện cho phép, thì chỉ trong 2 tháng, chúng tôi có thể thi công xong công trình để đảm bảo việc tưởng niệm các nghĩa sỹ Hoàng Sa", ông Dũng nhấn mạnh.

Hoàng Sa là quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong lịch sử, quần đảo Hoàng Sa còn có tên gọi là “Bãi cát vàng”.

Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác.

Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2, có vị trí quan trọng nhất trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam.

Để tỏ lòng thành kính và biết ơn những người con Đất Việt đã nằm lại bảo vệ Hoàng Sa - chủ quyền thiên liêng của Tổ quốc, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng “Khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa”.

Diện tích đất khoảng 1,5 – 2 ha tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ban Tổ chức cuộc thi, Ban Chỉ đạo và Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định tổ chức Lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa vào lúc 10h ngày 11/1/2016 tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại