Nhắn vợ đừng đợi cơm, thỉnh thoảng tặng những tin nhắn tình tứ cho vợ, sử dụng mạng xã hội, gửi email…, nhưng ít ai ngờ, người thực hiện những việc đó lại là một người mù, ông Trường.
Gần như những khoảng cách giao tiếp với công nghệ thông tin đối với ông đã bị xóa bỏ. Nhiều người ngoài phố nhìn ông ngạc nhiên rằng sao lại có một người mù “nhắn tin nhoay nhoáy” thế!
Một câu chuyện đặc biệt với một con người đặc biệt…
Cú tai nạn và vượt lên cái chết
Năm 1993, bất ngờ một tai họa ập đến khiến ông Trường, một sỹ quan công an phòng Điều tra xét hỏi (CA tỉnh Lâm Đồng) bị mù cả hai mắt.
Ông vẫn không thể quên cái ngày đau buồn ấy khi nhắc lại: “Đang trực ca Tết, tôi thấy mệt nên đi khám. Bác sỹ nói tôi bị sốt nên kê thuốc cho uống. Thế nhưng càng dùng thuốc tôi càng bị sốt cao, có triệu chứng bỏng toàn thân và hôn mê”.
Sau đó, ông được vợ con đưa đến các bệnh viện ở Đà Lạt và TP.HCM để chữa trị. Sau 28 ngày chữa bệnh, ông tỉnh dậy, thấy người khỏe ra nhưng đôi mắt cứ mờ dần.
Gia đình, người thân tiếp tục chuyển ông đến Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) để điều trị. Dù được các bác sỹ tận tâm, chữa trị, nỗ lực suốt 5 năm trời, ông Trường phải về nhà với đôi mắt mù lòa.
Những ước mơ của người đàn ông trụ cột gia đình, lo cho con ăn học tốt hơn, giúp vợ đỡ vất vả hơn gần như tạm tan biến. Mỗi ngày trôi qua, ông đau đớn nằm nép mình ở một góc, không muốn tiếp xúc với ai.
Trong những lúc tuyệt vọng, nhiều lần ông từng nghĩ đến cái chết. Lúc đó, người ông nghĩ đến nhiều nhất, và thương nhất, là vợ ông.
5 năm chữa trị cho chồng, một mình vợ ông phải làm việc gấp đôi, buôn bán, làm thuê để kiếm tiền nuổi hai đứa con còn nhỏ và lo tiền chạy chữa cho chồng.
Ông Trường có thể tự dùng điện thoại di động, máy tính để đánh văn bản, truy cập internet cập nhật thông tin
Việc đầu tiên ông làm là xóa đi trong mình những suy nghĩ tiêu cực. Việc tiếp theo là nghĩ cách tự chăm sóc bản thân và làm tất cả mọi việc liên quan đến mình để vợ con không phải bận tâm nhiều.
Và sau đó, ông làm một số công việc vặt như rửa chén bát, đóng bàn ghế... phụ giúp vợ. Những công việc đỡ đần dù rất nhỏ đã mang đến tiếng cười nhiều hơn trong tổ ấm của ông.
Một lần, vào năm 2000, ông nghe đài nói về chương trình học chữ nổi braille, sẽ giúp người mù “tìm được ánh sáng”, ông vui vẻ nói cho vợ biết và bắt đầu một hành trình quyết tâm trong cuộc đời.
Song song với việc đó, ông cùng vài người bạn cùng cảnh ngộ mù lòa xin gia nhập Hội Khuyết tật Đà Lạt để sinh hoạt và học tập kinh nghiệm từ những người khuyết tật.
Tại lớp học, ông tranh thủ từng phút để học chữ nổi. Lớp học này cũng dạy cách sử dụng máy tính, định hướng sử dụng công nghệ cho những người mù.
Nghị lực được chắp cánh khi ông được một Việt kiều khiếm thị tặng ông chiếc máy tính dành cho người mù. Ông mày mò tìm tòi học hỏi đẻ tự mình tìm cho mình “con đường sáng”.
Năm 2001, tỉnh Lâm Đồng cho phép lập ra Ban vận động thành lập Hội người mù, ông đã chủ động cùng số người mù xuống khắp các huyện trong tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người khiếm thị ở địa phương.
Tháng 4-2003, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập Hội người mù, ông Trường được bầu làm chủ tịch Hội. Thành lập hội với 7 triệu đồng trong tay, một nhà hảo tâm đã cho Hội mượn tạm ngôi nhà gỗ trên đường Sương Nguyệt Ánh.
Sau khi có chỗ làm việc, việc đầu tiên của ông Trường là dạy chữ nổi braille, xóa mù chữ và tổ chức dạy nghề cho hơn 40 người khiếm thị, bằng chiếc máy tính mà người bạn Việt kiều khiếm thị tặng ông.
Ông trở thành người “truyền ánh sáng” cho những người cùng cảnh. Với người mù, việc học máy tính không đơn giản. Nhưng, ông đã tận tình giúp đỡ anh em.
Ông bộc bạch: “Mới đầu tôi làm quen với các thao tác đơn giản như tắt mở máy, học thuộc các vị trí bàn phím. Sau đó mới tập đánh thư ngỏ, văn bản, truy cập mạng...”.
Sau 3 tháng học hỏi mày mò, nhờ phần mềm trình duyệt đọc màn hình (đọc cho người mù nghe những thao tác mình đang thực hiện), những “học trò” của ông Trường đã biết cách sử dụng máy tính.
Sau khi có thể tự mình thao tác trên máy tính như một người bình thường, năm 2006, ông Trường đoạt giải thưởng trong cuộc thi "Ngày sáng tạo Việt Nam" với đề tài "Dạy vi tính cho trẻ em và thanh thiếu niên mù", do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Tiền thưởng dành cho ông là 136 triệu đồng, ông đã dùng số tiền này, mua 8 dàn máy vi tính phục vụ cho công tác đào tạo cho những người mù trong tỉnh.
Có máy tính, Hội Người mù đã kết hợp với trung tâm dạy tin học trường Đại học Đà Lạt để đào tạo cho một số thành viên trong Hội. Khóa học thành công, Hội chính thức mở lớp học vi tính cho người mù.
Tiếp tục học luật và giấc mơ được… cãi
Lúc ông Trường gặp tai họa sức khỏe dẫn đến việc hỏng mắt, ông đang theo học tại chức tại Đại học Luật Hà Nội. Ông phải nghỉ học nửa chừng, thoe diện bảo lưu kết quả.
Bao năm trôi qua, khát vọng học tiếp ngành mình đã chọn vẫn hối thúc ông. Để rồi một ngày, khi sử dụng thành thạo máy tính, ông quyết đến trường luật để hoàn tất chương trình học còn dang dở.
Nhà trường tỏ ra ái ngại và đã nói lời từ chối. Không chịu khuất phục, tháng 8-2005, ông quyết định trực tiếp gặp Ban giám hiệu trường Đại học Luật Hà Nội để trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng.
Thấy được sự quyết tâm của ông, các thầy cô giáo và Ban giám hiệu rất xúc động, nhưng vẫn cứ một cử chỉ lắc đầu.
“Bị nhà trường từ chối, tôi liền lấy máy vi tính ra đánh thư ngỏ để chứng minh năng lực của mình. Lúc đó ai cũng bất ngờ, khâm phục nhưng họ bảo phải xin ý kiến của Bộ Tư pháp.
Dẫu biết rằng cơ hội là mỏng manh, nhưng tôi vẫn hi vọng”, ông nhớ lại.
Và rồi, Bộ Tư pháp đồng ý, ông tiếp tục trở lại trường. Ở khóa học ấy, ông là sinh viên duy nhất ngồi gõ máy tính những nội dung giáo viên giảng. Các đợt thi cuối kỳ, ông cũng dùng máy tính gõ bài thi và in ra nộp cho giám thị.
Điều kỳ diệu, kết quả của những kỳ thi ông đều là người có điểm cao nhất nhì trong lớp. Tấm bằng cử nhân luật cũng đến trên tay ông trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của bạn bè, thầy cô.
Tuy nhiên, cử nhân luật đặc biệt này đã gặp không ít khó khăn trong vấn đề xin việc làm. Nên giấc mơ một ngày ra trước tòa thực hiện giấc mơ đồng hành với công lý của ông, vẫn còn chưa chạm tới.