Cuộc hành trình của tờ lệnh thiêng (Kỳ 2): Bí mật ẩn sau những con chữ

Bích Trâm |

(Soha.vn) - Sau quá trình giải mã, các nhà chuyên môn xác định đây là một tờ lệnh của triều đình vua Minh Mạng, được ban vào ngày 15/4 âm lịch, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1835).

Sự thật được sáng tỏ

Nếu theo quy ước của họ Đặng (20 năm mới được mở rương một lần ) thì đến năm 2019

trưởng tộc mới được mở sắc chỉ. Thế nhưng vào năm 2009, tuy mới được một nửa thời hạn, thì nghe rộ lên chuyện về chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa .

Tuy không biết chữ Hán, nhưng ông Lên linh cảm rằng tài liệu nằm trong chiếc rương của dòng họ Đặng mà mình đang giữ, có liên quan đến sự việc trên. Vì thế sau khi bàn bạc với mọi người trong dòng họ, ông Lên quyết định tổ chức làm lễ xin mở và in ra một số bản phụ.

Đồng thời giao cho anh Thành mang một bản mang đến Sở VH-TT& DL tỉnh để nhờ người có kiến thức, am hiểu xem xét. 

Tờ lệnh mà gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 175 năm qua.

TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, người tiếp nhận tờ lệnh này, nhớ lại: "Khi đó tôi đang dự họp thì nghe Thành gọi điện nói có tài liệu quan trọng mà dòng họ Đặng cất giữ từ mấy đời nay, có thể liên quan đến Hoàng Sa nên nhờ xem giúp.

Do trước đó trong quá trình nhiều lần tìm hiểu tại Lý Sơn, chúng tôi có nghe nói gia tộc họ Đặng còn cất giữ nhiều tư liệu cổ có giá trị nên cũng đã tiếp cận, nhưng bị người đại diện dòng họ từ chối. Vì vậy ngay khi nhận được cuộc điện thoại này, tôi đã bỏ cuộc họp để gặp anh Thành."

Sau khi nhận văn bản photo từ tay anh Thành, TS Vũ liền tìm đến những người bạn biết chữ Nho để cùng giải mã.

Theo đó xác định đây là một tờ lệnh của triều đình vua Minh Mạng, được ban vào ngày 15/4 âm lịch, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1835), với nội dung phái một đội thuyền gồm ba chiếc với 24 lính thủy Lý Sơn đi thu lượm sản vật ở Hoàng Sa, đo đạc và vẽ bản đồ...

Tờ lệnh còn ghi rõ tên tuổi, nhiệm vụ những người tham gia chuyến này như: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền; giao Đặng Văn Siểm (bậc tiền nhân gia tộc họ Đặng) lo kham việc đà công (người dẫn đường); giao Võ Văn Công phụ trách lương thảo; cách tổ chức binh thuyền thành hải đội; thời gian ra khơi...”

Cuộc hành trình đưa báu vật về đất liền

"Khi biết ý nghĩa to lớn và quý giá của tờ lệnh như vậy nên sau khi họp bàn, ngày 9/4/2009, gia tộc họ Đặng đã thống nhất hiến tặng bản sắc chỉ cho Nhà nước", ông Lên tâm sự.

Ngày đưa tờ lệnh vào đất liền, gia tộc họ Đặng đã tổ chức một lễ cúng trang nghiêm ở nhà thờ tộc. Không chỉ có hậu duệ dòng họ Đặng đi làm ăn xa tận Tây Nguyên cũng thu xếp về mà còn có hàng trăm người dân đất đảo cũng đến xem và tiễn đưa tờ lệnh.

TS Vũ kể: "Tờ lệnh có ý nghĩa vô cùng đặc biệt nên để đảm bảo vận chuyển an toàn về đất liền và chuyển giao cho Chính phủ, Sở VH-TT&DL đã đề nghị huy động lực lượng công an huyện, tỉnh tham gia bảo vệ và áp tải."

Theo đó tờ lệnh được cất trong một chiếc cặp kim loại chuyên dụng và niêm phong rồi khóa dính vào tay của một cán bộ công an. Trong suốt cuộc hành trình từ khi tiếp nhận từ gia tộc họ Đặng, lên tàu cho đến khi về tới trụ sở của tỉnh, tờ lệnh luôn được đông đảo lực lượng công an bảo vệ.

Sau khi tiếp nhận từ tay của tộc họ Đặng ở Lý Sơn, ngay trong tháng 4 năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao lại tài liệu trên cho đại diện Bộ Ngoại giao. 

Đại diện Bộ Ngoại giao, Sở VT-TT&DL tỉnh (bên phải) trao tặng Bằng khen cho đại diện họ Đặng

Tuy chỉ vẻn vẹn có 4 trang nhưng với những thông tin quý đã ghi, tờ lệnh góp thêm một bằng chứng chứng minh rằng Hoàng Sa thuộc phạm vi cai quản của Việt Nam.

Ngoài ra tờ lệnh còn nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa. Theo đó không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn có người dân ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.

Với những đóng góp đó, ngoài khen thưởng của UBND huyện, tỉnh và các sở ngành Quảng Ngãi, vừa qua Bộ Ngoại giao cũng đã trao tặng Bằng khen cho Gia tộc họ Đặng, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn vì có những đóng góp trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại