Cụ già đặc biệt mỗi ngày đạp xe 5km đến núi Ấn

Hoàng Đan |

Đã hơn 80 tuổi nhưng mỗi ngày ông Tạo đều đạp xe gần 5km đến núi Ấn để giới thiệu về di tích lịch sử này cũng như kể tiểu sử của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Hướng dẫn viên già nhất Việt Nam

Được nghe giới hướng dẫn viên du lịch kể nhiều nhưng mãi dịp gần đây, trong một chuyến ghé vào Quảng Ngãi, chúng tôi mới có dịp được đến gặp, trò chuyện với người hướng dẫn viên du lịch già nhất Việt Nam tại khu lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Con đường từ chân lên đỉnh núi Ấn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) - nơi ngôi mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng yên nghỉ dài khoảng 2.000m, uốn lượn và khá quanh co.

Mộ cụ Huỳnh nằm phía Tây của núi, cách cổng tam quan chùa Thiên Ấn khoảng hơn 100m, được bao bọc bởi cây cối và hướng mặt ra dòng sông Trà Khúc.

Khuôn viên mộ thoáng rộng, nền được lát đá phẳng phiu, bên mộ là hai hàng cây đại lớn.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Tạo, người hướng dẫn viên du lịch già nhất tại đây. Khi thấy chúng tôi đang ngồi nghỉ dưới tán cây trong khuôn viên, cụ bước nhanh ra và nở nụ cười tươi chào đón.

Cụ Nguyễn Tạo trong khuôn viên của khu mộ nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Cụ Nguyễn Tạo trong khuôn viên của khu mộ nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Dù đã ở tuổi 83 nhưng cụ Tạo vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Khi chúng tôi hỏi về danh hiệu người hướng dẫn viên du lịch già nhất Việt Nam, cụ cười và cho biết, đó chỉ là do một số người yêu mến tự đặt cho còn không có sự công nhận thực tế nào.

Theo lời kể của cụ Tạo thì cụ đã lên chăm nom và làm hướng dẫn viên cho khách tham quan mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng hơn 4 năm nay.

Nắng cũng như mưa, mỗi ngày cụ đều đạp xe gần 5km từ nhà đến chân núi Ấn, rồi leo gần 2km đường dốc lên núi để giới thiệu về di tích lịch sử núi Ấn sông Trà, giới thiệu chùa Thiên Ấn và kể tiểu sử của cụ Huỳnh Thúc Kháng cho mọi người cùng nghe.

"Từ khi còn là cậu học trò, tôi đã được thầy cô giáo kể nhiều chuyện về chí khí, tấm lòng trung kiên với nước với dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và những câu chuyện về núi Ấn sông Trà.

Những câu chuyện ấy theo tôi suốt thời niên thiếu đến bây giờ. Đến Tết năm 2011, tôi lên núi Ấn thăm mộ cụ Huỳnh và thắp hương khấn nguyện cụ cho phép hàng ngày lên đây chăm nom, quét dọn, hương khói cho cụ", cụ Tạo kể.

Cũng theo cụ Tạo, ban đầu khi biết bố lên đây, mấy người con nói rất dữ, nhưng cụ thì cứ bảo với con là lên trên hóng mát thôi chứ có làm gì đâu.

"Mới đầu lên thì tôi chủ yếu dọn dẹp phần mộ của cụ Huỳnh nhưng vài ngày sau thấy nhiều đoàn khách lên thăm viếng tỏ ra luýnh quýnh khi chỉ biết kiến thức về cụ Huỳnh xoay quanh những thông tin trên bia mộ.

Trong một lần tôi bèn đánh liều lại nói chuyện và giới thiệu với du khách bằng kiến thức mình có được. Ban đầu cũng run lắm, những bây giờ thì quen rồi", cụ Tạo chia sẻ.

Và kể từ đó, người dân địa phương cũng như khách tham quan hàng ngày thấy một cụ già râu tóc bạc, đạp xe đạp mang theo bó nhang, chiếc võng, gói cơm, chai nước

Và kèm theo đó là là vài cuốn sách viết về núi Ấn sông Trà, về cụ Huỳnh cũng như chùa Thiên Ấn để thượng sơn tự nguyện hướng dẫn khách tham quan.

Cụ Tạo đang hướng dẫn cho khách du lịch thăm quan khu lăng mộ.
Cụ Tạo đang hướng dẫn cho khách du lịch thăm quan khu lăng mộ.

"Lúc đầu, mới lên đây, tôi đi không quen nên mệt lắm, nhưng riết rồi thành quen, lên đây hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng vang lên mỗi ngày cảm thấy lòng mình thanh tịnh hơn", cụ Tạo nói.

"Truyền lửa" cho thế hệ trẻ

Khi đang trò chuyện với chúng tôi thì có một đoàn khách đến, vậy là cụ lại nhanh chóng thắp nhang rồi hướng dẫn mọi người cắm nhang.

Chờ mọi người tập hợp lại đầy đủ, ông lại bắt đầu giới thiệu, kể lại những câu chuyện về cụ Huỳnh, về địa danh núi Ấn, sông Trà, rất ngắn gọn, súc tích mà ông đã cất công sưu tầm được.

Nghe những lời ông giới thiệu: "Thưa quý anh quý chị, giờ, cho tôi xin phép vài phút được chia sẻ đôi điều về thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng..." chẳng khác gì một hướng dẫn viên du lịch thực sự với phông nền kiến thức rất vững chắc.

Trong bài nói một hơi dài 10 phút của cụ Tạo đã khiến các thành viên trong đoàn khác, thậm chí có cả người ở Quảng Ngãi đều phải khâm phục về trí nhớ, sự minh mẫn và tài dẫn dắt câu chuyện của "người hướng dẫn viên du lịch già nhất Việt Nam" này.

Khi đoàn khách trở ra, trả lời câu hỏi của chúng tôi, cụ Tạo nhấn mạnh, dù mệt nhưng cụ rất vui vì có những người vẫn muốn tìm hiểu thêm về sự nghiệp của cụ Huỳnh.

Và cụ kể thêm, có những ngày không kịp ăn trưa, tối thì đến 7 hoặc 8 giờ mới về tới nhà bởi khách quá đông, lại thích cụ nói chuyện, về tới nhà là nằm vật ra, cổ họng rát bỏng, tay chân bủn rủn.

Nhưng rồi, niềm vui đã vực cụ dậy. Sáng hôm sau lại đúng 7 giờ 30 là cụ có mặt tại khu mộ.

"Nhiều người bảo tôi là hâm, già rồi không yên phận mà thích làm những việc nổi, nhưng tôi mặc kệ, mình biết gì thì nói cho lớp trẻ biết, để các cháu không quên sử nhà, không làm điều sai trái thì hâm mấy cũng được hết đó”, cụ Tạo tâm sự.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cũng khẳng định, việc làm của cụ Tạo là vô cùng có ích, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cụ vẫn ngày ngày đạp xe lên núi Thiên Ấn làm những điều mà ít ai làm được.

Nhờ có cụ Tạo mà ngôi mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng bao giờ cũng được lâu chùi sạch sẽ. Lẽ ra đây là công việc của ngành nhưng thực sự việc làm của cụ đã tác động đến những người làm công tác di tu, bảo trì về văn hóa rất xúc động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại