Công văn có hiệu lực trước ngày ký
Công văn (số 9443/BNN-TCTS) được lãnh đạo Bộ NN&PTNT ký ngày 18/11/2015, gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển, yêu cầu: Quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá tại địa phương và thực hiện nghiêm quyết định số 3602 ngày 19/8/2014 của Bộ NN&PTNT;
Ưu tiên phát triển tàu cá làm các nghề như: lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần; chỉ đạo tạm ngưng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu làm từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015…
Nhiều ngư dân ở Kiên Giang cho biết, họ hết sức bất ngờ trước lệnh ngừng đóng mới tàu cá đột ngột này.
Đáng chú ý, công văn này còn bất thường ở chỗ được ký phát hành ngày 18/11, nhưng lại ghi có hiệu lực từ ngày 16/11, trước cả 2 ngày (!?).
Bà Đỗ Thị Tuyết Hà - chủ Doanh nghiệp đóng tàu Hà Xuân ở phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, ôm một chồng hồ sơ với 4 chữ ký, con dấu xác thực của UBND phường, nói:
Đây là tờ khai đóng mới phường ký xác nhận cho tôi từ giữa tháng 9/2015. Sáng 17/11, khi tôi đến Chi cục Thủy sản Kiên Giang nộp hồ sơ đóng mới tàu thì cán bộ ở đây cho biết Bộ NN&PTNT có văn bản không cho đóng mới tàu lưới kéo từ ngày hôm qua (16/11).
Trong khi tôi đang thực hiện đóng mới 2 cặp tàu đánh bắt xa bờ, chi phí cho mỗi cặp khoảng 15 tỷ đồng.
Hiện tôi đang rất hoang mang. Máy móc, vật tư đóng tàu đã tập kết về xưởng, rồi tiền vay ngân hàng cũng đã giải ngân… Bây giờ mà cấm thì bán nhà không đủ trả nợ.
Đề nghị Bộ NN&PTNT khai thông bế tắc
Sáng ngày 14/12, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: Kiên Giang hiện có khoảng 10.500 tàu đánh cá các loại.
Nghề lưới kéo là một nghề truyền thống phát triển rất mạnh ở Kiên Giang, có thể nói nhất cả nước. Tỷ lệ tàu công suất trên 90CV làm nghề lưới kéo chiếm khoảng 70% và trên 400CV chiếm tới 97%.
Về mặt chủ trương, trước đó Bộ NN&PTNT đã có văn bản hạn chế phát triển loại tàu này vì nó khai thác không có tính chọn lọc, lớn nhỏ bắt sạch.
Ở một số nước như Malaysia, Indonesia cấm đánh bắt theo loại hình này.
Cũng theo ông Khải, hiện có 129 hồ sơ xin đóng mới tàu đánh bắt xa bờ đã được chấp thuận trước ngày 16/11 và 82 hồ sơ chưa được chấp thuận nhưng đã có hồ sơ thiết kế của Tổng cục Thủy sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, thông thường, các chủ tàu ở Kiên Giang sau khi đóng xong phần thân tàu thì họ mới làm các thủ tục xin phép.
Và cũng bởi từ trước đến nay việc xin cấp phép cũng rất dễ dàng, nhanh chóng nên Công văn 9443 của Bộ NN&PTNT yêu cầu dừng việc cấp phép một cách đột ngột đã đẩy nhiều chủ tàu vào cảnh khó khăn.
Văn bản này cũng gây bất ngờ ngay cả đối với những người làm công tác quản lý.
Trước những bức xúc của ngư dân, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT:
“Đề nghị cho tỉnh được giải quyết cho phép đóng mới đối với các hồ sơ có tờ khai đóng mới tàu cá đăng ký nghề lưới kéo đã được UBND xã, phường xác nhận và hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phê duyệt đến ngày 18/11/2015”.
Ông Trần Hoàng Minh – chủ Doanh nghiệp đóng tàu Hoàng Minh, rất lo lắng khi cặp tàu 14 tỷ đồng đang đóng chưa được cấp phép, mặc dù hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt trước thời điểm 16/11. Ông Minh nói: Khi cấm phải cho người dân biết ngày nào cấm chứ bây giờ người ta đang đóng, nói cấm là làm khó cho người dân. Tàu đang đóng lỡ dở như vậy rồi biết làm sao, trong khi đó tiền vay ngân hàng, không phải tiền nhà.