Như đã thông tin, ngày 5.10, chị Hằng - mẹ bé C.H.P.L (15 tháng tuổi) đã chia sẻ trên Facebook cá nhân việc con trai chị bị cô giáo nhóm lớp Mầm non tư thục Sơn Ca (ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) trói tay chân, nhét giẻ vào mồm.
Ngay sau khi nắm được thông tin, ngày 6.10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp đến cơ sở Mầm non Sơn Ca nắm tình hình.
Bà Trần Thị Hương - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình - cho biết, sau khi kiểm tra, chiều 6.10, sở đã có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Theo báo cáo, cơ sở Mầm non Sơn Ca hoạt động trái phép, chưa có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền. Giám đốc Sở GD-ĐT đã yêu cầu cơ sở này dừng mọi hoạt động trái phép.
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật cơ sở Mầm non Sơn Ca và các giáo viên vi phạm.
Liên quan tới sự việc trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc cơ sở Mầm non Sơn Ca hoạt động trông giữ trẻ khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập sẽ bị xử lý thế nào? Nếu cơ quan điều tra xác định giáo viên cơ sở Sơn Ca có hành vi “hành hạ” với bé C.H.P.L thì sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết: Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:
"Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục mầm non".
“Theo quy định nêu trên, hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non không có giấy phép thành lập của cấp có thẩm quyền như cơ sở Sơn Ca có thể bị áp dụng mức xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 6, Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ-CP, cơ sở giáo dục không có giấy phép còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm:
Trả lại kinh phí đã thu cho người học và buộc giải thể cơ sở giáo dục” , luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Về nghi vấn cô giáo của cơ sở Sơn Ca có hành vi trói tay chân, nhét giẻ vào mồm cháu P.L, luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá, nếu cơ quan điều tra xác định các cô giáo có hành vi hành hạ cháu P.L, hành vi này diễn ra một cách có hệ thống (lặp đi lặp lại) và có căn cứ xác định, hành vi nêu trên khiến sức khỏe, tinh thần của cháu P.L bị ảnh hưởng thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự.
Mức phạt cao nhất ở tội danh này là 3 năm tù.
Trường hợp thứ hai, nếu sau khi cơ quan công an điều tra làm rõ hành vi của nhóm cô giáo nói trên mới chỉ diễn ra một lần và cháu bé chưa bị ảnh hưởng về tinh thần hay sức khỏe thì sẽ loại trừ trách nhiệm hình sự, các cô giáo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt từ 5-10 triệu đồng.
Điều 110 Bộ luật Hình sự quy định Tội hành hạ người khác:
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật.
b) Đối với nhiều người.
Khoản 2, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
2. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.
b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em.
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.