Cơ quan chức năng làm gì sau vụ diều cuốn bé trai?

Võ Hương – Gia Minh – Trà My |

Vụ bé Văn Minh Đạt (5 tuổi) tử vong do bị dây diều cuốn, Công an H.Hóc Môn (TP.HCM) đang hoàn tất hồ sơ ban đầu và sẽ sớm có hướng xử lý...

Về vụ việc bé trai bị cuốn vào dây diều và tử vong, hàng ngàn bạn đọc đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng phải quản lý những câu lạc bộ diều như thế nào để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra.

Việc thả diều dẫn đến chết người có lẽ là điều không ai ngờ tới nhưng thực tế đã xảy ra.

Hơn nữa, việc thả những con diều lớn mà không có sự quản lý và các biện pháp bảo đảm an toàn cũng là nguy cơ tiềm ẩn của những sự cố khác về an toàn lưới điện, an toàn hàng không, an toàn giao thông…

Cấm không cho thả diều lớn ở Hóc Môn

"Không đơn vị nào xin phép thả diều" -  là khẳng định của ông Đặng Quang Sang, chánh văn phòng UBND H.Hóc Môn, trước thắc mắc các CLB có xin phép thả những con diều lớn tại bãi đất trống trên địa bàn huyện hay không.

“Huyện cũng không cấp phép cho ai tổ chức thả diều như vậy” - ông Đặng Quang Sang nói.

Ông Đỗ Văn Lựu - chủ nhiệm câu lạc bộ diều Sài Gòn - kể lại vụ tai nạn làm chết bé Đạt - Ảnh: Hải Hiếu

Theo ông Sang, trước đây người dân chỉ thả những con diều nhỏ, tự làm tại bãi đất trống này.

“Mấy năm gần đây xuất hiện nhiều người bán những con diều lớn.

UBND huyện giao các cơ quan chức năng quản lý và kiên quyết không cho thả những con diều lớn.

Nếu người dân phát hiện các CLB diều đến và thả những con diều lớn thì nên báo với chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời”, ông Sang cho biết.

Sẽ có quy chế an toàn

"Phải an toàn là trên hết" là chia sẻ của ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, xung quanh vấn đề quản lý các hoạt động thả diều sau sự việc đau lòng một bé trai bị cuốn theo dây diều và tử vong tại H.Hóc Môn.

Di ảnh bé Văn Minh Đạt - Ảnh: Ngọc Khải

Ông Khuê cho biết đa số câu lạc bộ diều trên địa bàn TP.HCM đều là tự phát, họ chơi diều bắt nguồn từ sở thích, đam mê.

Ông Khuê nói: “Sau khi thống kê số lượng câu lạc bộ, sở sẽ có văn bản chỉ đạo rõ, hướng dẫn quy chế an toàn, hướng dẫn cách chơi và đảm bảo an toàn cho các câu lạc bộ diều trong thời gian tới, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc như trường hợp của cháu Đạt vừa qua”.

“Trường hợp đáng tiếc của cháu Văn Minh Đạt là một sự cảnh báo để các hoạt động này phải được đi vào quy củ, quy thức”, ông Khuê cho biết.

Theo ông Khuê, không thể thả nổi hoạt động của các câu lạc bộ diều.

“Khi đô thị hóa, sinh hoạt các khu vui chơi phải đảm bảo an toàn và có sự kiểm soát chặt chẽ”, ông Khuê nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Công Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - du lịch sinh thái biển Tiếng Sóng - Phó ban tổ chức Hội thi diều nghệ thuật 2014 tại TP.HCM, cho biết những con diều lớn khi muốn bay phải có sự hợp sức của rất nhiều người.

“Những con diều có diện tích hàng chục mét vuông thì sức kéo rất lớn khi gặp gió.

Sự việc một bé trai bị cuốn vào dây diều là rất đau lòng và cũng là sự nhắc nhở về việc quản lý, bảo đảm an toàn khi chơi diều”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, tại các hội thi diều, việc đảm bảo an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

“Bất kỳ một đứa bé nào đi lang thang ở nơi tổ chức, không có sự hướng dẫn của cha mẹ đều được đưa đến gặp ban tổ chức để bảo đảm an toàn cho bé” - ông Bình nói.

Cánh đồng diều ở thời điểm xảy ra tai nạn tập trung nhiều người - Ảnh: Hải Hiếu

Ông Bình cho biết ngay cả với người lớn, nếu không có kỹ thuật vẫn có thể bị diều cuốn.

“Khi tham gia thả diều phải lường trước mọi tình huống, không thể chủ quan được”, ông Bình khẳng định.

Một thành viên trong hội chơi diều TP.HCM cho biết hội chơi diều do những người có đam mê tụ họp lại và chơi cùng nhau, không trực thuộc sự quản lý của đơn vị nào.

Ông này cho biết con diều gây tai nạn đã được bay rất nhiều lần, kể cả trong những lễ hội quốc tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

“Tại bãi diều ở H.Hóc Môn gió rất thốc, tôi đã nói nhiều lần với anh em”, ông này cho biết.

Quy định chặt chẽ để tránh lúng túng về sau

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết sự việc đáng tiếc vừa xảy ra đặt ra vấn đề phải quản lý chặt chẽ về mặt tổ chức, cấp phép cho các hoạt động thả diều.

“Nếu không quản lý chặt chẽ, khi có sự việc tương tự xảy ra sẽ lúng túng và khó xử lý”, bà Liên chia sẻ.

Theo luật sư Hồng Liên, đơn vị quản lý phải đưa ra những quy định, hướng dẫn về cách thức tổ chức, phương thức đảm bảo an toàn cho người tham gia và những người xung quanh, cũng như quy định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị khi tham gia các hoạt động này.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại