Có một thời sinh viên ra trận

Đại tá Nguyễn Huy Toàn-Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự |

Trước yêu cầu của cuộc chiến tranh trong các năm 1970, 1971, 1972, thầy trò của các trường đại học ở Hà Nội xung phong nhập ngũ rất đông.

Số sinh viên đại học này rất cần cho các binh chủng kỹ thuật công nghệ cao như: ra-đa, tên lửa, phòng không, hải quân và không quân.

Các đồng chí được chọn về các binh chủng này, tháng 12/1972, đã được tham gia một trận đánh lịch sử - trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”.

Đây là các trận đánh trong một cuộc chiến tranh điện tử hiện đại nhất thời đó. Ta đã thắng, địch đã thua.

Nhiều máy bay B52 và F111 của Mỹ đã bị bắn hạ, xác B52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, trên làng hoa Ngọc Hà. Nhiều phi công sừng sỏ của Mỹ đã bị bắt.

Uy thế “không thể tưởng tượng nổi” của không lực Hoa Kỳ đã bị đè bẹp. Đây là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam.

Chiến công này là kết quả của cuộc đấu tranh và trưởng thành của quân và dân cả nước, mà trực tiếp là đồng bào và chiến sĩ Thủ đô Hà Nội.

Phần đông các sinh viên nhập ngũ các năm đó, sau khi được huấn luyện cấp tốc, được bổ sung ngay cho các chiến trường miền Nam, từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đến chảo lửa Quảng Trị.

Ngày nay, ai vào thăm thành cổ Quảng Trị đều muốn dừng lại xem tấm bia Tổ quốc ghi công nhiều thầy trò các trường đại học đã nằm lại tại đây:

“Thuyền qua Thạch hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông, nơi đó bạn tôi nằm”.

Sau ngày toàn thắng, có những sinh viên về lại trường đại học, có người trở về làm công dân bình thường của Hà Nội, cũng có người trở thành nhà lãnh đạo như: Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu.

Có người thành cán bộ cấp cao như: Phùng Văn Hoàn, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Quốc Cường; trở thành nhà thơ như:  Sơn Tùng, Chu Lai, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu; thành họa sĩ, như: Lê Duy Ứng, Nguyễn Thế Hữu, Lê Trí Dũng.

Có những sinh viên nằm lại trên chiến trường, nhưng đã để lại những tập nhật ký làm xúc động bao trái tim nhân loại, như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc.

Đặc biệt là có 3 người trở thành anh hùng, đó là: Lê Duy Ứng, Nguyễn Thanh Hải, Lê Xuân Đỉnh.

Trong lớp sinh viên ra trận những năm đó, tôi muốn kể về một người sinh viên bình thường, mà chúng tôi gọi là “Người anh hùng trong lòng anh em”.

Anh ấy là Trần Thanh Toàn, sinh năm Giáp Ngọ (1954), quê ở Vĩnh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là sinh viên trường Đại học Thủy Lợi.

Với dáng người thư sinh nhưng rắn rỏi và nhanh nhẹn, nên được chọn về Đại đội 20 trinh sát của Trung đoàn 66 Bộ binh, về đơn vị là tham gia trực tiếp chiến đấu ngay.

Hồi đó, Sư đoàn chúng tôi đang làm nhiệm vụ chặn đánh địch suốt từ sông Mỹ Chánh ra khu vực Thành cổ, không cho chúng tăng viện cho Thành cổ và cũng không để chúng rút chạy về phía sau.

Đây là cuộc chiến nhằm “chia lửa” cho Thành cổ Quảng Trị nên vô cùng ác liệt. Trần Thanh Toàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trinh sát và dẫn đường cho bộ đội, anh được phong Trung sĩ, Tiểu đội trưởng.

Đến chiến dịch Thượng Đức năm 1974, sau khi Sư đoàn chúng tôi tiêu diệt chi khu quân sự, quận lỵ Thượng Đức, giải phóng 13.000 dân, “cánh cửa thép” phía tây căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng bị mở toang.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, điều phần lớn Sư đoàn dù - lực lượng tổng dự bị chiến lược, thiện chiến nhất của địch, mở cuộc hành quân chiếm lại Thượng Đức.

Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra tận nơi để khích lệ binh sĩ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn dù thì tuyên bố trước các nhà báo: “Nếu không tái chiếm được Thượng Đức, xin thượng cấp giải tán Sư dù”.

Cuộc chiến ở Thượng Đức trở thành nơi đọ sức giữa lực lượng chủ lực ta với tổng dự bị chiến lược của địch, khi sư đoàn dù bị đánh quỵ, chúng lại cho Lữ đoàn thủy quân lục chiến vào thay.

Cuộc chiến đấu kéo dài từ tháng 7/1974 đến tháng 12 năm đó.

Các đơn vị quân ta tham chiến ở đây đã có 921 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng nghìn đồng chí bị thương.

Từ đó để giúp cấp trên đi đến nhận định là: “Quân chủ lực ngụy không thể đương đầu với quân chủ lực ta, khả năng đánh thắng toàn bộ quân ngụy đang trở thành hiện thực trước mắt”, dẫn đến quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975.

Trong chiến dịch Thượng Đức, điểm cao 1062 là nơi đọ sức giữa Sư đoàn 304 và Sư đoàn dù, nó được mệnh danh là “Đỉnh lửa”, “Đỉnh máu”, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể Trung đoàn 66.

Trong khi trên đỉnh 1062 ta với địch đang giằng co nhau từng mét chiến hào trong bùn và máu, thì ở dưới chân 1062, lễ kết nạp Trần Thanh Toàn được tiến hành trong một hang đá mà các đảng viên chỉ có thể ngồi để tuyên thệ. Hôm đó là ngày 24/10/1974.

Ngay sáng hôm sau, 25/10/1974, đảng viên mới Trần Thanh Toàn được cử vào đội cảm tử, có nhiệm vụ luồn sâu đánh trận địa pháo 175mm ở Đồng Lâm.

Trận địa pháo địch nằm sâu trong hậu phương khoảng 20 cây số, một phân đội nhỏ 15 trinh sát dày dạn kinh nghiệm được lựa chọn đi đánh trận này, anh em đều biết rõ là trận này ra đi khó mà có thể trở về.

Trong lễ xuất quân, chính trị viên Ngô Văn Dùng không nén được xúc động, anh nói lời động viên mà như truy điệu sống những chiến sĩ sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Sau  lễ xuất quân, Trung sĩ Phạm Văn Khất đem ảnh vợ ra để các bạn xem rồi bỏ vào miệng nhai, nuốt nhẹ nhàng như muốn lưu giữ mãi hình ảnh vợ trong trái tim mình.

Tiểu đội trưởng Trần Thanh Toàn thì lặng lẽ cởi ba lô, lấy nhật ký và kỷ vật quý giao cho người ở lại, anh cũng chia tất cả quần áo và tư trang cho đồng đội, anh chỉ mặc bộ quân phục đã sờn vai…

Chiến sĩ B41 Ngô Quang Chiền thì nhờ đồng đội gửi về quê lá thư cuối cùng, hẹn hai bên nội ngoại chăm sóc vợ con anh trước lúc đi xa, vì anh vừa cưới vợ được một tuần thì ra trận.

Trong trận ấy, Chiền và các đồng chí Nguyễn Khắc Sửu và Phạm Văn Khất đã hy sinh. Con chiến sĩ Ngô Quang Chiền khi sinh ra được đặt tên là Ngô Quang Huyền nhưng không được bên nội công nhận.

Mãi đến năm 9 tuổi, Huyền tình cờ tìm được nửa lá thư của bố trong tủ quần áo, lúc đó cháu mới có bên nội.

Được tin này, Trần Thanh Toàn (sau này làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm GĐ Tổng Cty than Sông Hồng) đã tài trợ cho cháu Huyền cả tiền, cả phương tiện đi lại để làm chính sách và đi tìm mộ bố.

Anh cũng nhiều lần tài trợ cho anh em đại đội trinh sát của mình về thăm lại chiến trường xưa và vận động công ty tặng 3 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình ở Thượng Đức.

Đồng thời, anh còn góp hơn một tỷ đồng cùng với Nguyễn Hòa Bình, Lê Viết Minh  là ba nhà tài trợ chính để xây dựng “Tượng đài chiến thắng Thượng Đức”, vừa được khánh thành tháng 7-2014.

Với những chiến công trong chiến đấu và việc ứng xử văn hóa trong thời bình, anh được anh em tôn vinh là “Người anh hùng trong lòng anh em”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại