Gần 40 năm qua, bà Ba vẫn đều đặn ngồi bán nước ở quán vỉa hè tại góc đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, quận 1-TP Hồ Chí Minh.
Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, dù tuổi đã ở mức xưa nay hiếm (87 tuổi), tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng hàng ngày bà vẫn làm đều đặn công việc của mình.
Bất kể khách là người Việt hay người ngoại quốc, bà đều nhiệt tình tiếp đón và chào hỏi bằng các ngôn ngữ khác nhau.
"Thật ra tui cũng không phải là nói, viết được lưu loát tất cả 4 loại ngoại ngữ như nhiều bài báo đã viết mà tui biết ít nhiều về những câu chào hỏi, giá tiền và chỉ dẫn đường… cho nhiều vị khách ngoại quốc khi ghé quán tui mua đồ hoặc nhờ tui chỉ dẫn thôi", bà vui vẻ cho biết.
Cụ bà 87 tuổi có thể nói được 4 thứ tiếng?
Bán nước giải khát trên vỉa hè khu phố Tây ở TP Hồ Chí Minh hơn 37 năm qua, bà Trần Thị Định (87 tuổi - tên thường gọi là bà Ba, dì Ba, hộ khẩu quận 4) khá "nổi tiếng", được nhiều người biết đến, yêu mến bởi tính tình cởi mở, hiền lành và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ khá đa dạng của mình - theo lời bà có thể nói được 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc và tiếng Khmer một cách thông dụng.
"Nếu tính cả tiếng Việt thì phải nói là tui thạo 5 thứ tiếng chứ nhỉ", bà Ba hóm hỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Ba tỏ ra rất nhanh nhẹn, minh mẫn, giọng bà sang sảng khi nói về mọi chuyện liên quan đến công việc hàng ngày và nhất là những việc liên quan đến khả năng ngoại ngữ của mình.
"Nhìn tui bán nước giải khát ở cái quán vỉa hè vậy chứ cũng nhờ công việc này mà bao năm qua tui lo được cho gia đình, các con tui khôn lớn ăn học đâu ra đó, có công ăn việc làm đàng hoàng, ổn định", bà Ba ra chiều tâm đắc với quán nước của mình.
Nhắc tới các con, bà hãnh diện: "Vợ chồng tui có tất cả ba người con, hai trai, một gái. Giờ đây chúng đều đã trưởng thành, lập gia thất.
Con trai lớn của tui hiện là một giáo viên, con trai út thì làm trưởng phòng của một công ty sách, trong khi đứa con gái thì cũng chồng con đề huề, khá giả.
Có được như vậy tui nghĩ do vợ chồng tui dù nghèo nhưng luôn chú tâm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn".
Theo lời bà, dù con cháu đã có nhà cửa ổn định, công việc đâu ra đó, nhiều lần các con bà khuyên nhủ mẹ mình nghỉ ngơi an hưởng tuổi già nhưng bà một mực bảo rằng tính bà và cả thể trạng của bà không thích hợp với việc ở không, nằm hay ngồi một chỗ.
Nên hàng ngày bà vẫn đội nắng, đội mưa bán nước giải khát vỉa hè.
"Đúng là hai con trai của tui nhiều lần khuyên tui nghỉ ngơi nhưng tui bảo nếu ở nhà chắc tui sẽ chết sớm, chúng nó vội vàng nói gia tài của tụi con chỉ còn mẹ vì chồng tui đã mất cách đây 7 năm rồi, nếu giờ mẹ bị gì thì tụi con biết làm sao, thế là chúng nó vẫn để tui đi bán.
Hàng ngày cứ khoảng 5h sáng thằng út đưa tui ra nơi bán thì cũng phụ tui dọn đồ ra, còn buổi chiều tối thằng lớn rước tui về cũng phải giúp tui dọn hàng vào, hôm nào mưa sẽ nghỉ sớm hơn…
Tui nghĩ tui mà ở nhà chắc sẽ chán lắm, hàng ngày tui ngồi đây bán nước giải khát, đi qua đi lại giống như được đi tập thể dục thể thao.
Gần 40 năm nay tui chẳng có bệnh gì đáng kể cả. Chỉ có điều một mắt bị cườm nên thị giác kém hẳn, còn lại tui thấy mình luôn khỏe mạnh", bà cười tươi tâm sự.
Nhắc đến chuyện tuổi tác, bà còn tròn mắt khoe rằng mình đã mua phần đất để chuẩn bị mọi chuyện cho hậu sự của mình sau này, chứ bà không muốn phiền đến con cháu phải lo cho mình.
"Từ hồi trẻ cho đến giờ tui luôn muốn tự mình làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân, lo cho con cái.
Bản thân tôi thực sự không muốn con cháu có gia đình riêng lại phải lo cho tui, nên tui đã chuẩn bị mọi thứ cho mình khi về với ông bà. Tôi nghĩ thế lại hay và yên tâm chú ạ", bà cười hiền.
Kể lại cái duyên gắn bó với quán nước này, bà Ba vui vẻ cho biết trước ngày giải phóng (30-4-1975), bà làm phụ việc trong tiệm làm đẹp cho các quý bà người nước ngoài.
Nhờ vậy bà có cơ hội tiếp xúc và học hỏi được một chút ngoại ngữ để giao tiếp thông thường.
Sau giải phóng, bà chuyển sang nghề bán nước vỉa hè để kiếm sống và cũng từ đó bà gắn bó với quán nước ở góc đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, quận 1 này.
Nét đẹp riêng ở phố Tây
Với vốn ngoại ngữ có được trước đó cùng với việc học hỏi thêm trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện với khách ngoại quốc vào mua nước uống sau này, bà có thể tự tin giao tiếp một cách đơn giản và mời khách nước ngoài ghé quán mua đồ.
Có lẽ chính khả năng đó của bà mà nhiều vị khách nước ngoài tỏ vẻ ngạc nhiên xen lẫn thán phục khi tiếp xúc và trò chuyện cùng bà.
"Ở khu vực này, tập trung nhiều du khách nước ngoài, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Campuchia… đủ cả, tui nói chuyện với họ được hết. Chỉ có tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật dù rất muốn học nhưng nó khó quá tui không nói được.
Nhưng phải thừa nhận là tui chỉ nói được, chứ viết thì tui không làm được", bà thật thà bộc bạch. Theo lời bà, nhiều năm bán hàng ở đây, ngoài việc giao tiếp khi bán hàng, bà còn vui vẻ chỉ đường cho các khách nước ngoài còn bỡ ngỡ, không biết đường đi lại.
Cuộc trò chuyện với bà lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi khách vào mua hàng hay bà phải đi lấy nước cho khách vào quán.
Chứng kiến sự tự tin khi giao tiếp với khách nước ngoài, dù chỉ là những câu đơn giản khi hỏi về thức uống hay giá tiền nhưng chúng tôi như cảm thấy vui vui, là lạ bởi khả năng ngoại ngữ của một cụ bà đã gần 90 tuổi đời.
Nói bà thử "biểu diễn" một số câu thông dụng của mỗi loại ngoại ngữ bà biết, bà liến thoắng nói mỗi ngoại ngữ một vài câu, hết tiếng Pháp, Anh rồi đến Trung Quốc hay tiếng Campuchia khiến chúng tôi với vốn ngoại ngữ eo hẹp cũng chỉ biết lắc đầu thán phục…
Bao nhiêu năm qua cũng là bấy nhiêu năm bà chứng kiến sự đổi thay của khu vực phố Tây này.
Bà bảo rằng trong ký ức của mình, hình ảnh Sài Gòn ngày trước đơn sơ hơn bây giờ rất nhiều, hồi ấy nhà cửa chỉ cao 3-5 tầng là hết cỡ với lại phương tiện giao thông chủ yếu chỉ phần nhiều là xe đạp chứ không nhiều xe máy, ôtô rồi cả chuyện kẹt xe, khói bụi nhiều như hiện nay.
Theo cụ Ba, khu vực Công viên 23-9 trước đây là nhà ga xe lửa đông đúc.
Vừa chỉ ra công viên 23-9 trước mặt, bà vừa như hồi tưởng lại: "Hồi xưa chưa có công viên này đâu, khu vực này vốn là ga xe lửa Sài Gòn - Nha Trang.
Chính vì thế khi tui bán ở đó rất được. Mỗi khi có chuyến tàu về là bán không kịp, nào cơm canh, thức uống… khách vào mua nhiều lắm.
Vậy nhưng sau khi dẹp cái ga này rồi đưa về khu vực Hòa Hưng bây giờ, và khu vực này trở thành công viên như hiện nay chúng tui chỉ còn bán nước giải khát nên thu nhập cũng giảm nhiều so với trước kia.
Lúc trước có thời điểm bán ngày cũng được 300-400 ngàn đồng nhưng giờ chỉ được mấy chục ngàn thôi, nhưng tui già cả rồi, mức thu nhập đó cũng tương đối ổn, chỉ cốt sao không phụ thuộc vào con cháu đã là vui rồi".
Câu chuyện vui vui về bà Ba, về khả năng ngoại ngữ của một người vốn chỉ là người buôn bán nhỏ lẻ ngay ở vỉa hè có thể nói cũng đôi phần giúp làm nên nét đẹp riêng ở khu phố Tây của một Sài Gòn hiếu khách; và nhất là ấn tượng đầy thiện cảm trong lòng du khách bốn phương về một cụ bà biết ngoại ngữ giao tiếp đơn giản mỗi khi đến đây hay lúc chia xa Sài Gòn!