Chuyện thời sự đau lòng
Đang là ngày nghỉ cuối tuần, ấy vậy nhưng nhận được cuộc điện thoại từ một số lạ hoắc, giọng mếu máo: “Anh ơi, cứu lấy gia đình em với. Cứ để mãi thế này, tội nghiệp cho linh hồn liệt sỹ chú em quá. Đã gần 10 ngày nay rồi, hài cốt liệt sỹ của chú ruột em phải để trong nhà, không được đi an táng”.
Hỏi căn nguyên, chị chỉ nói vỏn vẹn mấy câu: “Xã không cho an táng vì lý do: bộ hài cốt này đang bị tranh chấp. Họ còn cử cả công an xã ra để canh nghĩa trang nữa, sợ nhà chúng em đêm đến lẻn vào để chôn cất thi hài”.
Tìm về địa chỉ mà cô gái gọi điện thông báo: xã Gia Văn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đơn kêu cứu của gia đình liệt sỹ Chiến
Lần theo địa chỉ khi trời đã xế chiều, ghé vào một quán nước, cạnh thị trấn Thuận Thành, đem câu chuyện mà tôi nghe được ra hỏi, bà lão bán nước chè móm mém: “Chuyện thật đấy chú ạ. Cả tuần nay, không riêng gì xã Gia Văn mà cả cái huyện Thuận Thành này đang đồn đại ầm ĩ lên. Ngót nghét tám chục tuổi đầu, thú thật lúc đầu nghe, lão cũng không tin. Nhưng một bữa đến thăm đứa cháu ở ngay xã Gia Văn, nghe nó kể lại, lão mới tin. Chuyện này đang là chuyện thời sự của làng đấy.
Không khó để chúng tôi tìm được gia đình của liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến ở cái xã Gia Văn này. Bởi, câu chuyện về việc bộ hài cốt liệt sỹ gần 10 ngày nay bị cấm chôn cất ở nghĩa trang liệt sỹ xã không ai là không biết.
Có người thì bảo: xã “nghi” đây không phải là hài cốt liệt sỹ, nên quyết không cho an táng tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Kẻ ác miệng, lại cho rằng: do “tranh chấp” về quyền lợi, nên nảy sinh mâu thuẫn giữa gia đình họ nội và con đẻ của liệt sỹ; hậu quả là hài cốt liệt sỹ sau bao năm nằm ở vùng rừng núi nơi đất khách quê người, đến ngày đưa được về quê cha đất tổ vẫn không được yên.
Nhà ông Nguyễn Xuân Yên – cháu ruột của liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến mấy hôm nay chật kín người. Người dân nghe tin gia đình tìm được hài cốt liệt sỹ Chiến thì vui mừng, đến để thắp nén nhang, cầu nguyện cho hương hồn những người đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc được bình an.
Ngày hài cốt liệt sỹ Chiến được mang về, gần như người dân tại thôn Ngọc Khám đều bỏ hết công việc đồng áng đến để mong được tiễn đưa hương hồn liệt sỹ về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Gia đình liệt sỹ Chiến hạnh phúc vì sung sướng, bởi lẽ, sau bao nhiêu năm lặn lội kiếm tìm, cuối cùng hài cốt liệt sỹ cũng đã được tìm thấy.
Đồng đội của anh, những người may mắn thoát chết sau những trận bom khốc liệt thì vui đến phát khóc. Người nhà liệt sỹ Chiến kể rằng, có cả những vị Đại tá, ngày trước cùng đơn vị với anh Chiến, từ ngày nghỉ hưu đến nay, ngày nào cũng thuê xe ôm đến nơi đơn vị đóng quân ngày xưa để tìm hài cốt liệt sỹ Chiến.
Ngày đưa anh về với quê hương, họ đã khóc: “Vậy là cuối cùng, cậu cũng về với nơi chôn rau cắt rốn sau bao nhiêu năm nằm lại nơi đất khách quê người. Tụi mình có được như ngày hôm nay, là nhờ những người đã ngã xuống như cậu. Viên đạn đó, cậu không nhận lấy, biết đâu mình và anh em đồng đội lại là những người thế mạng”.
“Đường đến nghĩa trang, sao xa quá”
Ngày hài cốt liệt sỹ Chiến được đưa về quê hương, gia đình liệt sỹ những tưởng sẽ được chính quyền xã Gia Văn tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm, để tỏ lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì nền độc lập. Thế nhưng, không một cán bộ xã nào từ to đến nhỏ có mặt.
Nghe đâu, chỉ có ông Trưởng thôn đến để thăm dò tình hình. Không những thế, lãnh đạo xã Gia Văn còn cấm gia đình không được an táng hài cốt tại nghĩa trang liệt sỹ của xã, yêu cầu đưa ra chôn ở nghĩa địa của làng.
Giấy xác nhận của địa phương nơi gia đình đến tìm mộ liệt sỹ Chiến
Hỏi lý do, gia đình liệt sỹ Chiến chỉ nhận được câu trả lời, đại loại: hiện phía gia đình nội tộc và con gái liệt sỹ Chiến đang có mâu thuẫn. Con gái liệt sỹ – chị Thắm đã có đơn phản đối, cho rằng đó không phải là hài cốt bố mình nên yêu cầu xã không được cho an táng bộ hài cốt này trong nghĩa trang.
Các cụ bô lão trong dòng tộc thì cho rằng lý do đó hoàn toàn không chính đáng, bởi: mâu thuẫn trong gia đình là việc riêng của dòng họ, không liên quan gì đến việc an táng liệt sỹ ở nghĩa trang cả. Đem lý do này lên đối chất với lãnh đạo xã Gia Văn và huyện Thuận Thành thì được trả lời: Ừ, thì cứ cho đó là mâu thuẫn gia đình. Vậy nếu các anh muốn chôn cất, phải có các giấy tờ, chứng minh đó là hài cốt liệt sỹ. Cụ thể là giấy chứng nhận của phòng lao động thương binh xã hội và Cơ quan quân sự nơi phát hiện phần mộ.
Đến lúc này, những người tham gia tìm kiếm phần mộ của liệt sỹ Chiến mới ngã ngửa, bởi đây là lần đầu tiên họ đi tìm hài cốt liệt sỹ. Những tưởng tìm được là xong, ai ngờ đến việc chính quyền địa phương bắt trình các thủ tục rườm rà trên.
Nhưng lệnh trên đã ban như vậy, họ đành phải nghe theo. Lục tung các giấy tờ còn lại, may thay tìm được cái giấy bàn giao hài cốt liệt sỹ Chiến cho gia đình và đồng đội do UBND xã nơi mà liệt sỹ hy sinh ký tên đóng dấu. Kèm theo đó là xác nhận của đồng đội - những người cùng chiến đấu, đã cất công đi tìm hài cốt liệt sỹ Chiến.
Đưa những tờ giấy này cho xã và huyện, vẫn nhận được cái lắc đầu: đây là những giấy tờ không hợp lệ, yêu cầu phải có xác nhận của huyện nơi tìm ra phần mộ thì mới được đem đi chôn cất.
Đến lúc này, gia đình chỉ còn nước bắt xe đi hàng ngàn cây số vào Quảng Ngãi để xin được mấy cái giấy chứng nhận kia.
Trong khi người nhà liệt sỹ đang bắt xe vào Quảng Ngãi để xin các giấy tờ, theo đúng như thủ tục mà xã và huyện yêu cầu, thì xã Gia Văn đã triệu tập người đại diện dòng họ của liệt sỹ đến. Và cuối cùng, phương án mà xã đưa ra là: tạm thời chôn ở bãi tha ma của làng, khi nào có đủ giấy tờ, lại khai quật lên, đưa vào nghĩa trang liệt sỹ xã.
Người nhà thì kịch liệt phản đối. Họ cho rằng: hài cốt liệt sỹ chứ có phải là trò đùa đâu mà muốn chôn đâu thì chôn, muốn đào lên khi nào thì đào. Rút cuộc, họ nhất quyết để bộ hài cốt trong nhà người cháu ruột của liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến để nhang khói, chờ ngày kiếm đủ các giấy tờ mà xã yêu cầu.
Đã hơn 1 tuần nay, hài cốt liệt sỹ Chiến vẫn chưa được chôn cất
Hôm chúng tôi có mặt tại xã Gia Văn, cũng là ngày thứ 7 mà gia đình liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến ôm khư khư lấy bộ hài cốt để nhang khói. Một cụ bà đã ngoài 80 tuổi trong dòng họ khóc và bảo: Từ ngày đưa Chiến về đây, đêm nào tôi cũng trải chiếu nằm dưới bộ hài cốt.
Có hôm, tôi còn gặp thằng Chiến trong mộng, nó bảo: “Sao cứ để con nằm mãi nơi đây thế? Đường đến nghĩa trang sao xa thế hở thím ơi”.
Anh Nguyễn Xuân Yên, cháu ruột của liệt sỹ Chiến bảo với tôi rằng: “Mong các anh cứu lấy chúng tôi. Nếu không nhanh, xã họ sẽ đến lập biên bản phạt vì tội gây… ô nhiễm môi trường. Đã mấy lần họ bắc loa lên réo ầm ầm cả thôn nghe rồi”.
Theo VietNamNet